Từ những yếu tố bất lợi về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, năng lực đầu tư có hạn của người dân… nên tỷ lệ hộ nghèo của Đạ Huoai những năm trước đây luôn ở mức cao. Nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm xuống mức 2,66%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS chỉ ở mức 3,36%.
Từ những yếu tố bất lợi về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, năng lực đầu tư có hạn của người dân… nên tỷ lệ hộ nghèo của Đạ Huoai những năm trước đây luôn ở mức cao. Nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm xuống mức 2,66%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS chỉ ở mức 3,36%. Đây được xem là một thành công lớn trong thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về “Giảm nghèo nhanh, bền vững” tại huyện Đạ Huoai, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho một số địa phương khác trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình.
Ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai khẳng định: Muốn thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ đạt kết quả tốt, Huyện ủy - UBND - Ban Chỉ đạo giảm nghèo phải chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình. Mặt khác, phải tạo sự chủ động cho bản thân hộ nghèo, chính quyền địa phương cơ sở trong việc lựa chọn cây con, ngành nghề phát triển kinh tế, các hạng mục đầu tư trong chương trình, theo phương thức: Thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, các địa phương tiến hành rà soát, thống kê hộ nghèo và tổ chức họp dân để người dân bàn bạc, thảo luận cần đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt như thế nào cho hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Trên cơ sở đăng ký thoát nghèo của các hộ dân, các thôn, tổ dân phố, các xã nằm trong chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, UBND huyện và Ban Chỉ đạo (BCĐ) huyện tiến hành phân loại từng nhóm chính sách đầu tư để tạo điều kiện cho người dân. Theo đó, có 4 nhóm như sau: Nhóm chính sách, dự án để tạo điều kiện cho người phát triển sản xuất, tăng thu nhập; Nhóm chính sách tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ và xã hội; Nhóm dự án nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo; Nhóm đào tạo nghề, tạo việc làm. Bằng việc phân chia thực hiện chương trình theo từng nhóm nói trên, vừa tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, vừa đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của từng đối tượng, từng địa bàn trong diện “Giảm nghèo nhanh, bền vững”. Bên cạnh đó, sự sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; sự tận tình, giúp đỡ của cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện xuống cơ sở, nhất là đối với các vùng đồng bào DTTS phải thực hiện phương châm “cầm tay, chỉ việc” đã mang lại kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ “Giảm nghèo nhanh, bền vững”.
Trong những năm gần đây, đã có hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, từ huy động nội lực trong nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội ngoài địa phương được đầu tư vào các địa phương thuộc chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” của Đạ Huoai để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 666 hộ nghèo của huyện được vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, với số tiền 13,437 tỷ đồng. Cùng với đó, 142 hộ dân tại 4 xã, thị trấn đã được ngân sách huyện hỗ trợ gần 112 triệu đồng để chuyển đổi cây điều kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và cải tạo vườn cây ăn trái, với diện tích 42,8ha. Cũng trong năm, huyện đã cấp 6.302 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo và đồng bào DTTS; hỗ trợ học phí cho 402 trẻ em mầm non ,học sinh phổ thông tại các trường học trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 115,430 triệu đồng; Hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 697 học sinh, sinh viên đang theo học các trường hướng nghiệp, trung cấp, cao đẳng, đại học với số tiền 276,8 triệu đồng. Trong năm, huyện cũng đã mở 16 lớp dạy nghề trồng trọt, chăm sóc sầu riêng, cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tằm, đan lát mây tre... cho 422 học viên là hộ nghèo. Phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo dạy nghề của Sở LĐ - TB&XH tổ chức tư vấn việc làm, tuyên truyền xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho 138 ĐVTN, giải quyết việc làm mới cho 850 lao động và XKLĐ được 3 lao động sang các nước Nhật Bản, Malaysia... Đặc biệt, đối với 3 xã nghèo: Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ Ploa, huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu; hỗ trợ thâm canh cây trồng cho 971 lượt hộ nghèo, với diện tích 439,18ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đã lồng ghép nguồn vốn của một số chương trình, dự án để “Giảm nghèo nhanh, bền vững” như: Chương trình 135 giai đoạn III, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh để xây dựng mới, duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mua 17 con bò giống lai sind, 20 máy bơm nước, 17 máy bơm thuốc BVTV, 32 máy phát cỏ, hỗ trợ 2.886 kg phân bón NPK... cho hàng chục hộ nghèo tại các xã nghèo Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ PLoa và 2 thôn, 1 tổ dân phố, với số tiền trên 5,359 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành lâm nghiệp huyện cũng đã giao khoán quản lý bảo vệ 20.692,7ha rừng cho 703 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, với kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 6,219 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo khả quan nói trên. Đồng thời, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” để đạt được kết quả cao hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Hoàng Kiến Giang