(LĐ online) - Hội nghị nói trên đã được tổ chức tại TP Đà Lạt vào sáng 9/4 với sự tham dự của nhiều cán bộ CĐ và đại diện các CĐ doanh nghiệp thuộc LĐLĐ TP Đà Lạt. Trước đó - ngày 8/4, một hội nghị tương tự cũng đã được LĐLĐ Lâm Đồng tổ chức tại TP Bảo Lộc.
(LĐ online) - Hội nghị nói trên đã được tổ chức tại TP Đà Lạt vào sáng 9/4 với sự tham dự của nhiều cán bộ CĐ và đại diện các CĐ doanh nghiệp thuộc LĐLĐ TP Đà Lạt. Trước đó - ngày 8/4, một hội nghị tương tự cũng đã được LĐLĐ Lâm Đồng tổ chức tại TP Bảo Lộc. Bảo Lộc và Đà Lạt được LĐLĐ Lâm Đồng chọn làm điểm để triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)” năm 2014 tại hai đơn vị CĐ ngành chè Lâm Đồng (Bảo Lộc) và LĐLĐ TP Đà Lạt (Đà Lạt).
|
Người lao động làm việc trong siêu thị ở Đà Lạt |
Ghi nhận những việc đã làm được
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Được - Trưởng ban Chính sách LĐLĐ tỉnh - đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2014 vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã xác định chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của tổ chức CĐ để thực hiện đúng chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của đoàn viên, CNVCLĐ.
Tại LĐLĐ TP Đà Lạt - một trong hai đơn vị điểm của tỉnh, những việc đã làm được ghi nhận: Thành lập được Tổ Tư vấn với 5 thành viên do đồng chí Chủ tịch làm Tổ trưởng; đã cung cấp hơn 2.500 cuốn tài liệu về nội dung hỏi đáp các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, 500 cuốn tài liệu hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn; mở 7 lớp tập huấn tuyên truyền về pháp luật lao động và Luật CĐ; tổ chức tư vấn cho 3.150 lượt CNVCLĐ tại các doanh nghiệp. Cùng đó, kết quả đáng ghi nhận ở địa bàn Đà Lạt nữa là, trong tổng số 58 CĐCS đã có 52 doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT trong năm 2014 - chiếm tỷ lệ 89%. Với CĐ ngành chè Lâm Đồng: đã có 40 chủ tịch CĐCS và 80 ủy viên BCH CĐCS được tập huấn về TƯLĐTT; trong tổng số 43 CĐCS doanh nghiệp thuộc ngành, có 39 doanh nghiệp xây dựng được TƯLĐTT (chiếm 95%)...
Vẫn còn không ít hạn chế
Về những tồn tại, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cũng đã thẳng thắn chỉ ra tại hai hội nghị triển khai chương trình này là: Với LĐLĐ TP Đà Lạt, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đội ngũ CNVCLĐ vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên và đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu... Với CĐ ngành chè Lâm Đồng, hạn chế được nêu lên là vẫn còn không ít TƯLĐTT sao chép luật, việc ký kết chủ yếu là để đối phó, chưa có những điều khoản có lợi hơn so với luật nên chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người lao động; việc tổ chức lấy ý kiến tập thể người lao động chưa được tiến hành theo trình tự, nên một số TƯLĐTT chưa phản ánh đầy đủ những ý kiến phản ánh đúng nguyện vọng của người lao động...
Rút kinh nghiệm từ hai đơn vị điểm năm 2014, năm 2015 này, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng xác định các nội dung chính để thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình đến các cấp CĐ trong tỉnh; tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT; chỉ đạo các LĐLĐ huyện, TP và CĐ ngành trong tỉnh xây dựng và thực hiện tốt chỉ tiêu năm 2015; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Tư vấn của LĐLĐ tỉnh và các tổ tư vấn của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; tổ chức chấm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng TƯLĐTT...
Khắc Dũng