Trên thế giới, khó tìm thấy đất nước nào mà cả dân tộc cùng thừa nhận một tổ tiên chung, cùng thờ cúng một con người cụ thể, là vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Văn Lang - Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, trải qua 18 đời cha truyền con nối; từ đó có chung một ngày Giỗ Tổ như dân tộc ta.
Trên thế giới, khó tìm thấy đất nước nào mà cả dân tộc cùng thừa nhận một tổ tiên chung, cùng thờ cúng một con người cụ thể, là vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Văn Lang - Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, trải qua 18 đời cha truyền con nối; từ đó có chung một ngày Giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng, đã khơi dậy ý thức về cội nguồn dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là khởi nguồn của tình yêu thương, đùm bọc, tạo nên sức mạnh Việt Nam. Vì vậy, lễ hội Đền Hùng có một đặc thù riêng là phần lễ nặng hơn phần hội. Điều đó nói lên những người tới dự hội tâm tưởng luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.
|
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. tại thác Prenn - Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn |
Truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được bắt nguồn từ Hùng Vương và các vua Hùng, tạo nên thời đại Hùng Vương. Từ đây, người Việt biết cách đốt nương làm rẫy, dẫn nước làm ruộng, làm lúa nước, lúa gạo trở thành nông sản chính; biết nấu rượu, dệt vải, may quần áo để mặc, dệt chiếu để nằm; biết làm nhà sàn để tránh thú dữ, dùng trầu cau trong lễ cưới gả con... Quốc Tổ Hùng Vương đưa nước ta từ thời kỳ “đồ đá” phát triển sang đồ kim khí, biết đúc đồng, đúc sắt không chỉ để làm đồ dùng, dụng cụ sản xuất, mà còn biết làm ra binh khí đánh đuổi giặc ngoại xâm... tạo nên sự tích Thánh Gióng, mở đầu truyền thống hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước hào hùng, oanh liệt của dân tộc ta.
Cũng từ thời đại Hùng Vương, các mối quan hệ xã hội tốt đẹp được hình thành; vai trò của vua đối với nước từng bước được xác lập; vua hiền tài, đất nước mạnh, dân được nhờ; vua u mê, tàn bạo, đất nước suy vi, không được lòng dân, phải nhường ngôi vị; vua chăm lo, vỗ về cho dân từ cách thức làm ăn, tổ chức đời sống cộng đồng, đến đặt chữ cho dân… nên được nhân dân quý trọng, tin tưởng… Từ đó, hình thành nên truyền thống tốt đẹp, đặt nền tảng tư tưởng “vua hiền - tôi trung” của nhà nước phong kiến Việt Nam tiến bộ sau này.
Xung quanh câu chuyện về nguồn gốc Quốc Tổ Hùng Vương hết sức lý thú và có sức thuyết phục. Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống lịch sử - văn hóa, sự kết tinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử; thể hiện đầy đủ, nổi bật ý nghĩa triết lý về sự trường tồn, sức mạnh vật chất và văn hóa trong đời sống của dân tộc ta. Đó là một dân tộc có nguồn gốc “cha rồng mẹ tiên”; là sự giao thoa, nơi hội tụ, hòa hợp của trời và đất, tạo thành sức mạnh vô biên để vượt qua mọi hiểm nghèo, thử thách; đồng thời đề cao những giá trị tinh thần nhân văn sống nhân nghĩa, tương thân tương ái, quý trọng tình người, yếu tố cốt lõi làm nên ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ. Có thể nói, phải có một dân tộc hùng tráng như Việt Nam thì cội nguồn dân tộc mới đạt đến giá trị tâm linh và toát lên ý nghĩa triết lý cao đẹp, trở thành chất keo gắn kết 54 dân tộc anh em thành một khối bền vững. Nhờ đó, trước tham vọng thôn tính, đô hộ, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc, dân tộc ta vẫn tồn tại, Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn tồn tại và chúng ta vẫn là người Việt, với nền văn hóa đặc thù Việt Nam. Vì vậy, không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương mà bạn bè quốc tế khi đến thăm viếng Đền Hùng đã hết sức kinh ngạc và tỏ lòng khâm phục về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, nhưng trong tình cảm và nhận thức của mỗi người dân Việt Nam, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu thờ phụng công đức tổ tiên. Vì thế, Người Việt dù sống ở nơi đâu cũng luôn nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba. Đó là một ngày lễ trọng đại, là dịp để con cháu tưởng niệm, ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc, đã xây dựng cho mình một hình tượng đất nước, hình tượng dân tộc hùng tráng và cao đẹp; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ nối tiếp nhau kiên cường chống giặc ngoại xâm để gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc, để đất nước mãi mãi trường tồn. Và Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương càng có ý nghĩa biết bao khi mà ngọn lửa Hùng Vương còn được tiếp tục bừng sáng trong mỗi người con đất Việt, gắn kết họ thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc mà không một thế lực nào có thể phá nổi.
Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ, tham gia lễ hội; còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, tùy theo điều kiện từng địa phương để có các hình thức tổ chức phù hợp. Thực tế hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có đền thờ Hùng Vương, vào ngày Giỗ Tổ hàng năm, chính quyền và nhân dân ở các địa phương đó đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương để tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc ngay tại các đền thờ này. Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành hoạt động truyền thống, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc; cổ vũ và phát huy tinh thần Văn Lang, truyền thống các Vua Hùng; là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua mọi khó khăn, gian lao, khắc nghiệt của thiên tai, địch họa... và qua đó càng củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, mãi mãi xứng đáng là con Lạc cháu Hồng.
VĂN NHÂN