(LĐ online) - Địa đạo Kỳ Anh được đào từ tháng 5-1965 hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài Địa đạo gần 32 km, nằm dưới mặt đất chừng 1,6m, chiều rộng từ 0,5 – 0,8m, chiều cao khoảng 0,8 – 1m.
(LĐ online) - Ngày cuối tháng 3 vừa qua, về Quảng Nam, chúng tôi được anh Mười – Trưởng phòng HC-TS Báo Quảng Nam đưa thăm, dâng hương tại Đài Liệt sĩ và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được khánh thành tối 24/3 nhân dịp tỉnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rời Quảng trường Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, anh Mười xúc động tâm sự: Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm, Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sĩ và hiện toàn tỉnh có 11.234 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng… Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đã làm nên nhiều huyền thoại, các anh chắc đã từng thăm Địa đạo Củ Chi, Địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) nhưng chắc chưa đến Địa đạo Kỳ Anh của vùng đất “chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” này! Đây là Địa đạo của lòng dân! Nghe giới thiệu, anh Hoàng Hùng - Tổng Biên tập Báo Điện Biên thốt lên: Mình từng tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Ninh. Hai địa đạo trên thăm rồi, giờ xin cho tới Kỳ Anh… Tuy đã gần chiều nhưng ý kiến được mọi người đồng tình hưởng ứng.
|
Ông Tân trước miệng Địa đạo |
Rời trục đường nhựa thênh thang, xe chúng tôi rẽ vào một tuyến đường mà quanh cảnh hai bên vẫn còn đậm nét làng quê với những cánh đồng đang xanh độ lúa trổ đòng, những bờ tre ken dày, những ngôi nhà lúp xúp… Anh Mười cho biết: Xã Kỳ Anh (nay xã Tam Thăng) nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 7km. Trong chống Mỹ, nhân dân Kỳ Anh đã trường kỳ kháng chiến, anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, bám trụ, đánh bại và tiêu diệt nhiều sinh lực địch làm cho địch “Bạt vía kinh hồn”. Tính sáng tạo trong đánh địch thể hiện qua việc đào Địa đạo làm nên một thành đồng trong lòng đất, Địa đạo của lòng dân. Với sự lợi hại của Địa đạo nên trong 10 năm chiến tranh đau thương, gian lao mà anh dũng, quân và dân Kỳ Anh đánh địch 1.052 trận, loại địch ra khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên, trong đó 55 tên Mỹ, diệt 57 tên ác ôn, bắt sống hơn 150 tên, diệt gọn 5 trung đội dân vệ và biệt lập, 1 đại đội biệt kích, 1 trung đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 trung đội dân vệ, 3 đại đội và 3 tiểu đoàn Cộng hòa, bắn cháy 3 máy bay, 15 xe quân sự, thu 500 súng các loại. Năm 1994, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1997, Địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Vừa đi vừa hỏi đường, rồi xe chúng tôi dừng lại trước một tốp người đang cuốc đất, dẫy cỏ nhà Bia tưởng niệm liệt sĩ mới xây. Xuống hỏi, một người đàn ông buông tay cuốc, nở nụ cười hồn hậu, phấn chấn: - Tôi sẽ mở khóa cho các bác tham quan. Để tôi chạy về mặc áo mới cho đàng hoàng! Đoàn thấy không cần thiết nên bác choàng chiếc áo sơ mi trắng rồi dẫn chúng tôi đi bộ thăm Địa đạo. May quá, gặp đúng bác Huỳnh Kim Tân (58 tuổi), người bảo vệ khu di tích lịch sử cách mạng. Sau khi mở cổng đình làng, bác Tân cho biết: Đình Thạch Tân, thôn Thạch Tân là ngôi đình cổ, được xây dựng từ 300 năm trước, gắn liền với việc khai canh, khai cơ thờ các bậc tiền nhân. Đình là một bộ phận quan trọng của hệ thống Địa đạo Kỳ Anh… Tháng 5 - 1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vội vàng xua quân vào miền Nam Việt Nam. Cùng với quân ngụy và chư hầu, chúng thực thi chiến dịch: “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và Bình định” mở rộng chiến dịch “về làng”, bắt bớ càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Kỳ Anh là xã vừa giải phóng và có phong trào du kích hoạt động mạnh mẽ nên địch tổ chức hành quân càn quét dữ dội, lùng sục vây bắt, nhiều chiến sĩ cách mạng và dân lành vô tội bị tra tấn, thủ tiêu.
Trước tình hình đó, cùng với cả tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh quyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, “bám đất, bám làng” tận dụng mọi thời cơ đánh địch. Kỳ Anh là xã vùng cát, địa hình địa vật bất lợi cho việc tác chiến, ẩn nấp, bảo toàn và phát triển lực lượng tiến hành chiến tranh du kích lâu dài, địch càn sẽ phát hiện và tiêu diệt lực lượng ta một cách dễ dàng. Từ thực tế khó khăn đã nảy sinh sáng kiến không còn cách nào khác là phải đào hầm bí mật, đào địa đạo làm nơi ẩn quân an toàn, nơi chuẩn bị lực lượng, vũ khí trước khi đánh địch.
|
Cây Rõi trên 500 năm |
Địa đạo Kỳ Anh được đào từ tháng 5/1965, hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài Địa đạo gần 32km, nằm dưới mặt đất chừng 1,6m, chiều rộng từ 0,5 – 0,8m, chiều cao khoảng 0,8 – 1m. Địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, men theo bờ tre và hệ thống cây bản địa chạy dài khắp 9 thôn trong toàn xã, trong đó chủ yếu là thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình. Lực lượng đào Địa đạo là lực lượng tổng hợp, sức mạnh quân dân: Bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên… Dụng cụ đào chủ yếu là cuốc, xẻng ngắn cán, xà beng, và mủng, thúng, trạt để bí mật đem đất đổ đi nơi khác. Địa đạo là thành trì vững chắc giúp quân dân Kỳ Anh trụ bám chủ động đánh địch và bảo tồn lực lượng, tổ chức phản công, tập kích bất ngờ một khi chúng càn quét. Đồng thời Địa đạo là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh đội.
Sau khi thắp hương và nghe lịch sử ngôi đình, bác Tân đưa chúng tôi ra sau đình, mở một cánh cửa trên tường, giới thiệu: - Đây là cửa địa đạo. Lợi dụng đình là nơi thiêng liêng, cây cối rậm rạp, ít người chú ý, ta dùng làm nơi hội họp, trao đổi tin tức. Dưới nền đình là hầm cứu thương, hầm hội họp, hầm chứa lương thực khá rộng, ăn thông ra địa đạo dẫn ra mương nước và lùm Cây Rõi… Trước sự tấn công của quân dân Kỳ Anh gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, năm 1968 địch tổ chức phản công càn quét. Chúng dùng dây xích cột vào cột đình cho xe tăng kéo định giật đổ đình, song trước sự uy nghi tâm linh của đình cũng như sự phản đối mãnh liệt của nhân dân nên địch tỉnh ngộ sợ hãi không dám phá đình. Hiện cột đình vẫn còn lằn vết tích dây xích tàn bạo năm xưa…
Rất tiếc là Địa đạo Kỳ Anh hiện chỉ phục dựng, gia công cho kiên cố được 116m để cho phục vụ khách tham quan. Mấy hôm nay, mưa nhiều, nước nấm và dâng cao nên không có dịp xuống khám phá lòng Địa đạo. Đưa chúng tôi rẽ phải, rẽ trái mấy con đường thôn có Địa đạo xuyên dưới hàng tre, ngang vườn nhà dân (đôi chỗ nhô lên ống thông hơi), bác Tân dẫn đến một gốc cây cổ thụ xanh tốt bên bờ mương. Bác bảo: Cây Rõi này đã trên 500 năm tuổi. Từ khi lập làng đã 21 đời, các cụ tiền nhân xưa về lập làng thấy cây đã cổ thụ rồi. Đây là địa điểm làng thường tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Dân làng gọi là cây Thiêng. Quả vậy, bom đạn cày xới, Mỹ - ngụy càn quét có dám chặt cây đâu! Cây cao nhất vùng nên thời năm chiến tranh, ta thường cử người trèo lên ngọn quan sát tình hình, khi có động là báo kịp thời…
Chia tay Thạch Tân và Địa đạo Kỳ Anh trong chiều mưa nhẹ hạt, trong tâm tưởng chúng tôi đan xen cảm xúc thán phục, tự hào trước ý chí quật cường của người xứ Quảng đã kỳ công tạo nên một “Thành đồng trong lòng đất” xen lẫn cảm xúc bùi ngùi trước sự tổn thất, hy sinh lớn lao của nhân dân nơi đây. Theo bác Huỳnh Kim Tân: Xã có 220 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 800 liệt sĩ; riêng thôn Thạch Tân đã có 50 Mẹ và trên 200 liệt sĩ… Hòa bình đã 40 năm thế nhưng đời sống nhân dân trong xã vẫn còn đối diện nhiều khó khăn. Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư của anh Mười, bác Tân là mong Địa đạo Kỳ Anh sớm được đầu tư tôn tạo, phục dựng đúng tầm để thực sự là điểm tham quan nổi tiếng, tiếp tục nâng cao giá trị giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương xứ Quảng, của đất nước Việt Nam.
Ghi chép: ĐAN THANH