Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Trần Đức Quận - UVBTVTU, Bí thư Thành ủy về những thành tựu KT-XH của Đà Lạt sau 40 năm được giải phóng, cũng như những nỗ lực phấn đấu trong những năm tiếp theo để Đà Lạt tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, thân thiện.
Trước đây, Đà Lạt là một thị xã chủ yếu phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, nhưng sau 40 năm được giải phóng (3/4/1975 - 3/4/2015), với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của TW và tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, Đà Lạt đã phát triển thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Trần Đức Quận - UVBTVTU, Bí thư Thành ủy về những thành tựu KT-XH của Đà Lạt sau 40 năm được giải phóng, cũng như những nỗ lực phấn đấu trong những năm tiếp theo để Đà Lạt tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, thân thiện.
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí sơ lược vài nét về thực trạng Đà Lạt vào thời điểm được giải phóng 3/4/1975.
|
Đồng chí Trần Đức Quận - UVBTVTU, Bí thư Thành ủy. Ảnh: VĂN BÁU |
Đ/c Trần Đức Quận: Vào thời điểm được giải phóng 3/4/1975, thị xã Đà Lạt có khoảng 25.000 dân, chủ yếu sống bằng nghề trồng rau, hoa và một số ít làm các nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ. Tuy Đà Lạt không bị thiệt hại nhiều do chiến tranh, nhưng cơ sở hạ tầng đô thị hạn chế, đường sá nhỏ hẹp, nhà cửa thưa thớt, chủ yếu giải quyết nhu cầu nghỉ dưỡng, đi lại, sinh hoạt tại chỗ cho người dân và một số trường học, trung tâm đào tạo. Về kinh tế, sản xuất rau, hoa là nghề chủ lực, với diện tích khoảng 1.000ha, canh tác bằng thủ công, nên năng suất, chất lượng không cao, giá trị kinh tế thấp, không có thị trường tiêu thụ. Văn hóa, xã hội còn đơn điệu, nghèo nàn, đặc biệt là hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề với gần một vạn người bị thất nghiệp, bị thiếu hụt lương thực trầm trọng.
Bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Đà Lạt đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế chưa có sự biến chuyển đáng kể, cơ chế quản lý mới chưa hình thành, tổ chức sản xuất và quản lý sản xuất chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, manh mún; quan hệ sản xuất mới còn ở trình độ thấp, kinh tế XHCN chưa được củng cố, phát triển…
PV: Đối diện với những khó khăn, thách thức đó, Đà Lạt được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ TW đến tỉnh và sự chủ động, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nên đã có sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Vậy xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật về KT-XH của Đà Lạt sau 40 năm được giải phóng.
Đ/c Trần Đức Quận: Phải khẳng định rằng, sau 40 năm được giải phóng và gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đà Lạt đã biết phát huy lợi thế so sánh của mình, nên đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực CT-KT-VH-XH. Về chính trị, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở luôn được kiện toàn, xây dựng, đạt TSVM, vững mạnh toàn diện; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được nâng cao; QP, AN, TTATXH, ASXH luôn được đảm bảo. Về kinh tế, nếu lấy mốc năm 2004 để so sánh, thì năm 2014 tăng trưởng kinh tế đạt 16,8% (tăng 1,4 lần); thu ngân sách trên địa bàn đạt 837,3 tỷ đồng (tăng 3,76 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 5,91 lần); kim ngạch xuất khẩu đạt 226,2 triêu USD (tăng 6,85 lần); đón được 3,6 triệu lượt khách du lịch (tăng 3,6 lần); doanh thu trên một đơn vị diện tích đạt 220 triệu đồng/ha/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy được lợi thế của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,41% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,4%; tỷ lệ sử dụng lưới điện quốc gia đạt 100%; độ che phủ rừng được duy trì ở mức 62%, đảm bảo cảnh quan, môi trường của TP xanh - sạch - đẹp - văn minh - thân thiện. 85% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa (tăng 40,4%), 85% gia đình và 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 10/12 phường đạt chuẩn văn hóa - văn minh đô thị; 2/4 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới; 3/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% trạm y tế và 65% trường học đạt chuẩn quốc gia (tăng 28 trường)…
Ghi nhận những thành tựu CT-KT-XH to lớn đạt được trong thời kỳ đổi mới nói trên, TP Đà Lạt đã được Đảng-Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2009 được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Lâm Đồng; năm 2010, được vinh dự đón nhận danh hiệu thành phố Festival Hoa Việt Nam; năm 2014 được Hiệp hội các nước Asean công nhận là thành phố tiềm năng bền vững về môi trường và tháng 3/2015, cán bộ, nhân dân TP Đà Lạt được Chủ tịch nước tặng Cờ thi đua xuất sắc…
|
Thành phố Đà Lạt đang ngày càng phát triển. Ảnh: QUÝ SG |
PV: Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, văn minh, thân thiện, hiện đại theo yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới TP Đà Lạt tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đ/c Trần Đức Quận: Để thực hiện thành công mục tiêu vừa nêu, thời gian tới, Đà Lạt tập trung thực hiện 5 khâu đột phá: Phát triển dịch du lịch chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng công tác quản lý theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển kinh tế vùng, chú trọng quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù địa phương và hình ảnh thành phố du lịch, văn minh, thân thiện, TP Festival Hoa, đồng thời với cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế. Tập trung đầu tư triển khai thực hiện các công trình trọng điểm như: Trung tâm giao dịch hoa; quy hoạch, chỉnh trang quanh bờ hồ Xuân Hương; Khu Hòa Bình, Ánh Sáng; xây dựng khu dân cư Phạm Hồng Thái, hệ thống đường giao thông vành đai TP. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người, giáo dục, y tế, TDTT; nâng cao đời sống nhân dân, đi đôi với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo ASXH; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí các xã NTM, phường văn minh đô thị. Phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo QP-AN, xây dựng TTCCS Đảng và hệ thống chính trị TSVM.
PV: Xin chúc mừng những thành tựu KT-XH mà Đà Lạt đạt được sau 40 năm giải phóng và xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
HOÀNG KIẾN GIANG