Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, nhận định: "Mùa hạn năm 2015, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp không bị khô hạn. Trong đó, 30% được chống hạn từ nguồn nước các công trình thủy lợi, khoảng 40% còn lại là do người dân tự chủ động tưới từ các nguồn ao, hồ, sông, suối"...
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, nhận định: “Mùa hạn năm 2015, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp không bị khô hạn. Trong đó, 30% được chống hạn từ nguồn nước các công trình thủy lợi, khoảng 40% còn lại là do người dân tự chủ động tưới từ các nguồn ao, hồ, sông, suối”. 40% trong tổng diện tích hơn 40.000ha đất nông nghiệp toàn huyện không phải là một con số nhỏ, cho thấy vai trò của người dân trong công tác chống hạn là rất đáng kể. Cũng từ đây, đã “nổi” lên một số mô hình chống hạn đáng ghi nhận.
|
Nước được điều tiết từ hệ thống kênh mương Đak Long Thượng |
Đầu tiên, phải kể đến mô hình chống hạn ở thôn 5, xã Lộc An. Anh Nguyễn Văn Sương - Phó thôn, cho biết: “Thôn có đến 240ha cà phê và 15ha chè. Trước đây, do cách xa nguồn nước nên nhiều diện tích cà phê và chè bị khô hạn, thậm chí phải đốn bỏ sau mỗi mùa khô. Nhưng từ 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã vận động dân cùng tìm cách chống hạn. Những hộ có cà phê và chè đều đồng ý góp kinh phí đầu tư phương tiện và cùng dẫn nước về vườn”.
9/12 huyện, thành trong tỉnh đã có mưa
Ông Trần Xuân Hiền - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước tình trạng hạn hán, nắng nóng mùa khô 2014-2015 kéo dài, trong 2 ngày 2-3/4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những “cơn mưa vàng” hiếm hoi trải đều tại 9/12 huyện, thành trong tỉnh, góp phần giảm thiểu tình trạng khô hạn cho cây trồng cũng như công tác phòng chống cháy rừng của tỉnh. Thống kê tại 16 điểm theo dõi khí tượng thủy văn cho thấy, các địa phương trong tỉnh đã có 12 điểm có mưa, với lượng mưa dao động từ 10 đến 30mm, đặc biệt có xã Đạ Sar (Lạc Dương), lượng mưa lên tới 34,3mm.
Cũng theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, sau những cơn mưa chuyển đổi hình thức thời tiết chấm dứt một đợt nắng hạn kéo dài, trong 10 ngày tới, thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ lại tiếp tục có những diễn biến khó lường, người dân trong tỉnh lại phải tiếp tục gồng mình chống hạn. Một số địa phương chưa có mưa trong những tháng đầu năm nay, hoặc lượng mưa không đáng kể như Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, nắng hạn sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Có khả năng trong 10 ngày tới, các khu vực này vẫn tiếp tục không có mưa, đồng nghĩa với việc thiếu hụt lượng mưa từ 40-60% so với trung bình nhiều năm qua. Do vậy, rủi ro thiên tai do hạn hán đạt tới cấp độ 2. Các địa phương trong tỉnh cần chủ động có những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng chống tình trạng khô hạn, cạn kiệt và nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Dự kiến phải đến ngày 20/4/2015, trên địa bàn toàn tỉnh mới xảy ra mưa rào, một số nơi có thể xảy ra mưa đá, mưa dông.
Hồng Hải
|
Ban đầu, kế hoạch chống hạn ở thôn 5 là đầu tư đường ống, máy bơm và tập trung bơm nước từ đập Nông trường (cách thôn 3km) về tưới luân phiên cho từng vườn cà phê. Nhưng kế hoạch này tốn khá nhiều chi phí, nước chảy về lại không được nhiều, nên cứ sau mỗi mùa hạn, người dân trong thôn bàn bạc cách cải tiến phương thức tưới. Từ mùa khô năm 2015, thôn bỏ hết những đường ống nhỏ, đường ống cũ, đồng lòng góp kinh phí đầu tư hệ thống ống lớn, rồi “hè” nhau mang khoảng chục đường ống này lên đặt ở tận nguồn nước. Do nguồn nước ở trên cao nên nước cứ theo áp lực mà tự chảy về thôn, không cần máy bơm, không tốn nhiên liệu. Mới đây, gặp lại ông Nguyễn Xuân Chiến, Bí thư Chi bộ thôn 5, tại Đại hội Đảng bộ xã Lộc An, ông hồ hởi khoe: “Từ nay, người dân thôn 5 sẽ dùng cách này để “chiến đấu” với hạn. Không còn lo nguồn nước nữa rồi!”
Không cách xa nguồn nước như ở thôn 5 (Lộc An), ở xã Lộc Tân, người dân nằm cạnh nguồn nước nhưng vẫn gặp cảnh khô hạn. Xã có 2 hồ đập thủy lợi ở thôn 2 và thôn 3, với diện tích mặt nước khoảng 19,5ha, đảm bảo tưới cho khoảng 40% trong hơn 4.400ha đất nông nghiệp toàn xã. Cán bộ nông lâm thủy xã Lộc Tân, anh Bùi Văn Bình cho biết: “Những mùa hạn trước, mực nước ở 2 hồ thủy lợi này có giảm, nhưng không giảm nhiều như năm nay. Khoảng 2 tuần cuối tháng 3, nước hồ thủy lợi ở thôn 2 gần như khô cạn, còn mực nước hồ thủy lợi thôn 3 giảm so với mùa hạn năm ngoái hơn 3 mét. Tôi phải luân phiên lên lịch điều tiết xả giữa 2 hồ để người dân có nước tưới. Nhưng từ 10 ngày nay, hồ thôn 2 không còn giọt nước nào”. Nông dân K’Brêm, nguyên Trưởng thôn 2, cho biết: “Nhà tôi có 4 sào cà phê. Kể từ khi xã có chủ trương ngăn đập thủy lợi thì nguồn nước tưới vẫn ổn định. Tuy nhiên, năm nay, hồ cạn trơ đáy, chỉ còn một “doi” nhỏ phía cuối hồ. Ban nhân dân thôn đã vận động dân phải tưới tiết kiệm, tưới luân phiên, không nên chỉ nghĩ đến vườn nhà mình, phải dành nước tưới cho các hộ khác”. Ngoài ra, ở Lộc Tân, diện tích chè Oolong chiếm đáng kể. Để cây chè chất lượng cao không bị thiếu nước trong mùa khô, các chủ doanh nghiệp đầu tư hệ thống tưới phun mưa, vừa tiết kiệm nước vừa tưới được chè trên diện rộng.
Một “điểm sáng” khác trong công tác chống hạn ở Bảo Lâm, là từ mùa hạn năm 2015, 2 xã Lộc Đức và Lộc Ngãi nằm trong phạm vi hưởng lợi của Công trình thủy lợi Đak Long Thượng. Anh Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng thôn Tiền Yên, Tổ trưởng Tổ điều tiết nước tưới của thôn, cho biết: “Công việc của chúng tôi là tham gia kiểm tra, nạo vét kênh mương và điều tiết, phân phối nước theo lịch, không để nơi thừa, nơi thiếu”. Anh Nguyễn Thái Phi Long, nhân viên quản lý Công trình thủy lợi Đak Long Thượng, cho biết: “Tất cả có 5 tổ điều tiết nước thuộc phạm vi hưởng lợi của công trình; trong đó, có 3 tổ ở thôn 6, thôn 8, thôn 13 (Lộc Ngãi) và 2 tổ ở thôn Tiền Yên, Thanh Bình (Lộc Đức). Mỗi tổ có 3 thành viên gồm thôn trưởng, thôn phó và 1 thành viên trong thôn. Lực lượng này hoạt động rất tích cực và phối hợp tốt với chúng tôi trong việc kiểm tra, khơi nguồn hệ thống kênh mương mỗi khi nguồn nước được xả vào kênh để phục vụ tưới. Ngoài ra, lực lượng này cũng giúp chúng tôi biết nhu cầu tưới của người dân vào mỗi đợt tưới để chúng tôi lên lịch điều tiết tưới. Lịch tưới chỉ cần thông báo về cho các tổ; các tổ thông báo lại cho dân biết”...
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm: “Ngoại trừ Công trình thủy lợi Đak Long Thượng được đầu tư hệ thống kênh mương bài bản và dẫn nước tưới cho một diện tích lớn (khoảng 3.000ha), còn lại các công trình thủy lợi khác trên địa bàn đều chỉ là công trình “tạo nguồn”, diện tích tưới đôi lúc ít hơn nhiều so với diện tích mặt nước. Nếu không có sự phối hợp, không có sự chủ động của người dân trong sự nỗ lực tự dẫn nguồn nước về nơi cần tưới, thì các công trình thủy lợi trên địa bàn sẽ không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn!”.
HẢI UYÊN