Cần một cái nhìn đúng và đủ về lễ hội

08:04, 13/04/2015

Cầm trên tay tờ báo có đăng tải các ý kiến phản đối việc chém lợn trong lễ hội dân gian ở làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh), một chủ quán cà phê tại Bảo Lộc đặt trước mặt tôi và phán: "Giờ là thế kỷ nào rồi mà vẫn còn để tồn tại một hủ tục, man rợ kiểu như chém lợn, đâm trâu cơ chứ? Cần phải dẹp bỏ, dẹp bỏ ngay, nếu không muốn gặp phải những di hại về mặt tâm lý ở người chứng kiến!". 

Cầm trên tay tờ báo có đăng tải các ý kiến phản đối việc chém lợn trong lễ hội dân gian ở làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh), một chủ quán cà phê tại Bảo Lộc đặt trước mặt tôi và phán: “Giờ là thế kỷ nào rồi mà vẫn còn để tồn tại một hủ tục, man rợ kiểu như chém lợn, đâm trâu cơ chứ? Cần phải dẹp bỏ, dẹp bỏ ngay, nếu không muốn gặp phải những di hại về mặt tâm lý ở người chứng kiến!”. 
 
Tôi chưa kịp lên tiếng, vị chủ quán cà phê lại tiếp tục ra rả “rao giảng”, phân tích, viện dẫn những hành động đậm cảm giác “kinh hoàng” như đâm, chém, thọc... do những người tham gia lễ hội thực hiện (chủ yếu nói lại các ý kiến mà các phương tiện truyền thông đã nêu). Rồi như thể mình là một nhà đạo đức học, vị chủ quán cà phê kịch liệt lên án nghi thức chém lợn, đâm trâu. Bởi, theo vị này, đấy là một hủ tục, dã man, phi văn hóa, nhất thiết phải được loại bỏ ra khỏi đời sống văn minh? Vì nó kích thích tính hiếu sát ở người xem và gây nên sự lệch lạc trong việc hình thành nhân cách ở trẻ nhỏ…
 
Quả là những lý lẽ hết sức ấn tượng với danh nghĩa nhân đạo, bảo vệ động vật, bảo vệ sự trong sáng của con trẻ. “Chắc cô đã tìm hiểu tường tận gốc rễ và ý nghĩa của các nghi thức ấy?”. Nghe tôi hỏi, vị chủ quán cà phê nghệch mặt, nói: “Tại tui nghe báo chí phản đối dữ quá trời, thành thử cứ nói đại. Chứ tình thật, tui có biết gì về ngọn ngành của những lễ hội ấy đâu!”. 
 
À, thì ra là vậy! Chính cái tâm lý đám đông đã làm cho vấn đề bị đẩy lên cao, đầy cảm tính... 
 
Những nghi thức diễn ra tại lễ uống ăn trâu ở Cát Tiên
Những nghi thức diễn ra tại lễ uống ăn trâu ở Cát Tiên

Trong khoa học xã hội, khi gặp một sự kiện hay một vấn đề vượt xa những khuôn khổ kiến thức phổ thông (như sự kiện chém lợn hoặc đâm trâu chẳng hạn), người làm khoa học sẽ lập tức “cầu cứu” đến 2 bảo bối, là “etic” (cách nhìn từ bên ngoài, lấy suy nghĩ của người ngoài cuộc, không cùng bối cảnh và sự kiện văn hóa) và “emic” (cách nhìn nhận của người trong cuộc, người trực tiếp tham gia và chịu ảnh hưởng của sự kiện) để suy xét. Sự kết hợp hai cách nhìn (bên trong và bên ngoài) vô cùng quan trọng và cần thiết để đánh giá bất cứ một hiện tượng văn hóa nào. Nếu nhìn nhận vấn đề bằng con mắt của người trong cuộc lẫn ngoài cuộc thì việc đánh giá sẽ thuyết phục và biện chứng hơn. Tất nhiên, đối với những người dân dã như vị chủ quán cà phê, tôi không đòi hỏi họ phải biết vận dụng “etic” và “emic” trong cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề, nhưng ít ra họ cũng phải tìm hiểu trước khi đưa ra những ý kiến nhận xét, phê phán... Tuy nhiên, trong thực tế đã không ít người vội vội vàng vàng tự cho mình cái quyền phán xét, rồi lấy những cách hiểu biết thông thường của người gọi là “văn minh”, là “hiện đại” để đánh giá một tục lệ có tính văn hóa, tính truyền thống. Như vậy, tránh sao được cái nhìn lệch lạc, méo mó? Lịch sử dân tộc đã chứng minh không ít giá trị văn hóa đã bị xóa sổ chỉ vì nhận thức (của một ai đó) chưa thật am tường và quan trọng nhất là thiếu một cái tâm để cố gắng hiểu. 
 
Mục đích, ý nghĩa của nghi thức hiến sinh trong một số lễ hội dân gian đã được giới nghiên cứu lý giải rất chi tiết và khoa học trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tôi cho rằng, một tập tục đã tồn tại hàng trăm năm, hẳn nhiên phải có ý nghĩa nhất định trong đời sống cộng đồng. Vì vậy, trước phản ứng của dư luận, nhà làm quản lý văn hóa cần phải có những bước đi hết sức thận trọng, khi can dự vào những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng và đời sống tinh thần. Bởi lẽ, sự hẫng hụt về mặt tinh thần rất dễ khiến người ta tìm đến những hệ giá trị khác. Khi đó, câu chuyện lại diễn biến theo một chiều hướng khác và phức tạp vô cùng. 
 
Trở lại vấn đề tại sao có nhiều người phản đối? Lẽ dĩ nhiên là vì thiếu cái tầm để hiểu, nhưng cội rễ vấn đề là những nhà làm văn hóa địa phương không biết nên dừng chỗ nào thì phù hợp trong việc biến “di sản” thành “tài sản”, nghĩa là phát huy các giá trị của di sản trong phát triển du lịch, nên mới tạo nên những phản ứng như vậy. Những người làm du lịch và quảng bá sản phẩm văn hóa địa phương đã không hiểu hết vai trò các nghi thức thiêng liêng trong lễ hội. Một số nghi thức thiêng liêng trong lễ hội dân gian chỉ có tác dụng đúng mức với người dân bản địa, chứ không có tác dụng đối với người nơi khác. Vì thế, trong một số lễ hội, khi có du khách, ban tổ chức cần hạn chế số người tham gia. Nếu không hạn chế thì phải lý giải và cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, ý nghĩa (kể cả các phóng viên báo, đài đến tham gia đưa tin) của thời điểm nghi lễ thiêng liêng diễn ra. Sở dĩ phải làm như vậy là vì, một phần để bảo vệ ý nghĩa long trọng của lễ không bị vẩn đục bởi những người ngoài cuộc; phần khác là để tránh những cú “sốc” về văn hóa do những người khác biệt về hoàn cảnh sống gây ra.
 
TRỊNH CHU