Nam Tây Nguyên mùa này hanh hao đến rộc người, nóng rẫy, khắc khoải cạn lòng chờ đợi những cơn mưa. Tháng 3 cũng là "mùa ăn rừng", dù những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn chẳng còn nhiều, nhưng người ta vẫn tìm về rừng, để được chở che, để được ban phát lộc ân…
Nam Tây Nguyên mùa này hanh hao đến rộc người, nóng rẫy, khắc khoải cạn lòng chờ đợi những cơn mưa. Tháng 3 cũng là “mùa ăn rừng”, dù những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn chẳng còn nhiều, nhưng người ta vẫn tìm về rừng, để được chở che, để được ban phát lộc ân…
Ngồi trên đỉnh Đạ Bin khô khốc (vùng giáp ranh giữa Đạ Tẻh và Đạ Huoai), nắng quất vào da khét lẹt, ánh mắt Luận vô định nhìn về những cánh rừng khoanh nuôi ít ỏi còn sót lại, thở dài: Bây giờ kiếm miếng ăn từ rừng cực lắm!
|
Mùa này người ta đi rừng như trảy hội |
Vật vã tìm mật ong
Tháng 3 Tây Nguyên, mùa ong bắt đầu tìm về rừng làm mật sau những ngày di trú trốn mưa, cũng là những ngày bận rộn của Luận, Cảnh, Hưng - những người “ăn rừng” đúng nghĩa.
Theo dấu ong rừng từ ngày đầu mùa, Luận than thở: Ong thì hiếm, người bắt thì nhiều, may ra thì kiếm được một tổ chừng 5-7 lít, chia nhau, chắc cũng đủ tiền chợ vài ngày.
Trong cuộc kiếm tìm khó nhọc, lại phải vướng víu “đèo bòng” thêm những kẻ nghiệp dư như chúng tôi, đi ít - hỏi nhiều, nên Luận như bị “động chạm”. Câu chuyện của anh gần như là những ký ức tốt đẹp của những ngày không gần với hiện tại.
11 tuổi đã vào rừng tìm mật, 30 năm trong nghề “săn” ong rừng, Luận tự hào, gần như anh biết từng góc rừng, từng đặc tính của ong. Chỉ cần dừng lại bên suối, nhìn ong bắt nước là anh biết hướng ong bay về tổ. “Mật ong rừng mùa này là ngon nhất, bởi hoa rừng nở rộ, mật lại được kết tinh từ nhiều thành phần, chút ngọt lành của nước suối, cả chút mặn mồ hôi của những người đi rừng nữa”, anh phân tích với sự tích lũy của một người từng trải.
Trong câu chuyện được mất của Luận, chúng tôi biết, anh đã từng sống khỏe vì rừng, vì ong. Mỗi ngày (cũng là những ngày xưa), anh có thể bắt được vài tổ với vài chục lít, cuộc sống chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Hết tiền, vào rừng, nghỉ ngơi, tận hưởng, hết tiền… lại vào rừng. Phiên khúc ấy vẫn ngọt ngào, cho đến những ngày rừng cạn kiệt, nhường chỗ cho điều, mì, cà phê, cao su mọc tràn vô tội vạ lên những triền đồi.
Trẻ hơn Luận, nhưng Cảnh cũng là dân có “số má” trong giới săn ong rừng ở khu vực ba huyện phía nam. Anh nói: Ngày xưa, mùa ong, mỗi ngày vào rừng kiếm được vài ba triệu là chuyện nhỏ. Bây giờ đi hai, ba ngày may ra tìm được một tổ, kiếm được vài lít là mừng lắm rồi. “Không có tiền, mật kiếm được gần như quy đổi sang cơm áo, nên nghèo vẫn nghèo”, Cảnh chua chát nói.
Hành trình đi tìm dấu ong rừng với chúng tôi lại là một câu chuyện khác, câu chuyện về những cánh rừng Tây Nguyên phồn sinh, về những ngày xưa, về những mảnh đời cơ cực, về cơm áo thường nhật bộn bề lo toan. Và gần hơn là mỗi ngày ra chợ, 100 ngàn đồng chẳng mua nổi ký thịt.
Chúng tôi thích cái cách mà những người “ăn rừng” chuyên nghiệp như Cảnh và Luận lấy mật ong. Họ không bao giờ cắt tổ, khi đốt đuốc khói trèo lên, họ chỉ cắt túi mật, để lại phần cuống tổ, cho ong tiếp tục ở lại, tiếp tục sinh sôi. Giữa rừng, có lẽ họ nói thật: Làm thế, để cả người lẫn ong không vướng vào tội phá rừng.
Rời rừng buông về thị trấn Đạ Tẻh, mật ong rừng được rao bán với giá từ 500 - 700.000đ/lít, đổ xô người mua, nhiều lúc chẳng có mật mà bán. Thật giả lẫn lộn, chỗ chúng tôi vừa đến, nơi những cánh rừng ít ỏi còn sót lại, mùa này dường như ong ít về làm tổ.
“Lộc rừng” đã hết?
Tháng 3, mùa này rừng không chỉ có ong. Giữa rừng, chúng tôi vẫn nghe những tiếng hú, âm thanh định vị phương hướng của những người đi rừng vọng lại. Đâu đó, giữa những vạt rừng thấp, bên những đường mòn lại gặp từng tốp ba, bốn người, họ cũng như chúng tôi, đạp rừng mà đi trong mùa Tây Nguyên hanh hao. Câu chuyện vội, giữa những miếng nước mát lạnh trong các chai đông đá, hoặc gói mì nấu bằng nước suối với lá bép chỉ đơn giản là “hôm nay ấm không? mấy lít? kiếm được gì thêm không?”.
Ở những cánh rừng giáp ranh Đạ Tẻh - Đạ Huoai, người ta đi rừng mùa này như trảy hội, chẳng phải mùa ăn chơi của tháng giêng hai mà là mùa sống, mùa giáp hạt đợi những cơn mưa về.
“Chẳng cứ phải ong, cứ lên rừng là có tiền, là có gạo”, Hưng - một người mới “ăn rừng”, đang còn thiếu chuyên nghiệp (như lời em nói) chắc chắn với chúng tôi.
Bất chợt gặp giữa một đường mòn, Quang - người xã Đạ Pal (Đạ Tẻh) nói: Hôm nay đói, chẳng bù cho hôm qua kiếm được 3 tổ, được hơn 10 lít. Nhưng bù lại kiếm được hơn chục ký hèo, cũng được”.
Trái hèo, một dáng quả thuộc họ mây, đang lên cơn sốt ở ba huyện phía nam, được thương lái thu mua ồ ạt với giá từ 180 - 220.000đ/kg. Người đi lấy cũng chẳng biết chúng có công dụng gì, theo lời của nhiều người thì hình như chúng được xuất sang Trung Quốc làm chiếu, trái này giúp người nằm giảm mỏi đau cơ, xương khớp. Cũng theo lời Quang thì, chẳng cần gặp ong, chỉ cần gặp bụi hèo lớn vài chục ký cũng đủ ăn tiêu cả tuần.
Với chúng tôi, giữa rừng, lo tránh được những bụi gai, cây đổ đã là kỳ tích, còn lại tất cả các loài cây đều từa tựa giống nhau. Chốc chốc, Cảnh lại nhổ một rễ cây lên nói, đây là sâm cau, chịu khó nhổ, ngày kiếm được ký cũng đã có tiền. Hình như với những người lội rừng thường xuyên như anh, bất cứ thứ gì từ cây cỏ trong rừng đều có giá trị thì phải, chúng tôi hồ đoán vậy.
Khi mồ hôi túa ra, chân nặng như đeo đá, lết từng bước qua những lùm cây chằng chịt, chúng tôi thấy hình như sâm cau, trà rừng, trái hèo… cũng chẳng có nhiều thì phải. Để kiếm được một kg, được vài trăm ngàn chắc không hề dễ.
|
Một tổ ong rừng đã bị lấy mất phần mật |
Về đâu khi rừng đã chết
“Thôi về làm vườn cho chắc, hết kiếm được từ rừng rồi!”. Luận buông xuôi nói với chúng tôi, khi hai ngày trời chỉ được đúng một tổ ong đã bị cắt mất phần mật.
Chợt nhớ lời anh nói ngay từ ngày đầu chấp nhận cho hai kẻ nghiệp dư nhập bọn. “Rừng còn nhiều vắt không” - dân thành thị nửa mùa lo sợ, Luận cười bông lơn: Vắt bây giờ còn hiếm, huống hồ là ong. Thú thì hết rồi, bẫy giăng đầy ra đấy, có thấy con nào dính đâu. Theo anh thì có thú rừng, vắt mới có đất sống, không chúng lấy gì để sinh trưởng. Khái niệm không hề có tí luận điểm khoa học nào trong đó để chứng minh cho mệnh đề trên được Luận giải thích bằng kinh nghiệm, bằng sự từng trải, giật mình nghĩ lại, có lẽ đúng thật.
Với những người nghèo như Luận, Cảnh, Hưng… những người phải sống dựa vào rừng (không phải mức độ của những kẻ phá rừng manh mún hoặc có tổ chức) thì khái niệm biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường sinh thái của những nhà khoa học thực sự xa vời và họ cũng chẳng cần bận tâm lắm để làm gì (?!).
Cảnh có 3 mẫu đất khai hoang của cha mẹ để lại, anh đã bắt đầu trồng điều, xen vào đó một chút dâu cho vợ con nuôi tằm lấy kén. Hưng thì mới ra ở riêng, đất vài sào mới cắm rễ tiêu. Luận thì mùa này vẫn 3 ngày lo nước tưới, còn lại mới lên rừng khỏi sinh tật nông nhàn. Gần như những con người chúng tôi quen trong chuyến đi rừng ấy, họ di trú trong “mùa ăn rừng” theo một thói quen.
Phiên khúc tháng 3
Cảnh rủ Hưng: trước khi về với rẫy vườn, đi chuyến nữa trong mùa ong này mày ạ. Phải đi xa, nghe đâu bên Gia Lai, Đắk Nông, ong nhiều lắm, mà bên đó không có ai lấy… Lời Cảnh xa hun hút, rơi vào rừng chiều.
Rừng ở đâu mà còn nhiều nữa (?!).
Tôi và anh bạn, tạm biệt mùa tháng 3 - Mùa ong đi lấy mật. Mùa sau? Chắc có lẽ còn lâu lắm mới quay trở lại. Mùa này, hình như ong đã ít làm tổ hơn thì phải.
Quà mang về phố thị là vài khúc trà rừng chặt được gói như bó củi, chiếc roi mây mang về dạy (dọa) con, mấy đọt mây nướng đãi đằng bè bạn… Chẳng biết có mang tội phá rừng không nữa.
Phóng sự: Tuấn Linh - Hữu Sang