Có một Trường Sa giữa lòng Đà Lạt

04:04, 28/04/2015

Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi nói có một Trường Sa giữa lòng Đà Lạt bởi nơi đây không có những bờ biển dài cát trắng, quá xa để nghe tiếng sóng vỗ bờ. Nhưng điều đó không còn là lạ nếu chúng ta có dịp ghé thăm ngôi nhà nhỏ, tổ ấm của thượng úy Trần Văn Tư, quản lý đảo Phan Vinh A, Trường Sa và chị Trần Thị Nhung, kế toán Trường Tiểu học Nam Thiên, Đà Lạt.

Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi nói có một Trường Sa giữa lòng Đà Lạt bởi nơi đây không có những bờ biển dài cát trắng, quá xa để nghe tiếng sóng vỗ bờ. Nhưng điều đó không còn là lạ nếu chúng ta có dịp ghé thăm ngôi nhà nhỏ, tổ ấm của thượng úy Trần Văn Tư, quản lý đảo Phan Vinh A, Trường Sa và chị Trần Thị Nhung, kế toán Trường Tiểu học Nam Thiên, Đà Lạt. Trong ngôi nhà này có mẹ già, vợ hiền, hai người con thơ, họ là hiện thân cho một hậu phương vững chắc, minh chứng rõ nét cho sự chịu đựng, hy sinh, cho sức sống mãnh liệt của người phụ nữ, cho một Trường Sa không xa, cho tấm lòng luôn hướng về biển đảo với tình cảm tha thiết nhất.
 
Chị Trần Thị Nhung, mẹ chồng và 2 con trước ngôi nhà nhỏ
Chị Trần Thị Nhung, mẹ chồng và 2 con trước ngôi nhà nhỏ

Ngày trước, như bao cô gái đa cảm, đa sầu, chị cũng thích thơ tình, có hẳn một “tuyển tập” cho riêng mình gồm những bài thơ hay được sưu tầm từ thời học sinh đến giảng đường đại học. Còn anh công tác ở Nhà khách Hải quân Đà Lạt “độc thân vui tính”. Anh chị tình cờ gặp nhau giữa một khung trời quá lãng mạn, nên thơ, yêu nhau say đắm, mãnh liệt rồi nên duyên chồng vợ vào năm 2008. Sau bao năm chắt chiu, anh chị cũng có được một ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm đường Trần Quang Khải, tổ dân phố Đa Thiện 4, phường 8, Đà Lạt. Ước vọng về những đứa trẻ cũng thành hiện thực khi những đứa con lần lượt ra đời, Trần Việt Hùng (2009), Trần Việt Tiến (2012). Cuộc sống yên bình, êm đềm, hạnh phúc viên mãn. 
 
Thế rồi năm 2012, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò địa chất Bình Minh 2, Vi King của ta. Anh Trần Văn Tư được Quân chủng Hải quân điều động ra đảo Phan Vinh A, một trong 4 đảo cấp 1 thuộc quần đảo Trường Sa (cùng đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây). Khi đó chị Nhung đã can đảm nói với chồng: “Khi lấy anh, em biết có ngày anh phải ra Trường Sa, em đã chuẩn bị tinh thần đón nhận điều đó. Anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, em và con luôn chờ đợi anh”. Chị tự nhủ bản thân không được tỏ ra yếu mềm, tuyệt đối không than vãn vì mình là vợ bộ đội Trường Sa. Thời gian này trong cả nước dấy lên phong trào “Cả nước vì Trường Sa”, “Góp đá xây Trường Sa”, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước lên cao trào, thể hiện mạnh mẽ mọi lúc mọi nơi. Bản thân chị cũng phấn chấn hẳn lên, ngay trong gia đình tinh thần một người vì nhiều người, nhiều người vì một người thể hiện rất rõ.
 
Gặp cụ Nguyễn Thị Lộc, mẹ chồng, năm nay 75 tuổi, cụ tâm sự: “Lúc đó cháu đầu mới được 3 tuổi, đứa sau mới sinh được mấy tháng. Thương mẹ trẻ con côi nên bà nội rồi bà ngoại đã lần lượt thay phiên nhau lên ở và chăm sóc cháu, dù ở quê ruộng vườn, heo gà không có người trông nom”. Trong hoàn cảnh đó, chị vẫn miệt mài, tận tâm tận lực hoàn thành tốt công việc của một kế toán trường, vẫn vui vẻ, hòa đồng với mọi người, dù ít người biết gia đình chị vừa trải qua một phen sóng gió. Nghĩ lại, có lẽ chính hai tiếng Trường Sa thiêng liêng đã thôi thúc chị gác lại niềm riêng, vượt qua mọi khó khăn. Chị kể một chi tiết vui: “Có hôm, buổi sáng anh Tư gọi điện về thăm hỏi động viên vợ. Buổi chiều, chị sợ anh lo lắng không yên tâm công tác lại gọi điện nhắn nhủ anh an tâm, khắc phục khó khăn. Cứ thế hai vợ chồng gọi điện động viên nhau liên tục”.
 
Giờ thì hai đứa con cũng đã lớn, suốt ngày tíu tít nói chuyện, tranh nhau giúp mẹ việc nhà nên chị rất vui. Vui nhất là mỗi lần tivi phát bài hát về Trường Sa là tụi nó hát theo hào hứng lắm, thằng nhỏ 3 tuổi cứ ngọng nghịu hát theo bài Nơi đảo xa “đây trường choa, kia hoàng xoa… rồi la lên đảo của bố con đó” khiến cả nhà cười lăn mà cảm động bởi trong lòng con trẻ đã có ý thức về Trường Sa, biển đảo quê hương. Chợt nhận ra, gia đình mình đã thay đổi nhiều rồi, những vần thơ Xuân Diệu yêu thích ngày nào được thay bằng những bài hát về biển đảo, những tập thơ thời áo tím đã nhường chỗ cho hình ảnh và kỷ vật Trường Sa, bộ quân phục hải quân, chiếc tàu tự tay anh làm, những tấm ảnh chụp với sóng nước… Ngày tết gia đình chị được nhiều cơ quan, đoàn thể đến thăm khiến chị rất vui và tự hào. Chị và gia đình đặc biệt cảm ơn chị Đinh Thị Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến thăm và động viên.
 
Tết Ất Mùi này là tết thứ 3 anh không về, anh hẹn chị sẽ về vào một ngày không xa, điều đó nghĩa là nơi đảo xa luôn cần anh và đồng đội nêu cao cảnh giác và tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Điều đó nhắc nhở chị phải làm tròn bổn phận người phụ nữ của gia đình, là hậu phương vững chắc để anh yên tâm canh giữ biển trời quê hương.
 
XUÂN NGỌC