Dấu ấn trong sự phát triển

09:04, 24/04/2015

Trong những năm vừa qua, Lâm Đồng đang dần vươn lên trở thành một địa phương có sự phát triển toàn diện. Trong lộ trình bền vững ấy, có đóng góp không nhỏ của đông đảo các tầng lớp công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Chính các sản phẩm, công trình thiết thực, hiệu quả của họ đã góp phần tích cực cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm vừa qua, Lâm Đồng đang dần vươn lên trở thành một địa phương có sự phát triển toàn diện. Trong lộ trình bền vững ấy, có đóng góp không nhỏ của đông đảo các tầng lớp công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Chính các sản phẩm, công trình thiết thực, hiệu quả của họ đã góp phần tích cực cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Có thể nói, chưa bao giờ các phong trào thi đua lại nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của CNVCLĐ và chủ doanh nghiệp các thành phần kinh tế đến như vậy. Chính điều này đã góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời là tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước.
 
Chợ mới Trạm Hành, một trong những công trình xây dựng và thiết kế theo quy chuẩn sạch, an toàn
Chợ mới Trạm Hành, một trong những công trình xây dựng và thiết kế theo quy chuẩn sạch, an toàn

Hàng loạt các phong trào thi đua của Tổng Liên đoàn phát động đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phát triển, mở rộng và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Có thể kể đến phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; phong trào học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH; tổ chức thi tay nghề, chuẩn hóa chức danh cán bộ công chức; phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp”, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu”; phong trào thi đua xây dựng công trình sản phẩm mới chào mừng (bao gồm: công trình chào mừng, sản phẩm mới, công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình triển khai ứng dụng quy trình kỹ thuật…)… Thông qua các phong trào thi đua này, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các nhân tố mới, góp phần ổn định trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Có thể dễ dàng nhận thấy, từ thực tế lao động sản xuất, nhiều tập thể, cá nhân đã có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công trình nghiên cứu khoa học, cải tiến quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao trình độ, hiệu quả quản lý đã tạo nên nhiều mặt hàng, sản phẩm mới đa dạng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đảm bảo việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người lao động.
 
Theo số liệu thống kê, tại Lâm Đồng, mỗi năm đều có trên 2.250 giải pháp hữu ích, cải tiến kỹ thuật từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh được công nhận (trong đó tập trung ở ngành giáo dục và y tế; nhiều sáng kiến, giải pháp đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác, lao động và sản xuất.
 
Không thể kể hết những sáng kiến, công trình có tính hiệu quả cao khi áp dụng trong thực tế, mang lại giá trị kinh tế, tiết kiệm thời gian, sức lao động… điển hình như: Giải pháp cải tiến hệ thống thu gom màng bọt IMHOFF của tác giả Nguyễn Hữu Khải (Xí nghiệp Quản lý nước thải Đà Lạt); “Đồ dùng dạy thể dục đa năng” của Trần Thị Thanh Tâm và các cộng sự thuộc CĐCS Trường Tiểu học Liên Đầm 1; “Phương pháp đo tỷ lệ thành phần và vận tốc dòng chảy của lưu chất hai pha trong đường ống bằng kỹ thuật GAMMA truyền qua và phân tích tương quan chéo” của nhóm tác giả Lê Trọng Nghĩa, Mai Công Thành, Phạm Văn Đạo, Lê Văn Lộc thuộc CĐCS Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; giải pháp “áp dụng hệ thống súc rửa dạ dày kín tự chế trong ngộ độc đường tiêu hóa” của tác giả Phan Văn Điền, đoàn viên CĐCS Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Đặc biệt, với đề tài “Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường” của đoàn viên Lê Văn Hậu - Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần phát triển du lịch Tân An đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2012.
 
Không những thế, hàng năm LĐLĐ tỉnh đều thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cấp Công đoàn tại các cơ quan, công ty, địa phương trong tỉnh xây dựng các công trình sản phẩm mới chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Theo thống kê, từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại đã có 60 công trình sản phẩm mới được công nhận với tổng giá trị các công trình là 670 tỷ đồng. Các công trình, sản phẩm này tập trung chào mừng những ngày lễ lớn trong năm như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; chào mừng Tháng Công nhân; chào mừng Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7; Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc Khánh 2/9…
 
Các công trình sản phẩm không những thể hiện nỗ lực của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong các phong trào thi đua làm ra công trình sản phẩm mới mà còn thể hiện rõ tính ưu việt, hiệu quả khi áp dụng trong thực tế, phục vụ hiệu quả cho đời sống của các tầng lớp nhân dân. 
 
Trên mọi ngả đường, ở các vùng quê nghèo hay đô thị phát triển, đều đang hiện diện rất nhiều các công trình, sản phẩm mới, đây thực sự là dấu ấn đậm nét nhất của CNVCLĐ Lâm Đồng trong sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.
 
Đăng Lộ