Bước chân vào An Bang, nơi được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ" giữa biển Đông, hiện lên một màu xanh mướt của cây bàng vuông, cây tra và những vườn rau.
“Mát tay” trên vườn
Bước chân vào An Bang, nơi được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ” giữa biển Đông, hiện lên một màu xanh mướt của cây bàng vuông, cây tra và những vườn rau.
Giới thiệu khắp lượt các vườn rau trên đảo, thiếu tá Đặng Ngọc Nam - Chỉ huy trưởng đảo An Bang kể: “Năm 2011, khi tôi bắt đầu nhận công tác ở đảo An Bang, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt và anh em chưa có kinh nghiệm, nên việc tăng gia không hiệu quả mấy, có khi chăm bẵm cả tháng trời, qua một đêm biển động, sóng đánh tả tơi chẳng còn gì, xót xa lắm! Bởi vậy, chỉ huy đảo rất chú tâm vào việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho anh em, bởi “còn người còn đảo””.
Sau quá trình nghiên cứu, thiếu tá Nam quyết định chuyển đổi mô hình trồng rau trên đảo qua trồng muống nước và bầu bí. Rau muống sau mỗi đợt cắt chỉ cần bảy, tám ngày sau đã có thêm lứa rau mới để ăn. Cứ cắt đến cuối vườn, thì đầu vườn đã có thể cắt lượt mới. Muống nước được trồng trong những thùng nhựa đặt san sát vào nhau. Việc trồng như vậy vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả cao, đồng thời rất thuận lợi để mang “rau chạy” khi có mưa gió bất ngờ.
|
Chiến sỹ đảo An Bang chăm vườn rau tăng gia |
Bãi cát trước đảo An Bang vẫn xoay đều như quy luật của tạo hóa, khi quay về lại chỗ cũ cũng là lúc một năm trôi qua. Gắn bó với An Bang ba mùa cát xoay đủ để người chỉ huy này hiểu rõ sóng và gió. Gió hướng nào sóng hướng đó, mỗi đợt gió to, vườn rau lại được “chạy” ẩn nấp. Những mái nhà lúc này trở thành màn chắn vững chắc bảo vệ rau xanh. Những ngày mưa gió kéo dài, vườn “rau chạy” được sắp xếp ở các hành lang. Mô hình này đã được đảo An Bang thực hiện rất hiệu quả và truyền thêm kinh nghiệm cho các đảo khác.
Trung úy Trần Ngọc Khôi - Trợ lý thông tin trên đảo An Bang cho biết: “Gió mưa tới bất ngờ, áo quần chưa kịp cất, ướt cũng mặc, tất cả anh em đều dồn sức đưa rau chạy, lùa heo gà vào chuồng. Đến lúc vào nhà ai cũng ướt mèm, nhưng đều vui vì rau an toàn”.
Còn đối với các loại rau củ khác, ngoài lượng xơ dừa từ đất liền quân chủng cấp phát, chỉ huy đảo An Bang còn tự đặt mua thêm từ trong đất liền bằng nguồn quỹ của đảo, tiến hành ủ kỹ xơ dừa với nước tiểu của heo trong vòng 3 tháng để diệt hết mầm sâu bệnh. Đồng thời tận dụng nước giải của heo pha loãng 20 - 30% với nước ngọt để làm nước tưới rau. Phân heo gà và lá cây, rác phân hủy anh em tiến hành đốt, ủ kỹ làm phân bón, làm bồn cho rau. Tất cả cán bộ, chiến sỹ được quán triệt, tận dụng tối đa nước thải sinh hoạt làm nước tưới cho rau.
“Chỉ huy đảo luôn quan tâm chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng thời điểm để anh em đơn vị đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tăng gia. Mỗi lần mưa xong anh em phải ra tát bớt nước trong bồn kẻo rau thối rễ, tăng cường bắt sâu bọ thủ công để rau sạch và tươi tốt. Muốn rau phát triển phải có giống tốt, chỉ huy đảo chỉ đạo tập trung chăm sóc kỹ một vài bồn trọng tâm để từ đó nhân rộng giống”, bác sỹ Lê Hải Nam - Bệnh xá trưởng bệnh xá đảo An Bang tâm sự.
“Kỹ sư” chăn nuôi
Ở An Bang, “bức tranh” chăn nuôi khá sinh động, heo thoải mái rong chơi trước bãi cát, chim hót dưới mái hiên, còn chó thì an lành ngủ dưới gốc cây bàng vuông. Không phải ngẫu nhiên mà có được cảnh tượng bình yên ấy, đó là kết quả nỗ lực tăng gia của anh em trên đảo và tất nhiên không thể thiếu chỉ huy Nam.
Trò chuyện với chúng tôi, các y bác sỹ ở Bệnh xá An Bang tiết lộ: “Thiếu tá Nam mát tay lắm, đã đỡ thành công cho rất nhiều “ca sinh” của các “thế hệ” heo trên đảo. Bây giờ heo giống cũng như heo thịt anh nhớ từng con và khám bệnh rất sành”.
Thiếu tá Nam không giấu nổi nụ cười khi kể về ca “đỡ đẻ” đầu tiên cho chú heo giống mang về từ Trường Sa lớn năm 2011. Anh bảo: “Từ ngày heo mang bầu mình cứ điện về nhà hỏi mẹ cách chăm heo, rồi lúc nó sinh mình vừa gọi cho mẹ, vừa bảo anh em gọi ra Viện Thú y Nha Trang hỏi cách cắt dây rốn mà mồ hôi vã ra như tắm”. Các chiến sỹ trên đảo An Bang kể, những lần heo sinh, chỉ huy Nam trằn trọc suốt, cứ đi qua đi lại xem heo con thế nào. Nhất là những ngày biển động, thiếu tá Nam bảo anh em che chắn, đốt lửa cho heo sưởi, tránh để heo bị gió. Đến nay, qua bao lần “đỡ đẻ”, đàn heo của An Bang đã lên đến gần 50 con các loại. Cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân vẫn thường gọi đùa thiếu tá Nam là “bà đỡ mát tay”.
Trong chuyến thăm của đoàn công tác cuối năm 2014, đại tá Bùi Hải Phước, Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân đã rất vui mừng khi nhận thấy sự đổi thay của An Bang, đồng thời đại tá cũng chúc mừng và khen ngợi thiếu tá Nam về dự án và thành quả đạt được trong việc gây dựng thương hiệu “Heo An Bang” - đảo cấp 3 duy nhất hiện nay nuôi được heo.
Trong năm 2014, An Bang đã thu hơn 5.000kg rau, đậu; hàng ngàn kg bầu, bí, mướp mỗi năm, hơn 1.300kg cá, gần 2.000kg thịt các loại, vượt chỉ tiêu cấp trên giao và mục tiêu xác định đầu năm của đảo, góp phần nâng cao đáng kể đời sống anh em trên đảo. Đảo bảo đảm được nguồn con giống heo, gà, vịt. Có lẽ vậy mà đoàn kiểm tra toàn diện của Vùng 4 Hải quân đã đánh giá kết quả tăng gia ở An Bang hiệu quả nhất trong quần đảo Trường Sa.
Ngọc Ngà