Sau khi ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ, quân địch ở Đà Lạt hoang mang cực độ, tinh thần suy sụp. Trong những ngày 27, 28/3, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa được tung ra khắp thành phố. Tối 31/3/1975, địch đốt các kho đạn ở núi Bà, sân bay Cam Ly, Trường Võ Bị và rút chạy khỏi Đà Lạt.
Sau khi ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ, quân địch ở Đà Lạt hoang mang cực độ, tinh thần suy sụp. Trong những ngày 27, 28/3, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa được tung ra khắp thành phố. Tối 31/3/1975, địch đốt các kho đạn ở núi Bà, sân bay Cam Ly, Trường Võ Bị và rút chạy khỏi Đà Lạt.
|
Ảnh: Tư liệu |
Vào ngày 1/4/1975, ở các ấp vùng ven, lực lượng vũ trang và các đội mũi công tác khẩn trương vào tiếp quản, xúc tiến thành lập chính quyền cách mạng ở xã Xuân Trường, Trại Mát, Sào Nam, Tây Hồ, Tự Phước, Đa Thành, Đa Phú…
Sáng ngày 2/4/1975, tại khu trung tâm thành phố, các cơ sở cốt cán của Thị ủy và lực lượng nòng cốt trong học sinh, sinh viên đứng ra thành lập ban cán sự khởi nghĩa và tổ chức thành từng nhóm công tác tỏa xuống kết hợp với các cơ sở cốt cán tại chỗ chiếm lĩnh và bảo vệ các công sở, nhà máy quan trọng như Nhà máy nước, Nhà máy điện, Nha Địa dư, Bưu điện, Lò Nguyên tử…, kêu gọi đồng bào không đi di tản, tuyên truyền chính sách 12 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, kêu gọi binh lính nộp vũ khí. Chiều ngày 2/4/1975, tại khu Hòa Bình, đã xuất hiện lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng 5 cánh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sáng ngày 3/4/1975, lúc 8 giờ 20 phút, cờ Giải phóng tung bay trên Tòa hành chính Tuyên Đức/Đà Lạt, cơ quan đầu não của chính quyền cũ tại địa phương, đánh dấu giờ phút lịch sử: Tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn được giải phóng. Ngày 4/4/1975, Ủy ban Quân quản thành phố Đà lạt được thành lập. Ngày 6/4/1975, Khu ủy Khu VI ra quyết định thành lập Thành ủy Đà Lạt. Ngày 14/4/1975, hơn 10.000 nhân dân Đà Lạt tham gia cuộc mít tinh mừng quê hương được giải phóng và đón đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu.Tại buổi lễ, Đảng bộ, quân và dân thành phố Đà Lạt được trao tặng Huân chương Thành Đồng hạng Nhất.
Thành phố Đà Lạt được giải phóng có những sự kiện khá đặc biệt: Không có những cuộc đụng độ vũ trang gây đổ máu, không bị mất điện, mất nước một giờ nào, không bị nạn cướp bóc phá rối, các cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế được tiếp quản hầu như nguyên vẹn.
Trong khi tỉnh Tuyên Đức, thành phố Đà Lạt và nhiều địa phương khác đã giải phóng thì cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 bước vào những giờ phút quyết định. Để góp phần vào nhiệm vụ chung của cách mạng, quân và dân Đà Lạt đã góp người, góp của phục vụ cho chiến dịch: Thành phố Đà Lạt đã chuyển hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn lít xăng dầu cho chiến dịch.Nha Địa dư vừa mới được tiếp quản, đã huy động hết công suất cả ngày lẫn đêm in hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng, bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định để kịp thời chuyển cho các đơn vị chủ lực trên đường tiến quân thần tốc.
Ngày 3/4/1975, ngày giải phóng thành phố Đà Lạt, cách nay đã 40 năm, là một mốc son chói lọi mở ra một giai đoạn mới của lịch sử phát triển thành phố Đà Lạt trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Có thể nhìn nhận các mặt phát triển đó trong 40 năm qua bằng một số con số và sự kiện sau:
Các trục lộ giao thông nối từ Đà Lạt - Lâm Đồng đến các tỉnh, thành phố lân cận trong khu vực đã lần lượt được nâng cấp mở rộng và xây dựng mới khá đồng bộ như: Quốc lộ 27 (đi Ban Mê Thuột và Phan Rang), quốc lộ 28 (nối quốc lộ 20 với quốc lộ 1, Phan Thiết), Đường Trường Sơn Đông (nối Đà Lạt - Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung), Đường 722 (Đà Lạt đi Đam Rông, Đường 723 (Nối Đà Lạt, Lạc Dương với Nha Trang), Đường 725 (nối Đà Lạt với Tà Nung, Nam Ban, Lâm Hà, Di Linh, Tân Rai, Đạ Tẻh)… Với hệ thống giao thông phát triển mở rộng như thế đã xóa đi thế ốc đảo trên cao của Đà Lạt đã kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Phát triển kinh tế: Tổng thu ngân sách năm 2015 là 837 tỉ đồng. Từ cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một tỉ trọng nhỏ là dịch vụ - du lịch và tiểu thủ công nghiệp của những năm đầu sau giải phóng nay đã chuyển dịch nhanh theo cơ cấu phát triển tích cực là: Dịch vụ - thương mại (75,6%), công nghiệp xây dựng (15,4%) và nông lâm nghiệp (9%).
Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Toàn thành phố có trên 50 cơ sở sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (invitro), hàng năm sản xuất ra hàng triệu cây giống rau, hoa các loại phục vụ cho thị trường cây giống trong, ngoài tỉnh và có cả xuất khẩu.
Sản lượng rau hàng năm từ khoảng 100 nghìn tấn/năm năm 1997 đã lên tới trên 200 nghìn tấn/năm trong giai đoạn 2010 - 2015; sản lượng hoa cắt cành từ chỗ chưa đạt nửa triệu cành/năm của những năm 1980 nay đã lên tới gần hai tỉ cành/năm.
Thành phố có tất cả trên 20 cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ Trung ương và địa phương là những trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, trường cao đẳng… Chính những cơ sở này với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học khá hùng hậu đã tạo nên thế mạnh về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của thành phố Đà Lạt, cũng như thế mạnh của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Du lịch được các nghị quyết của các lần đại hội Đảng bộ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay điều đó đã trở thành hiện thực, đã có 3,6 triệu lượt du khách trong năm 2014, trong đó khách quốc tế chiếm 8%, (năm 1973 con số khách quốc tế được ghi nhận là 15.844 người), số ngày lưu trú bình quân là 2,4 ngày/lượt.
Năm 1993, 18 năm sau ngày giải phóng, thành phố Đà Lạt thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học và gắn liền với việc tổ chức lễ kỷ niệm, về “Đà Lạt, 100 năm hình thành và phát triển”. Và cứ 5 năm một lần lễ kỷ niệm được tổ chức cùng với Festival hoa Đà Lạt. Năm 2008, công trình địa chí thành phố Đà Lạt được xuất bản sau hơn 5 năm tổ chức nghiên cứu biên soạn. Năm 2009, thành phố được phong tặng danh hiệu Thành phố anh hùng. Năm 2011 được công nhận là đô thị loại I thuộc tỉnh… Đó là những sự kiện có tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố Đà Lạt và bè bạn xa gần…
Trong bước đường phát triển, tuy còn những vấp váp, hạn chế cần phải phấn đấu khắc phục, nhưng cũng nhìn nhận rằng thành phố Đà Lạt đã có những bước phát triển toàn diện, bền vững trong điều kiện một tỉnh miền núi, hội nhập mạnh mẽ với hệ thống đô thị của cả nước, gắn liền với quá trình 122 năm hình thành và phát triển của đô thị Đà Lạt.
Kỷ niệm lần thứ 40 ngày Đà Lạt giải phóng (3/4/1975 - 3/4/2015), tiến đến cả nước kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là những công dân của thành phố Đà Lạt thân yêu, là những người con của đất Việt, ai ai cũng rất đỗi tự hào và xúc động về những chiến thắng của quê hương và đại thắng mùa xuân lịch sử, và rất mừng vui, phấn khởi về sự phát triển lớn mạnh của cả đất nước trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng hòa bình.
TRƯƠNG TRỔ