Loang lổ, lồi lõm và nham nhở đang là tình trạng ở nhiều tuyến đường nội đô Đà Lạt, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, khiến người dân bất bình.
Loang lổ, lồi lõm và nham nhở đang là tình trạng ở nhiều tuyến đường nội đô Đà Lạt, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, khiến người dân bất bình.
Đã nhiều tháng qua, tại một số tuyến đường thuộc khu vực nội đô Đà Lạt, nhiều vị trí trên mặt đường nhựa bị trồi, trụt, có nơi sụt lún sâu từ 3-4cm theo các vết cắt dài tạo thành rãnh sâu, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và người dân địa phương.
|
Đơn vị thi công đang tái lập mặt đường đoạn trước Nhà khách Liên đoàn Lao động |
Anh N.B.A (ngụ đường Sương Nguyệt Ánh, P9, TP Đà Lạt), bức xúc: “Nhiều con đường đang đẹp như vậy mà bị cắt xẻ ngang dọc, không bù lấp, hoặc lấp sơ sài, để sụt lún… rất khó chấp nhận”. Cũng theo anh N.B.A, tại đoạn qua Cầu Sắt (hồ Xuân Hương) và đường Trạng Trình, cứ sau mỗi cơn mưa, các rãnh cắt mặt đường lại biến thành dòng chảy xiết, làm người đi đường bị tai nạn liên tục, bản thân anh không ít lần chở con đi học cũng bị “đo đường” ở những đoạn này, nhưng nhờ chạy chậm, nên chỉ bị xây xát nhẹ, chứ có nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu.
Trước hiện trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Đặc biệt là công tác hoàn trả mặt đường sau khi thi công; khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn dở dang trước ngày 28/4, bảo đảm mỹ quan, an toàn giao thông trong dịp lễ 30/4 và 1/5. |
Một số người dân phố núi cũng bất bình: Đà Lạt vốn là thành phố du lịch mà cứ “nay làm, mai đào”, không chỉ gây cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố. Có người còn đặt câu hỏi: Tại sao khi làm đường, ngành điện, nước, viễn thông… không phối hợp làm luôn một lần, mà cứ để đường làm xong rồi lại đi cắt, đi đào, vừa lãng phí, vừa làm ảnh hưởng đến chất lượng đường?!.
Các tuyến đường mà người dân đang nói đến là tuyến đã và đang thi công các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp, thoát nước; thu gom và xử lý nước thải cho đô thị Đà Lạt, do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng làm chủ đầu tư, nhưng việc hoàn trả, tái lập mặt đường lại làm chiếu lệ, sơ sài.
Theo kết quả kiểm tra thực tế, việc chấp hành các quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác và công tác tái lập mặt đường sau thi công hệ thống cấp, thoát nước trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó nổi bật như đường Nguyên Tử Lực, Trần Lê, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Viết Xuân, Lê Hồng Phong, Huyền Trân Công Chúa, Pasteur…, đã thi công hoàn trả mặt bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng, nhưng không đúng nguyên trạng. Một số đoạn bị lún sâu từ 1-3cm, có đoạn cao hơn mặt đường hiện hữu, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Các tuyến đường này thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP Đà Lạt, do hai đơn vị liên doanh là Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng và Công ty CP xây dựng thủy lợi 1 (Nghệ An) thi công.
Trong khi đó, đường Trần Quý Cáp, Hoàng Văn Thụ, Ngô Văn Sở, Bạch Đằng… (thuộc dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước TP Đà Lạt), do Công ty CP Xây dựng Kiến Trúc phát triển đô thị và Công ty Xây dựng số 5 thi công, hệ thống mặt bằng vỉa hè chưa được hoàn trả; hoàn trả mặt bằng cấp phối đá dăm, không đúng nguyên trạng bê tông nhựa ban đầu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Ngọc Quế, cho rằng: “Người dân bức xúc là đúng, bởi nhìn thấy rất khó chịu…”. Cũng theo ông Quế, trong quá trình thực hiện hai dự án trên, Ban quản lý đã liên tục nhắc nhở, đôn đốc; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh, thành phố kiểm tra hiện trường, yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công làm đến đâu tái lập mặt bằng đến đó, nhưng hiện ở một số điểm vẫn chưa hoàn trả mặt bằng đúng tiến độ; một số đã hoàn trả nhưng lại bị sụt lún. Trước tình trạng này, Ban quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu phải hoàn trả nguyên trạng mặt đường trước 30/4, nếu đơn vị nào chậm thực hiện sẽ bị cắt bớt khối lượng và không nghiệm thu hạng mục công trình.
Thụy Trang