ISO trong cải cách hành chính

09:04, 06/04/2015

Hệ thống quản lý chất lượng ISO theo Tiêu chuẩn Việt Nam 9001: 2008 áp dụng vào hoạt động cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Lâm Đồng đã mang lại những hiệu quả tích cực. 

Hệ thống quản lý chất lượng ISO theo Tiêu chuẩn Việt Nam 9001: 2008 áp dụng vào hoạt động cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Lâm Đồng đã mang lại những hiệu quả tích cực. 
 
Tiếp nhận TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ở UBND huyện Đức Trọng
Tiếp nhận TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ở UBND huyện Đức Trọng
 
Một công cụ hữu ích
 
Là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước về áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (ISO) trong công tác cải cách hành chính (CCHC), ngay từ năm 2002, thành phố Đà Lạt đã thực hiện thí điểm việc ứng dụng ISO trong hành chính tạo ra một bước đột phá mới trong CCHC của Lâm Đồng. Với các kết quả hữu ích thu được tại Đà Lạt, Lâm Đồng đã từng bước nhân rộng đến các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh.
 
Tính đến thời điểm này, theo Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, toàn tỉnh đã có 49 đơn vị đang áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng ISO theo Tiêu chuẩn Việt Nam phiên bản 9001: 2008. Trong số này đã có 44 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Cụ thể, ở cấp sở và cơ quan chuyên môn thuộc sở hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận; cấp địa phương có 12 huyện, thành trong tỉnh và thêm UBND thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng cũng được cấp giấy chứng nhận. Có 3 đơn vị đang triển khai áp dụng là UBND tỉnh, Ban Dân tộc và Sở Tài nguyên Môi trường; đồng thời do những đặc thù của mình nên có 2 đơn vị là Ban Tôn giáo và Chi cục Văn thư lưu trữ không triển khai. 
 
Để áp dụng ISO, các đơn vị phải ban hành văn bản như sổ tay chất lượng; qui trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); quy trình kiểm soát tài liệu, hồ sơ; quy trình đánh giá nội bộ, quy trình kiểm soát sản phẩm không phù hợp; quy trình hành động khắc phục, phòng ngừa… đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ các qui trình này. Nói cách khác, ISO đang chuẩn hóa mọi hoạt động theo hướng rõ ràng, công khai, minh bạch; là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nhưng ISO không chỉ mang lại lợi ích cho chính các tổ chức, cơ quan thực hiện mà còn tạo sự thuận lợi rất lớn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các TTHC. Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, TTHC được qui định và kiểm soát đảm bảo đúng qui định của pháp luật hiện hành, công khai đầy đủ, minh bạch hóa giúp loại bỏ những thủ tục tự đặt thêm gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức. Trong quá trình thực hiện các TTHC cũng được xem xét, đánh giá để đơn giản hóa, loại bỏ những giấy tờ hồ sơ không cần thiết, từng bước cải tiến qui trình theo hướng có lợi nhất cho công dân, tổ chức. Cùng đó, việc thăm dò, giải quyết ý kiến của các tổ chức, cá nhân thường xuyên cũng được đặt ra nhằm khắc phục những hạn chế, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của mọi người dân.
 
Cần tránh bệnh hình thức  
 
ISO thực chất không phải là một công cụ vạn năng, mở được mọi cánh cửa. Vẫn còn những tồn tại hiện nay khiến cho quá trình áp dụng ISO chưa được hiệu quả như mong muốn.
 
Khó khăn trước nhất, theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, chính là hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thay đổi thường xuyên dẫn đến tình trạng bộ TTHC tại nhiều đơn vị vừa xây dựng xong đã bị lạc hậu, lỗi thời. Cùng đó, cơ sở vật chất cũng là một vấn đề lớn: nhiều đơn vị trụ sở làm việc chưa được đầu tư, còn chật hẹp, chưa đủ diện tích tối thiểu theo quy định, trang thiết bị hạn chế. Cán bộ công chức phụ trách tại các đơn vị cũng thường xuyên bị thay đổi; nhiều người chưa được tham gia các lớp đào tạo nên việc áp dụng ISO còn gặp nhiều trở ngại, các lớp đào tạo về ứng dụng ISO có thời gian ngắn, số lượng học viên tham dự quá đông nên hiệu quả đào tạo chưa cao.
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, việc áp dụng ISO trong CCHC đã làm chuyển biến rất rõ tác phong của đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời đòi hỏi người đứng đầu đơn vị cũng phải tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị hiện nay lại chưa thể hiện được quyết tâm cao trong áp dụng ISO, vẫn còn tình trạng khoán trắng cho cán bộ dưới quyền, thiếu kiểm soát chặt chẽ dẫn đến hệ thống hoạt động thiếu thực chất, mang tính hình thức, đối phó để có giấy chứng nhận, gây lãng phí ngân sách, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ mục tiêu CCHC. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chất lượng ở một số đơn vị không do cơ quan tự xây dựng mà được tổ chức tư vấn cung cấp nên có sự sao chép, áp đặt giữa các cơ quan với nhau, chưa có sự kết hợp thống nhất các văn bản quản lý trong từng cơ quan, đơn vị dẫn đến việc vận hành không phù hợp, còn máy móc, rườm rà, phức tạp. 
 
Để ISO hỗ trợ tốt hơn nữa cho CCHC, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh cần sớm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy tính và phần mềm cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại các đơn vị theo hướng hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng các tiến bộ của công nghệ trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, nhắc nhở các đơn vị chậm ứng dụng ISO theo quy định đẩy nhanh tiến độ. Riêng Sở Nội vụ Lâm Đồng lưu ý, cần khắc phục tình trạng một nội dung quản lý nhưng các cơ quan, đơn vị phải ban hành nhiều văn bản quy định dẫn đến hệ thống cồng kềnh, khó thực hiện, khó kiểm soát; đồng thời mong lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo thực hiện một cách “nghiêm túc, thực chất” các quy trình ISO tại đơn vị mình.
 
VIẾT TRỌNG