Ngày 26/3, Chỉ thị số 30-CT/TU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng được ban hành. Sự chỉ đạo này là động thái "xốc lại" tinh thần, trách nhiệm đối với các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) - "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục".
Ngày 26/3, Chỉ thị số 30-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng được ban hành. Sự chỉ đạo này là động thái “xốc lại” tinh thần, trách nhiệm đối với các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) - “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục”.
Diễn biến vi phạm vẫn phức tạp
Rừng của 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên giáp nhiều tỉnh, địa hình phức tạp, có vườn quốc gia, do đó việc quản lý và bảo vệ càng khó khăn. Theo Quyết định số 299 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tổng diện tích có rừng của huyện Đạ Tẻh là 30.242,8ha và huyện Cát Tiên là 26.739,1ha. Tổng diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng của Đạ Tẻh là 28.829,9ha (rừng tự nhiên gần 22.859ha, còn lại rừng trồng; hơn 4.958ha rừng phòng hộ, còn lại rừng sản xuất) và của Cát Tiên là 26.298,7ha (rừng tự nhiên hơn 23.321ha, còn lại rừng trồng; hơn 21.281ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Toàn tỉnh hiện có độ che phủ rừng 52,5%, còn ở Đạ Tẻh diện tích này đạt 57,7% và Cát Tiên đạt 62,7%.
Tình hình vi phạm Luật BV&PTR ở 2 địa bàn này thời gian qua vẫn là sự thách thức đối với địa phương, ngành chức năng và chủ rừng. Ở Đạ Tẻh, năm 2014, đã phát hiện và lập biên bản 174 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 40 vụ so với năm 2013. Tang vật, phương tiện thu qua xử lý vi phạm gồm hơn 206m3 gỗ tròn, gỗ xẻ; 4 ô tô, 72 xe mô tô, 33 cưa tay, 14 xe lôi,… Tổng tiền phạt và bán lâm sản, phương tiện tịch thu hơn 1 tỉ 88 triệu đồng. Quý I năm 2015, phát hiện và lập biên bản 64 vụ, giảm 14 vụ so năm 2014; xử phạt hành chính 55 vụ, xử lý hình sự 1 vụ. Tịch thu gần 67m3 gỗ xẻ và gỗ tròn; 16 xe máy, 9 cưa xăng cầm tay, 2 xe lôi tự chế; số tiền thu qua xử lý hơn 123 triệu đồng.
Ở Cát Tiên, năm 2014, xử lý 41 vụ vi phạm, tăng 11 vụ so năm 2013; xử lý hành chính 37 vụ; thu qua xử lý vi phạm hơn 23m3 gỗ tròn, gỗ xẻ… và tiền thu hơn 900 triệu đồng. Ba tháng đầu năm 2015 xảy ra 15 vụ, đã xử lý 11 vụ; tịch thu hơn 8m3 gỗ xẻ, 4 xe lôi tự chế; số tiền thu phạt 26 triệu đồng...
Nghiêm trọng nhất là vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra vào tháng 11/2014 tại khu vực giáp ranh huyện này: khoảnh 1, tiểu khu 528, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên và khoảnh 1, 2, tiểu khu 536 xã An Nhơn, Đạ Tẻh. Diện tích rừng bị khai thác gỗ trái phép là của Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh và 3 hộ xã Nam Ninh, Cát Tiên quản lý. Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Danh Tuyên cho biết, sau khi có tin báo, ngành huy động lực lượng cùng chủ rừng triển khai kiểm tra ngay hiện trường. Kết quả, đối tượng đã dùng cưa xăng cầm tay hạ cây, cắt thành lóng và đưa xe cơ giới ủi đường để kéo gỗ ra. Có 213 cây bị hạ, khối lượng lâm sản thiệt hại 363,5m3. Hiện trường có 176 lóng gỗ các loại, từ nhóm II đến nhóm VIII, tổng khối lượng 302,916m3 gỗ tròn. Chi cục lập biên bản vi phạm hành chính, khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xử lý. Hiện, các cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá số gỗ tang vật, tạm giữ 3 người liên quan vụ án.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh Nguyễn Ngọc Toán cho biết: Mặc dù số vụ vi phạm Luật BV&PTR trong quý I năm 2015 giảm so cùng kỳ nhưng tình hình xâm hại đến tài nguyên rừng còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng phá rừng trái pháp luật; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra tại các địa bàn.
Đồng bộ và tổng lực các giải pháp
Trong năm 2014, toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 1.841 vụ vi phạm Luật BV&PTR. Theo đó, đã xử lý 1.674 vụ (gồm xử lý hành chính 1.640 vụ, xử lý hình sự 34 vụ). Cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đã tịch thu 22 xe ô tô, 6 xe độ chế, 397 xe máy, 318 công cụ khác; hơn 2.006m3 gỗ các loại; giá trị lâm sản ngoài gỗ hơn 254 triệu đồng và 245kg thịt động vật rừng các loại; thu nộp ngân sách 17.351.901.000 đồng.
Tuy so năm 2013 số vụ vi phạm toàn tỉnh giảm 245 vụ (11,7%), diện tích vi phạm giảm 25,235ha, nhưng sự ra đời Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy là một yêu cầu mang tính cấp bách. Diễn biến vi phạm Luật BV&PTR đang tiếp tục xảy ra trên nhiều địa bàn trong tỉnh, nhiều vấn đề đang đặt ra. Trước hết, đó là vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. “Lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã phải trực tiếp đi kiểm tra tình hình quản lý, BV&PTR tại địa phương (ít nhất 1 lần/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và 2 lần/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp xã) để kịp thời đánh giá tình hình và tiếp tục chỉ đạo, có biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và xử lý các vụ việc phát sinh trên địa bàn’’ (Chỉ thị 30). Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng cho biết: Huyện yêu cầu các Chủ tịch cấp xã phải có nhật ký đi rừng để kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc. Mặt khác, các ngành, đơn vị, tổ chức đoàn thể các cấp cần vào cuộc quyết liệt, thực chất đối với công tác quản lý, BV&PTR. Cần xem lại vai trò của Ban lâm nghiệp xã và kiểm lâm phụ trách địa bàn. Hạt trưởng Kiểm lâm Cát Tiên Lê Văn Tần nhận xét: “Một số cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa thật sự sâu sát địa bàn, chưa phát huy hết khả năng và năng lực của bản thân, chưa xây dựng tốt mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở nên những thông tin về vi phạm Luật BV&PTR còn hạn chế’’.
Có một lỗ hổng rất rõ là năng lực và trách nhiệm của đơn vị chủ rừng cần phải khắc phục sớm. Trước hết, bản thân chủ rừng phải tự nâng lên, cùng đó là sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các ngành chức năng, nhất là kiểm tra và truy quét. Thực tế cho thấy, còn nhiều chủ rừng chưa chủ động, tích cực tuần tra, kiểm tra rừng; còn e ngại, sợ va chạm với các đối tượng vi phạm.
Những thực trạng khác, đó là tác dụng răn đe, ngăn chặn thông qua xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo còn hạn chế; đã đến lúc lưu ý đến những con đường mở xuyên qua các khu rừng. Nên chăng vô hiệu hóa một số con đường, bởi chính đây là điều kiện để các đối tượng lợi dụng vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…
MINH ÐẠO