Nghĩa tình người đưa khách qua sông

08:04, 22/04/2015

"Nếu như không có ông Xuân chèo con đò nhỏ đưa tụi nhỏ qua bên kia sông học tập gần 20 năm trước, thì bây giờ chẳng biết con tôi có được trưởng thành như bây giờ hay không.

“Nếu như không có ông Xuân chèo con đò nhỏ đưa tụi nhỏ qua bên kia sông học tập gần 20 năm trước, thì bây giờ chẳng biết con tôi có được trưởng thành như bây giờ hay không. Không chỉ có tôi, mà nhiều gia đình khác ở thôn Hà Lâm nghèo khó xa xôi này nói riêng, ở xã Liên Hà nói chung đều mang ơn ông ấy. Nếu gần 20 năm trước, con đò nhỏ của ông “chở con chữ” thì bây giờ, chiếc phà Xuân Diệu lại chở “kinh tế” góp phần xóa đói giảm nghèo. Không những thế, chiếc phà rút ngắn quãng đường gần 100km từ Liên Hà đi Di Linh”, bà Nguyễn Thị H. người dân thôn Hà Lâm chân thành cho biết.
 
Khách qua sông tại phà Xuân Diệu đều được mặc áo phao cứu hộ
Khách qua sông tại phà Xuân Diệu đều được mặc áo phao cứu hộ

Năm 1972 tham gia quân đội, phục viên về quê Nam Định sinh sống năm 1980, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, năm 1998, ông Nguyễn Văn Xuân đưa gia đình vào thôn Hà Lâm, xã Tân Hà (nay là xã Liên Hà), huyện Lâm Hà lập nghiệp. Ở vùng quê mới, thấy con em trong thôn, trong đó có cả các con của mình không có trường để học, trong khi phía bên kia sông Đồng Nai, là xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, (nay được tách ra thành xã Tân Lạc) có trường lớp đầy đủ, ông Xuân quyết định đóng một chiếc thuyền nhỏ chở các cháu sang bên kia sông đến trường. Lúc đầu, con thuyền nhỏ của ông cũng chỉ chở vài ba học sinh. Thế nhưng, trong nhiều năm hành nghề, đã có biết bao học sinh và người dân thôn Hà Lâm qua lại trên những chuyến đò ngang đầy nghĩa tình của ông và trong số đó, giờ đã có những học sinh đỗ đạt, đang công tác, làm ăn ở xa, nhưng vẫn luôn nhớ về những chuyến sang ngang trên con thuyền nhỏ của người cựu chiến binh năm xưa. Từ tự phát ban đầu, sau bao nhiêu năm chèo thuyền chở khách sang sông, bến đò ông Xuân đã trở nên quen thuộc, thân thiết và cần thiết với người dân trong thôn, trong xã. Vì vậy, đến năm 2002, UBND xã Liên Hà, rồi đến năm 2012 UBND huyện Lâm Hà đã chính thức cấp giấy phép hành nghề chở khách sang sông Đồng Nai cho ông Nguyễn Văn Xuân. Sau khi được cấp giấy phép hành nghề, hàng năm ông đều đầu tư kinh phí tôn tạo bến bãi và nâng cấp thuyền để đảm bảo an toàn cho hành khách sang sông. Đặc biệt, trong năm 2013, 2014, sau khi công trình thủy điện Đồng Nai 2 ngăn đập, chặn dòng, tích nước lòng hồ, thì con sông Đồng Nai rộng hơn 50m trước đây, trở thành con sông rộng lớn trên dưới 1km, bến thuyền ngày xưa, cùng với nhà cửa của nhiều hộ dân, trong đó có cả nhà của ông Nguyễn Văn Xuân cũng bị chìm trong lòng hồ. Với lòng sông rộng lớn như vậy, không thể chở khách qua sông bằng con thuyền gỗ nhỏ, mong manh và bến thuyền chật hẹp, xuống cấp. Từ suy nghĩ đó, ông Nguyễn Văn Xuân quyết định dùng toàn bộ số tiền được đền bù nhà cửa bị ngập trong lòng hồ và vay thêm bạn bè, đầu tư gần 800 triệu đồng để mua một chiếc ca nô hiện đại, với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ như áo phao cứu sinh, còi hú, phao chống lật ca nô… mở đường đất, đường cấp phối rộng rãi, bằng phẳng xuống bến, xây dựng nhà chờ thoáng mát, làm trên 300m đường bê tông xi măng từ bến lên đường chính phía địa phận xã Tân Lạc. Đồng thời với việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc đưa khách sang sông, ông Xuân cũng cho con trai là Nguyễn Văn Diệu đi học lớp đào tạo thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa, được cấp bằng lái, Giấy hành nghề đường thủy và được Chi cục Đăng kiểm số 5 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, đồng thời Sở GTVT Lâm Đồng cũng cấp giấy phép hoạt động bến khách với nội dung: Cho phép ông Nguyễn Văn Diệu mở bến sang sông: Bến Xuân Diệu.
 
Anh Nguyễn Xuân Diệu ngày ngày chạy ca nô chở khách sang sông, trong đó chủ yếu là chở bà con nông dân 2 xã Liên Hà (Lâm Hà), Tân Lạc (Di Linh) qua lại con sông Đồng Nai để làm vườn hay những công việc khác một cách thuận lợi. Từ đó, tình cảm của cha con ông Xuân với con đò, bến nước và hành khách qua sông ngày càng thêm sâu đậm. Ngược lại, tình cảm của bà con trong thôn Hà Lâm, trong xã Liên Hà và cả những người xa lạ có nhu cầu qua sông Đồng Nai đối với cha con ông Xuân cũng không kém phần “tình nặng, nghĩa sâu”.
 
Thế nhưng, điều đáng buồn là thời gian vận hành bến Xuân Diệu chưa lâu, thì thời gian gần đây có ông Đặng Hữu Khuyến, người cùng thôn Hà Lâm, xã Liên Hà, không có giấy phép hành nghề, không có bến bãi, cũng không được đào tạo nghề lái ca nô… nhưng lại ngang nhiên đóng đò ra tranh chấp đưa khách qua sông Đồng Nai, ngay tại bến do ông Nguyễn Văn Xuân đầu tư xây dựng. Trước sự ngang nhiên đó, ông Nguyễn Văn Xuân làm đơn trình báo Sở GTVT Lâm Đồng và được Sở này kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hành nghề trái phép của ông Đặng Hữu Khuyến. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, hiện nay ông Đặng Hữu Khuyến được cấp giấy phép hành nghề, đăng kiểm an toàn phương tiện ca nô và vào ngày 20/5/2015, ông Nguyễn Văn Toàn - chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái lại đến yêu cầu cha con ông Nguyễn Văn Xuân “nhượng bộ” để cho ông Đặng Hữu Khuyến cùng khai thác bến đò Xuân Diệu, tuần 3 buổi. Đương nhiên, cha con ông Nguyễn Văn Xuân không đồng ý, bởi lẽ: Cha con ông đầu tư đường đi, bến bãi, phương tiện gần cả tỷ đồng, nay lại cho cha con ông Đặng Hữu Khuyến “tay không” vào hưởng lợi, trong lúc lượng khách qua sông không nhiều, giá vé chỉ 10.000 đồng/người/lượt, chẳng biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn. Nghĩa tình của cha con ông đối với người dân trong vùng qua bến đò ngang sang sông Đồng Nai 2 này đã quá sâu đậm gần 30 năm nay, đó là cả tấm lòng và như một phần cuộc đời của người cựu chiến binh này.
 
Hoàng Đại Huynh