Công đoàn Giáo dục Đà Lạt lâu nay đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của ngành trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tại Đà Lạt.
Công đoàn Giáo dục Đà Lạt lâu nay đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của ngành trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tại Đà Lạt.
Trước nhất, theo ông Mai Phú - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Đà Lạt, nội dung chính trong phong trào thi đua được các trường học chú trọng đẩy mạnh trên địa bàn hiện nay chính là “Hai tốt” hay “Dạy tốt - học tốt”. Công đoàn phối hợp với ban giám hiệu các trường khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, bậc học nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giờ dạy của mình. Hầu hết các trường học trên địa bàn Đà Lạt đã thực hiện nghiêm túc việc đổi mới phương pháp giảng dạy; dạy học tích hợp; khuyến khích giáo viên sử dụng hiệu quả sách giáo khoa cùng đồ dùng, thiết bị dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát huy tính tích cực của học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện. Trong mỗi năm học, Công đoàn phối hợp với các trường học phát động giáo viên có giải pháp hữu ích, thiết thực, có các nghiên cứu khoa học. Trong năm học vừa qua, Đà Lạt đã có trên 250 sáng kiến, giải pháp hữu ích, nghiên cứu khoa học được đánh giá có chất lượng; 163 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, 30 giáo viên giỏi cấp tỉnh.
|
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh - Đà Lạt trong giờ hoạt động |
Riêng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được hầu hết các trường triển khai và đến nay, theo ông Mai Phú, đã có những bước chuyển biến rất đáng kể. Cảnh quan sư phạm hầu hết các trường học được thay đổi; sân trường thêm nhiều cây xanh, bồn hoa; nhiều trường chú ý trang trí lại các lớp học tạo không khí vui tươi, thân thiện hơn cho học sinh. Hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên, nhiều mô hình câu lạc bộ năng khiếu cho học sinh được hình thành. Nhiều trường tiểu học đưa các trò chơi dân gian vào trường học, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Để phối hợp với nhau trong giáo dục, các trường hầu hết đã kết hợp chặt chẽ với hội phụ huynh trong rất nhiều hoạt động.
Với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Công đoàn đã tiếp tục triển khai sâu rộng trong toàn ngành, từng bước tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về ý thức tu dưỡng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; việc tự học, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, giáo viên, góp phần đổi mới nền giáo dục. Cùng đó, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng được các trường gắn kết với các nhiệm vụ của ngành thông qua những việc làm cụ thể. Hầu hết các trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện, sưu tầm tài liệu viết về tấm gương đạo đức của Bác, giới thiệu các điển hình về học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Một cuộc vận động khác cũng được Công đoàn Giáo dục Đà Lạt thực hiện rất tốt lâu nay là “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa”. Cuộc vận động này được Công đoàn thành phố và công đoàn cơ sở các trường học gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình hiếu học” với mục tiêu mỗi gia đình cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành giáo dục là một gia đình kiểu mẫu; mỗi trường học là một đơn vị văn hóa. Đến nay, hầu hết các công đoàn cơ sở đã đưa nội dung “Gia đình nhà giáo văn hóa” cùng “Giáo dục dân số, kế hoạch hóa gia đình” vào tiêu chí thi đua của trường, ký cam kết thi đua trong mỗi đầu năm học.
Nổi bật nhất và được Công đoàn giáo dục Đà Lạt làm rất tốt hiện nay chính là cuộc vận động “Trường giúp trường” nhằm ủng hộ giúp đỡ cho các đơn vị giáo dục vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các trường học trong thành phố đều đăng ký giúp đỡ một trường khó khăn hơn ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như Trung học cơ sở (THCS) Lam Sơn giúp Tiểu học Tà Nung tại xã Tà Nung vùng ven Đà Lạt; THCS Quang Trung giúp Tiểu học Nam Thành; khối mầm non Đà Lạt tập trung giúp cho Trường Mầm non Tà Nung; toàn ngành Giáo dục Đà Lạt giúp Giáo dục Đam Rông… Rất nhiều cách giúp nhau, từ vận động học sinh quyên góp áo quần, tập vở, sách giáo khoa cũ… để giúp cho học sinh trường bạn đến việc giúp nhau ở cấp trường, tổ chức thăm hỏi nhau trong dịp lễ tết, giúp nhau về chuyên môn như gửi giáo viên giỏi đến tổ chức các lớp tập huấn chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ, tặng nhau trang thiết bị đồ dùng dạy học…
Cùng đó, trong từng trường học cũng có phong trào giúp học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Công đoàn Giáo dục thành phố đã kết hợp với các Công đoàn cơ sở cùng Ban Giám hiệu, Hội khuyến học, Hội phụ huynh học sinh các trường để vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ kinh phí, quần áo, trang thiết bị, đồ dùng học tập nhằm giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến lớp.
Một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào giúp học sinh nghèo vượt khó và “Trường giúp trường” chính là THCS Lam Sơn. Chi hội Chữ thập đỏ của ngôi trường này trong vòng 25 năm nay đã liên tục tổ chức “Gian hàng Tết tình thương” để vận động học sinh, giáo viên trong trường, các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ cho những học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm trung bình trường vận động được vài mươi triệu đồng cho công tác này. Điều đáng nói, rất nhiều ngôi trường khác tại Đà Lạt sau đó đã học tập cách làm này của Trường THCS Lam Sơn. Riêng THCS Lam Sơn từ 4 năm trở lại đây trường còn tổ chức thêm chương trình văn nghệ từ thiện “Vòng tay bè bạn” trước Tết Nguyên đán rất độc đáo. Từ các hoạt động trên, trong năm học này, Lam Sơn đã vận động được gần 100 triệu đồng để hỗ trợ, trao học bổng vượt khó cho hàng trăm học sinh trong trường, và giúp đỡ cho rất nhiều học sinh khó khăn của trường mình kết nghĩa.
Còn nhiều phong trào, các cuộc vận động khác của ngành cũng được Giáo dục Đà Lạt thực hiện rất tốt. Theo ông Mai Phú, “Công đoàn các cấp phải là người tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành”.
GIA KHÁNH