Đi qua thời "hoa lửa"

10:04, 02/04/2015

Tháng 4 lại về mang theo bao cảm xúc của một thời khói lửa, những năm tháng hào hùng của 40 năm trước, ngày đại thắng Mùa Xuân 1975 mãi đi vào lịch sử dân tộc và trong ký ức của những chiến sỹ năm xưa, vẫn không thể quên được những ngày tháng 4 năm ấy - ngày 3/4/1975, ngọn cờ cách mạng được kéo cao trên đỉnh Rạp Hòa Bình - ngày Đà Lạt được giải phóng.

Tháng 4 lại về mang theo bao cảm xúc của một thời khói lửa, những năm tháng hào hùng của 40 năm trước, ngày đại thắng Mùa Xuân 1975 mãi đi vào lịch sử dân tộc và trong ký ức của những chiến sỹ năm xưa, vẫn không thể quên được những ngày tháng 4 năm ấy - ngày 3/4/1975, ngọn cờ cách mạng được kéo cao trên đỉnh Rạp Hòa Bình - ngày Đà Lạt được giải phóng.
 
Ký ức Xuân Trường
 
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm về xã anh hùng Xuân Trường (Tp. Đà Lạt), là nơi đầu tiên giải phóng, mở đầu cho việc giải phóng toàn Tp. Đà Lạt và cả tỉnh Lâm Đồng (Tuyên Đức cũ). Những ngày này, căn cứ cách mạng năm ấy đang sôi nổi những hoạt động mừng ngày giải phóng xã Xuân Trường (1/4/1975) và giải phóng Tp. Đà Lạt (3/4/1975). Những ngày tháng của 40 năm trước ùa về trong mỗi người dân…
 
“Khoảng 8h ngày 1/4/1975 cách mạng ta chính thức tiếp quản chính quyền xã Xuân Trường” - cựu chiến binh Nguyễn Văn Toàn bắt đầu câu chuyện kể về “ngày ấy” đầy cảm xúc. Là thương binh, trước tham gia chiến đấu thuộc các tiểu đoàn 810, 860, 870; nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Trường, ông nhớ lại: “Cuối tháng 3/1975, lực lượng của ta còn khó khăn, cơ sở mỏng và ít, tương quan lực lượng ta yếu thế hơn địch. Những ngày 29-30/3/1975, ở trên tăng cường 20 tay súng thuộc Tiểu đoàn 810 về phối hợp với lực lượng địa phương nhằm chặn đứng đường rút chạy của địch ở đường 11 xuống Phan Rang. Đến ngày 31/3, địch bắt đầu tháo chạy. Các cơ sở bắt liên lạc được với căn cứ, lúc ấy là đồng chí Nguyễn Lương Trữ - Phó đại diện phụ trách an ninh xã, vào thôn Xuân Sơn họp với cán bộ của ta. Đồng chí Phạm Báng mới đưa ra chỉ thị cho thu hết súng bỏ vào kho và kéo cờ cách mạng lên. Hôm sau, tức ngày 1/4, ta vận động các tu sĩ cao đài và thanh niên vào du kích, phát súng thành lập lực lượng, cờ đã được kéo lên trước đó, quân ta giải phóng Xuân Trường. Tiếp đó, cùng các đội quân chủ lực, ta xuống tiếp quản huyện Đơn Dương (2/4/1975) và tiến lên giải phóng Tp. Đà Lạt (3/4/1975).
 
Ông tâm sự thêm: “Ngày ấy địch gọi thôn Xuân Sơn của xã là thôn Việt cộng, nay toàn thôn có 95 hộ mà có đến 16 Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày ấy, gia đình nào cũng như “giao cả” cho cách mạng rồi”.
 
Một góc xã Xuân Trường, Tp. Đà Lạt
Một góc xã Xuân Trường, Tp. Đà Lạt
 
Nhớ mãi ngày 3/4 lịch sử
 
Cũng bằng cảm xúc tự hào đầy xúc động, cựu chiến binh Hoàng Phi Núi, từng tham gia Tiểu đội 810 (hiện ở tại Tp. Đà Lạt) kể lại những ngày tháng không bao giờ quên, nhất là thời điểm giải phóng Đà Lạt (3/4/1975): Chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức năm đó vẫn nhiều khó khăn, quân địch mạnh với hơn 15.000 tên, còn biệt động của Đà Lạt lúc ấy quân số rất ít, có đội còn 1 tổ, có đội còn 1 tiểu đội, riêng Đại đội 810 lúc ấy còn 35 tay súng. Đêm 31/3/1975, được tin “địch đã lệnh cho rút chạy khỏi Tuyên Đức”, quân ta nhanh chóng chiếm lĩnh đường 11, làm chủ Cầu Đất - Xuân Trường (1/4), theo đường 11 giải phóng Đà Lạt. Ngày 3/4/1975, Tiểu đoàn 186, 840, sau khi giải phóng Di Linh, chiếm Tùng Nghĩa, theo đường 20 từ Đức Trọng lên Đà Lạt và Đại đội 810 tại Ngã tư Cây xăng Kim Cúc lúc 8h, tiếp quản Tòa Hành chính tỉnh Tuyên Đức. 
 
Vững vàng thời chiến, đi đầu thời bình
 
40 năm đã đi qua, những ký ức hào hùng của những năm tháng khói lửa ấy là hành trang, là động lực để quân, dân Đà Lạt viết nên một tương lai mới tươi sáng hơn.
 
“Xã truyền thống, xã anh hùng thì cần phải luôn nêu cao tinh thần đi đầu trong mọi việc, mọi thời điểm”- cựu chiến binh Trần Văn Nhỹ (từng tham gia tiểu đoàn 816, 815, trợ lý Quân báo Tỉnh Đội, hiện ở tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường) chia sẻ. Có lẽ cũng với tinh thần ấy mà người dân Xuân Trường vẫn luôn “đi đầu” xứng danh xã anh hùng, trở thành xã đầu tiên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố.
 
Ông Trần Như Dũng - Chủ tịch xã Xuân Trường, cho biết: Năm 2014, Xuân Trường là một trong 4 xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, KT-XH phát triển, đời sống vật chất của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao. Hiện, toàn xã chỉ còn lại 11 hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
 
Cùng với xã anh hùng Xuân Trường, nhân dân 12 phường, 3 xã của Tp. Đà Lạt cũng luôn đoàn kết, phấn đấu cùng xây dựng, đưa Đà Lạt trở thành địa phương “đầu tàu” của tỉnh trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và ghi dấu ấn đậm nét về một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam trong lòng du khách trong và ngoài nước.
 
Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Đức Quận, cho biết: Hiện, cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch theo hướng tích cực, du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố hiện chỉ còn 0,45% (năm 2011 là 1,3%); 100% xã, phường đều có trạm y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 8,75%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định. Đặc biệt, đã xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
 
Trong không khí tưng bừng của những ngày tháng 4 lịch sử, quân và dân Tp. Đà Lạt đang cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng năm xưa. Cùng với cảm xúc dâng trào của những người cựu chiến binh năm xưa, những kỷ niệm không quên thời gian khó mà anh dũng của mọi tầng lớp nhân dân… còn là sự biết ơn, tự hào của những người trẻ. Tiếp bước cha ông “vững vàng thời chiến”, lớp trẻ đang phấn đấu cùng xây dựng thành phố “đi đầu thời bình”, để gìn giữ, bảo vệ và phát huy những truyền thống của thế hệ đi trước, và để quê hương luôn đẹp như những câu thơ mà cựu chiến binh Trần Văn Nhỹ (Xuân Trường, Đà Lạt) xúc động đọc cho chúng tôi nghe về chặng đường 40 năm:
 
Và hôm nay trọn vẹn bốn mươi năm
Đồng cà phê, màu trắng ngần tỏa khắp
Chợ quê ta, người và người tấp nập
Đã xa rồi thời gian khổ tối tăm
Sao đẹp thế quê ta bốn mươi năm!
 
 
DIỄM THƯƠNG - VĂN BÁU