"Một cửa điện tử" - Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại phường 1, Đà Lạt

08:04, 03/04/2015

Nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hạn chế tối đa những tiêu cực, sách nhiễu, giảm phiền hà cho dân, tháng 6/2011, UBND phường 1, thành phố Đà Lạt được tỉnh và thành phố chọn làm điểm thực hiện mô hình "Một cửa điện tử". Những kết quả bước đầu mà mô hình này đem lại, được xem là bước đột phá mới trong việc cải cách hành chính, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hạn chế tối đa những tiêu cực, sách nhiễu, giảm phiền hà cho dân, tháng 6/2011, UBND phường 1, thành phố Đà Lạt được tỉnh và thành phố chọn làm điểm thực hiện mô hình “Một cửa điện tử”. Những kết quả bước đầu mà mô hình này đem lại, được xem là bước đột phá mới trong việc cải cách hành chính, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
 
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa điện tử” phường 1, thành phố Đà Lạt
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa điện tử” phường 1, thành phố Đà Lạt

Với phương châm “Vì dân phục vụ, đúng luật, công khai, đúng thời hạn” trên các lĩnh vực tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa điện tử, trong đó, chú trọng việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, qua 4 năm triển khai thực hiện, các thủ tục hành chính khi người dân đến phường 1 giao dịch đã được đơn giản hóa, kịp thời, đúng quy định. Chị Trần Thị Sinh, một người dân cư trú tại ấp Ánh Sáng, Đà Lạt phấn khởi bộc bạch: “Từ khi UBND phường 1 triển khai thực hiện mô hình “Một cửa điện tử”, mỗi khi chúng tôi đến phường giao dịch đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại; cán bộ “một cửa” thì tận tình chu đáo, hướng dẫn bà con thao tác máy tính, làm thủ tục một cách tỉ mỉ. Tôi rất mừng vì giờ đây mọi thủ tục được giải quyết nhanh chóng, không còn cảnh chờ chực như trước kia. Nhất là khi cần thông tin để hoàn tất hồ sơ, chỉ cần làm theo hướng dẫn của cán bộ “một cửa”, rồi qua thao tác trên 2 chiếc màn hình máy tính cảm ứng ở ngay phòng chờ là biết ngay. Rất tiện lợi và hữu ích đối với người dân chúng tôi chú ạ!”.
 
Cùng với việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, trình tự quy trình giải quyết công việc, các loại phí và lệ phí hành chính, quy chế, lịch tiếp dân tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ theo cơ chế “một cửa điện tử”, thời gian qua, UBND phường 1 còn thường xuyên triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua hệ thống chính trị phường, các tổ dân phố, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính đến các tầng lớp nhân dân khi tham gia giao dịch hành chính tại phường. Ông Phạm Trung Hà - Phó Chủ tịch UBND phường 1, cho biết: “Ưu điểm vượt trội của mô hình “Một cửa điện tử” là khi người dân đến giao dịch sẽ được cán bộ phụ trách “một cửa” cấp cho một bộ hồ sơ có mã vạch và hẹn thời gian trả hồ sơ. Với hồ sơ có mã vạch đó, người dân chỉ cần đưa mã vạch vào máy đọc, hoặc gõ những thông tin cần thiết thì có thể biết được hồ sơ của mình hiện đang nằm ở bộ phận nào, do cán bộ nào phụ trách. Việc theo dõi đường đi của hồ sơ một cách công khai này giúp cho lãnh đạo phường biết được tiến độ cũng như tinh thần làm việc của các cán bộ phụ trách lĩnh vực một cửa tại địa phương. Từ mô hình này đã giúp địa phương rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 1 đến 2 ngày so với trước, thậm chí có trường hợp giải quyết ngay trong ngày hoặc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ”.
 
Một số người quan tâm đến mô hình “Một cửa điện tử” cho rằng, đây chính là bước đột phá mới trong việc cải cách thủ tục hành chính tại phường 1, bởi nó là công cụ hữu hiệu để người dân và lãnh đạo phường giám sát các dịch vụ công. Người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp, được cung cấp thông tin ở mọi nơi, mọi lúc và không phụ thuộc vào tinh thần làm việc hay thái độ của cán bộ phường. Mặt khác, người dân có thể biết được tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, chính xác; công khai, minh bạch hóa các hoạt động của chính quyền phường. Để thực hiện tốt “một cửa điện tử”, từ năm 2011, UBND phường 1 đã tiến hành hiện đại hóa công sở, chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ một cửa, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, trong đó, ưu tiên xử lý các thủ tục, hồ sơ liên quan đến đời sống của người dân như: đăng ký khai sinh, kết hôn, hộ tịch, chứng thực di chúc, xác nhận nhà đất... Theo đó, trong năm 2014, UBND phường đã giải quyết gần 8.730 thủ tục hành chính các loại cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt 100%, kịp thời, đúng hẹn. Kết quả trên cho thấy, việc triển khai mô hình “Một cửa điện tử” đã tạo nhiều thuận lợi trong việc cập nhật các thủ tục hành chính; trình tự báo cáo cũng không có sai sót, việc ký duyệt cũng được thực hiện trên máy; công tác chỉnh sửa các văn bản trước khi phát hành cũng được chỉnh sửa qua mạng LAN nội bộ, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí văn phòng phẩm cho phường, đồng thời kiểm tra chặt chẽ các thủ tục trước khi giao trả cho người dân.
 
Có thể nói, giờ đây mô hình “Một cửa điện tử”, ở phường 1, thành phố Đà Lạt hiện đã thể hiện tốt vai trò là một công cụ quan trọng và đắc lực đối với người dân, cán bộ thụ lý hồ sơ và lãnh đạo phường, tạo ra một môi trường làm việc điện tử và quy trình làm việc thông suốt, tổng thể, có liên kết chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến phường giao dịch hành chính công.
 
HỒNG HẢI