Bệnh phong không còn là vấn đề y tế cộng đồng, sau khi đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong với tỉ lệ lưu hành < 0,2/10.000 dân, công tác phòng chống bệnh phong vẫn tiếp tục được triển khai trên quy mô toàn tỉnh từ năm 2009 đến nay và phấn đấu tiến tới loại trừ phong cấp huyện, thành phố theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Bệnh phong không còn là vấn đề y tế cộng đồng, sau khi đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong với tỉ lệ lưu hành < 0,2/10.000 dân, công tác phòng chống bệnh phong vẫn tiếp tục được triển khai trên quy mô toàn tỉnh từ năm 2009 đến nay và phấn đấu tiến tới loại trừ phong cấp huyện, thành phố theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
|
BSCK II Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng khám cho bệnh nhân phong trước khi phẫu thuật chỉnh hình |
Năm 1999 chương trình chống phong tỉnh Lâm Đồng được Bộ Y tế và Viện Da liễu kiểm tra công nhận (12/12 huyện, thành phố) loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Năm 2009, chương trình chống phong được Bộ Y tế và Viện Da liễu phúc tra công nhận (12/12 huyện và thành phố) loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện nay, chương trình đang quản lý 196 bệnh nhân phân bố trên 12 huyện, thành phố; trong đó có 186 bệnh nhân đang được chăm sóc tàn tật (chiếm 94,9%), đa hóa trị liệu 9 bệnh nhân, giám sát 10 bệnh nhân.
Năm 2009, Bộ Y tế và Viện Da liễu phúc tra công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh. Đến nay, dự án phòng chống phong của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác loại trừ bệnh phong từ tuyến tỉnh, huyện, xã, phường từng bước đi vào chiều sâu và các hoạt động được duy trì thường xuyên, liên tục. Tỉ lệ lưu hành bệnh phong trong 5 năm liền ở các huyện, thành phố < 0,2/10.000 dân (trừ huyện Bảo Lâm). Bệnh nhân phong tàn tật trong toàn tỉnh được chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng 100%. Người bệnh phong sống hòa nhập với cộng đồng, không bị phân biệt đối xử. Người bệnh phong nghèo trên toàn tỉnh đều được có nhà ở, con em bệnh phong đều được đến trường. Hoạt động loại trừ phong từng bước được xã hội hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống phong đoàn kết, nhiệt tình, yêu thương người bệnh. Hiện trong toàn tỉnh đã có 11/12 huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong cấp huyện, thành phố theo 4 tiêu chí của Bộ Y tế ban hành (trừ huyện Bảo Lâm).
3 đợt loại trừ bệnh phong cấp huyện - thành phố
Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng dự kiến đợt 1 - năm 2015 kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong 4 huyện, thành phố (Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông); đợt 2 - năm 2016 kiểm tra loại trừ bệnh phong 4 huyện, thành phố; đợt 3 - năm 2017 kiểm tra loại trừ bệnh phong 4 huyện, thành phố còn lại.
Mục tiêu 12/12 huyện, thành phố (100%) xây dựng kế hoạch đăng ký loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chí mới của Bộ Y tế giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, tiêu chí 1: Trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân; tiêu chí 2: 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; tiêu chí 3: 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong; tiêu chí 4: 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.
|
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú, duy trì liên tục sâu rộng hàng năm qua kênh phát thanh, truyền hình, báo chí, pano, áp phích, tờ rơi về bệnh phong đến với cộng đồng. Kiến thức của cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ y tế, học sinh đạt 100% hiểu biết về bệnh phong. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe: triển khai sâu rộng, chú trọng vùng sâu vùng xa, nhằm xã hội hóa công tác loại trừ bệnh phong. Đặc biệt quan tâm các đối tượng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ y tế, học sinh. Tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ phụ trách chương trình phong tuyến huyện xã, phường hàng năm nhằm nâng cao công tác quản lý và điều trị cho bệnh nhân phong. Thường xuyên gởi cán bộ y tế đi học các lớp chuyên khoa Da liễu, Xét nghiệm phong, các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại tuyến Trung ương.
Hoạt động khám phát hiện bệnh nhân phong mới được duy trì thường xuyên hàng năm và kết hợp nhiều hình thức khám sàng lọc, khám lồng ghép, khám nhóm, khám tiếp xúc. Thông qua truyền thông để người dân biết dấu hiệu về bệnh phong để đến các cơ sở y tế khám. Tình hình bệnh nhân phong mới từ 2010-2015: phát hiện 1 ca (2010), 1 ca (2011), 2 ca (2012), 2 ca (2013), 8 ca (2014). Công tác quản lý đều trị: Tất cả 100% bệnh nhân được quản lý, điều trị và chăm sóc tàn tật tại cộng đồng. 100% bệnh nhân mới được đưa vào đa hóa trị liệu, không có trường hợp nào bỏ trị. Tỉ lệ hoàn thành điều trị đạt 100%. Nhân viên y tế và bệnh nhân nhận biết các dấu hiệu bệnh phong và phản ứng phong nên phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh nhân được theo dõi và giám sát suốt quá trình trong và sau khi điều trị.
Công tác chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng và nâng cao đời sống kinh tế cho người bệnh phong được quan tâm đầu tư triển khai có hiệu quả trong cộng đồng. Tại Khu điều trị phong Di Linh hiện tại có 25 giường bệnh phải thường xuyên thu dung bệnh nhân phong bị tàn tật nặng trong toàn tỉnh để điều trị như phẫu thuật chân, tay, mắt, lỗ đáo và khám bệnh, đồng thời chăm lo đời sống cho bệnh nhân phong mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Hàng năm Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và Tổ chức quốc tế OMF (L’Lorde Malte) đã tổ chức mổ lưu động miễn phí cho tất cả bệnh nhân phong tàn tật tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 100% bệnh nhân tàn tật được chăm sóc tàn tật và được cấp các phương tiện phòng ngừa tàn tật như: giầy, ủng, thuốc men, bông băng và thuốc hỗ trợ chăm sóc tàn tật. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh 100% bệnh nhân phong được sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự giúp đỡ tài trợ của các Tổ chức phi chính phủ (FRF, OMF, Hà Lan…) trong việc phục hồi chức năng, kinh tế - xã hội cho bệnh nhân phong và gia đình của họ để tái hòa nhập cộng đồng. Các dự án làm nhà, cấp vốn, phương tiện sản xuất, học bổng cho con em bệnh nhân phong nghèo… với tổng số tiền là 5,3 tỷ đồng.
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết các giải pháp chuyên môn để tiến tới loại trừ bệnh phong cấp huyện - thành phố là: Tổ chức khám phát hiện bệnh phong mới bằng nhiều phương pháp khám sàng lọc, khám các vùng trọng điểm (có bệnh nhân phong nhiều khuẩn), khám tiếp xúc, khám lồng ghép tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế và các chương trình y tế khác nhằm phát hiện bệnh nhân phong mới để điều trị cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng và giảm tỉ lệ lưu hành, tỉ lệ phát hiện trong nhân dân. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giám sát bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của dự án phong. Phối hợp các bệnh viện chuyên khoa tổ chức phẫu thuật cho bệnh nhân tại Khu điều trị phong Di Linh. Tăng cường công tác chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng và kinh tế cho bệnh nhân phong tại nhà, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân phong biết cách phòng ngừa tàn tật. Cung cấp trang thiết bị, thuốc men cho bệnh phong chăm sóc tàn tật. Các trung tâm Y tế huyện - thành phố phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền kiến thức về bệnh phong cho người dân. Tăng cường công tác đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế phụ trách chương trình phong.
DIỆU HIỀN