Nghệ nhân K'Brel góp sức lưu giữ văn hóa truyền thống

10:04, 09/04/2015

Những năm qua, đồng bào DTTS thôn Kròt Dờng nói riêng và xã Bảo Thuận (Di Linh) nói chung không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, mà còn chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng thôn, buôn ngày càng giàu đẹp. 

Những năm qua, đồng bào DTTS thôn Kròt Dờng nói riêng và xã Bảo Thuận (Di Linh) nói chung không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, mà còn chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng thôn, buôn ngày càng giàu đẹp. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò của các già làng, trưởng bản và những nghệ nhân trên địa bàn xã. Nghệ nhân K’Brel (thôn Kròt Dờng) là một trong những người góp sức lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Ông K’Brel với Bằng chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng
Ông K’Brel với Bằng chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng

Thôn Kròt Dờng có hơn 110 hộ, chủ yếu là bà con DTTS gốc Tây Nguyên. Cùng với việc chăm lo phát triển sản xuất thì người K’Ho Sre nơi đây vẫn duy trì các lễ hội và nghề đan lát truyền thống của tổ tiên. Tuy nhiên, hiện nay, ở trong thôn, số người biết đan lát, biết nghệ thuật đánh và diễn tấu cồng chiêng không còn nhiều. Vì vậy, những năm qua, nghệ nhân K’Brel cùng với các già làng, trưởng thôn và người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các dịp lễ hội cũng như trong cuộc sống thường ngày, ông thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi, động viên những người lớn tuổi luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu biết gìn giữ các ngành nghề và văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 
 
Nghệ nhân K’Brel cho biết: “Cũng như một số DTTS khác, văn hóa truyền thống của người K’Ho Sre cũng đã bị mai một, có một thời gian khá dài bà con không duy trì tổ chức lễ hội truyền thống. Là một trong số những người am hiểu và đam mê với nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, những năm qua, tôi cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con cần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là với thế hệ trẻ hôm nay”.
 
Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ nhân K’Brel còn vận động bà con cần thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động bà con có ý thức trong việc chăm lo học tập, nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm được bình yên. “Trước hết mình phải là người làm trước, phải dạy cho con cháu mình biết cồng chiêng, nghề đan lát, mình phải làm gương cho bà con noi theo” - Nghệ nhân K’Brel cho biết thêm.
 
Không những thế, ông còn vận động bà con mạnh dạn đầu tư phân bón, sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để phát triển kinh tế, xóa được đói, giảm được nghèo… Nhờ đó, đến nay, nhiều người dân trong thôn, xã đã ý thức được trong việc phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Ông K’Bril, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, nhận xét: “Nghệ nhân K’Brel là người rất năng nổ và nhiệt tình với cuộc sống cộng đồng, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn xã bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
 
Ngoài ra, nghệ nhân K’Brel cũng là một trong những nhân tố có những đóng góp tích cực trong việc vận động, hướng dẫn và truyền dạy cho thanh niên biết đánh cồng chiêng; tích cực tham gia các lớp truyền dạy, sử dụng cồng chiêng; tham gia các lễ hội văn hóa được tổ chức tại địa phương cũng như trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên… Với những đóng góp của mình, năm 2012, ông K’Brel đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng công nhận là nghệ nhân cồng chiêng của tỉnh.
 
NDONG BRỪM