Ghi nhận từ mô hình thực hiện bình đẳng giới

09:04, 24/04/2015

Thực hiện Quyết định 1241 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1338 của UBND tỉnh Lâm Đồng, xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên được chọn thí điểm thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2013-2020. Mô hình duy nhất này đã đạt những kết quả đáng ghi nhận và cũng đặt ra những vấn đề tiếp tục quan tâm, điều chỉnh để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.    

Thực hiện Quyết định 1241 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1338 của UBND tỉnh Lâm Đồng, xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên được chọn thí điểm thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2013-2020. Mô hình duy nhất này đã đạt những kết quả đáng ghi nhận và cũng đặt ra những vấn đề tiếp tục quan tâm, điều chỉnh để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.    
 
Bình đẳng giới đã đem lại cho đồng bào dân tộc làng Bù Đạt cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc
Bình đẳng giới đã đem lại cho đồng bào dân tộc làng Bù Đạt
cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc

Xã Phước Cát 1 có 1.698 hộ với 7.815 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ giữa nam và nữ tương đương nhau (3.947 nam giới và 3.868 nữ giới). Xã có 4 dân tộc chính là Kinh, Tày, Nùng và S’Tiêng; trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 38,63% (632 hộ với 3.019 khẩu, riêng dân tộc tại chỗ 1,52 %). Ngay sau khi được chọn làm thí điểm của tỉnh, UBND xã Phước Cát 1 đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án BĐG gồm 24 thành viên và xây dựng quy chế phân cấp, phân công nhiệm vụ. Với đặc điểm dân cư như nêu trên, xã quyết định chọn nhóm đối tượng triển khai là người DTTS và phụ nữ yếu thế. Theo đó, kết hợp với Ủy ban Mặt trận (UBMT) và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền, giáo dục về BĐG. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ về BĐG, chống bạo lực gia đình, Gia đình văn hóa... Vừa triển khai vừa đúc kết kinh nghiệm, xã tập trung xây dựng phong trào điểm tại 3 địa bàn là thôn Cát Lâm 1, Cát Lương 1 và làng Bù Đạt bằng các dự án nhỏ cụ thể. Đó là “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG” đối với 65% cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Thay đổi nhận thức, hành vi về BĐG trong cả nam và nữ; đặc biệt là bạo lực gia đình. Đồng thời, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong đó hạn chế tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đến 0%; quan tâm công tác giáo dục đến con em đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo... Đó còn là dự án “Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG”; “Nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu HĐND” và “Hỗ trợ thực hiện BĐG trong lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất BĐG hoặc có nguy cơ bất BGĐ”.
 
Sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, nhận thức của cộng đồng đã thay đổi rõ rệt. Tư tưởng trọng nam khinh nữ có phần giảm, nữ giới có nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội hơn, nhất là được tham gia hội họp và mạnh dạn hơn trong việc phát biểu ý kiến, kiến nghị của mình đến các cấp. Mặt khác, tình trạng bạo lực trong gia đình cũng giảm rõ; nam giới biết chia sẻ công việc trong gia đình với nữ giới. Không còn hiện tượng bỏ học ở trẻ em nữ vùng đồng bào DTTS, trẻ em của hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cụ thể, về bạo lực gia đình: thôn Cát Lâm 1 vào năm 2012 (chưa thực hiện đề án) xảy ra 4 vụ, năm 2013 còn 2 vụ và năm 2014 chỉ có 1 vụ; thôn Cát Lương 1 từ 3 vụ xuống 2 vụ và 1 vụ; làng Bù Đạt từ 6 vụ giảm 3 vụ và chỉ còn 2 vụ. Về phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, Cát Lâm 1 từ năm 2012 đến năm 2014 mỗi năm tăng lên 1 người (từ 2 người lên 4 người); Cát Lương 1 năm 2012 có 2 người và năm 2013, 2014 có 3 người; làng Bù Đạt từ không có người nào nay đã có 1 người. Về học sinh bỏ học, năm 2012 Cát Lâm 1 bỏ 2 em, Cát Lương 1 bỏ 2, Bù Đạt bỏ 3; đến năm 2013, Cát Lâm 1 và Bù Đạt chỉ 1 em bỏ học tại mỗi địa bàn, Cát Lương 1 không còn học sinh bỏ học và năm 2014 cả địa bàn đều chấm dứt triệt để học sinh bỏ học. Đối với tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động tuyên truyền về BĐG, Cát Lâm 1 có 42% (năm 2013) và 58% (năm 2014); cũng trong 2 năm này, ở Cát Lương 1 từ 45% lên 65%; Bù Đạt từ 60% lên 90% và toàn xã từ 43% lên 56%. 
 
Những kết quả nêu trên rất đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần chỉ ra từ mô hình thí điểm này. Đó là, số lượng và tỷ lệ nữ tham gia công tác xã hội ở cơ sở còn ít do nặng việc gia đình và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong gia đình vẫn chưa thể chấm dứt triệt để. Việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương chưa rõ nét, chưa được quan tâm thường xuyên, Ban chỉ đạo hoạt động thiếu chiều sâu. Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Cát Tiên Nguyễn Thị Mỹ cho rằng: Kinh phí thực hiện cho công tác BĐG vừa quá ít vừa chuyển về cơ sở chậm, do đó không hỗ trợ được đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo của huyện, của xã và khó khăn trong việc huy động cộng đồng tham gia, nhất là nam giới rất khó tập hợp. 
 
BĐG là lĩnh vực mới nên cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giới, phân tích giới, lồng ghép giới cho cán bộ quản lý và người trực tiếp làm công tác này. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền ở một số ngành, địa phương phải thật sự quan tâm công tác BĐG, theo đó có sự phối hợp lồng ghép linh hoạt và thường xuyên. Nếu không quan tâm đầu tư có chiều sâu thì các hoạt động BĐG vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 1 Nguyễn Trọng Quả là Trưởng Ban chỉ đạo dự án BĐG xã đề nghị cần quan tâm nhiều đối tượng nữ giới, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đó là hoàn thiện chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nghề nghiệp. Đó là chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Và rất cần sự hỗ trợ những phụ nữ nghèo, đơn thân hoặc tàn tật có hoàn cảnh khó khăn.
 
ĐẠO PHAN