Nha địa dư và những đêm không ngủ

08:04, 17/04/2015

40 năm trước, khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, Sài Gòn rợp bóng cờ, hoa, ảnh Bác. Làm nên không khí ấy có một phần đóng góp của Nha địa dư. 

40 năm trước, khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, Sài Gòn rợp bóng cờ, hoa, ảnh Bác. Làm nên không khí ấy có một phần đóng góp của Nha địa dư. 
 
Niềm vui ngày trở lại
 
Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, quân, dân Đà Lạt kiên cường trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, quyết tâm giữ gìn những công trình quan trọng như Trung tâm nghiên cứu nguyên tử, Trường sỹ quan Võ bị Đà Lạt và đặc biệt là Nha địa dư -  công trình có vị trí vô cùng quan trọng mà địch có ý định đặt mìn, bộc phá để phá hủy trước khi tháo chạy. Nhờ vậy mà cơ ngơi trắc địa - bản đồ hiện đại với hệ thống thiết bị chế bản hoàn chỉnh; kho tư liệu có phim tách màu và khối lượng lớn bản đồ từ Nam vỹ tuyến 17 trở vào… ở Nha địa dư vẫn an toàn. Một số nhân chứng (nguyên cán bộ chuyên trách nắm  cơ sở Nha địa dư của tỉnh Tuyên Đức trong những năm 1970 - 1975) đã kể lại: Đêm địch rút chạy cũng là đêm Tổ công tác vũ trang chuyên trách Nha địa dư cùng nhiều tổ công tác vũ trang khác được phân công vào thành phố Đà Lạt để nắm bắt cơ sở tổ chức đấu tranh chống địch phá hoại. Trên đường đến Nha địa dư, Tổ công tác may mắn gặp được ông Bửu Đồng và một vài công nhân đang lo lắng cho số phận của mình và nhà máy (nơi họ đã gửi gắm công sức trong nhiều năm). Sau khi được tổ công tác tuyên truyền chỉ thị của Tỉnh ủy về việc giữ gìn, bảo quản Nha địa dư để sản xuất bản đồ và các chế phẩm khác phục vụ cách mạng, anh em rất vui mừng, vội vàng đến từng nhà vận động các công nhân quay lại Nha địa dư làm việc. Ông Phan Văn Lâm - phụ trách công việc nội bộ, phân công canh gác bảo vệ đơn vị ở thời điểm đó kể lại: Sáng ngày 1/4/1975, trên 40 người tập trung đến Nha địa dư, mỗi người làm một việc chuyên môn. Ngày ấy, khi cờ giải phóng rạng rỡ tung bay trước cổng Nha địa dư, ai cũng tự hào, phấn khởi, nhưng cũng nơm nớp lo sợ máy móc bị phá hoại hỏng hóc. Khi vào kiểm tra thấy thực phẩm, đồ dùng trong căn tin không còn gì, nhưng ở trong nhà máy mọi thứ vẫn còn nguyên, một cây bút chì cũng không mất, ai cũng vui mừng đến ngộp thở. Anh chị em công nhân sung sướng khi biết rằng, mình sẽ được làm việc phục vụ cách mạng.
 
Ông Lâm kể tiếp, sáng 2/4/1975, hai cán bộ cách mạng của tỉnh đến gặp ông Bửu Đồng và ông Lâm yêu cầu tổ chức in gấp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách của Mặt trận đối với vùng mới giải phóng để phục vụ cho ngày toàn tỉnh được giải phóng. Đó là những ngày Đà Lạt vừa được giải phóng, nhưng đêm nào anh em công nhân cũng ôm chăn chiếu xuống cơ quan thay nhau thức làm việc.
 
Nha địa dư, nay là Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt. Ảnh: Trương Ngọc Thụy
Nha địa dư, nay là Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt. Ảnh: Trương Ngọc Thụy

Tất cả cho ngày chiến thắng
 
Ông Nguyễn Ấn - người phụ trách bộ phận biên vẽ lúc bấy giờ kể lại: Ngày ấy nhà máy tổ chức sản xuất 3 ca, mở hết công suất máy, in xong 3.000 tập tài liệu, 15.000 lá cờ và 10.000 ảnh Bác Hồ trong hai ngày, kịp thời phân phát cho các đoàn thể và nhân dân sử dụng trong ngày mừng chính quyền cách mạng vào tiếp quản thành phố và ngày toàn tỉnh được giải phóng (3/4/1975).
 
Ông Nguyễn Văn Thìn - Phó quản đốc phân xưởng chế in lúc ấy cho biết thêm: Khi cán bộ của Ban quân quản thành phố Đà Lạt cử người xuống quản lý, chỉ đạo việc in ấn bản đồ quân sự Sài Gòn - Gia Định theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh miền; với con người và cơ sở vật chất có sẵn tại Nha địa dư, đặc biệt là các âm bản đồ đã có sẵn, anh em công nhân cùng sản xuất suốt ngày đêm để đảm bảo theo yêu cầu trên giao. Ngày 6/4/1975, Nha địa dư đã gửi vào cho Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh 1.500 bộ bản đồ tỷ lệ 1/100.000 khu vực Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long An… Những ngày sau đó Nha địa dư tiếp tục in ấn ảnh Bác Hồ, cờ giải phóng, tài liệu tuyên truyền với nhiều kích cỡ, sẵn sàng phục vụ quân giải phóng tiến vào tiếp quản các thành thị miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, Nha địa dư cũng khẩn trương khai thác trang thiết bị sản xuất bản đồ tỷ lệ 1/25.000 (hiện rất cần cho bộ đội cấp chiến thuật) tác chiến trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
 
Ảnh: Thuỵ Trang
Ảnh: Thuỵ Trang

Ông Đặng Văn Thông - thợ chụp hình tại Nha địa dư lúc đó, nay vẫn chưa quên những ngày tháng khí thế cách mạng trào dâng khắp nơi, cán bộ, công nhân nhà máy vẫn tăng cường thay ca, đổi kíp sản xuất bất kể đêm hay ngày để làm sao cho ra những sản phẩm kịp thời phục vụ quân và dân miền Đông Nam Bộ chiến đấu. Anh em ai cũng phấn khởi, trách nhiệm, làm việc như ngày hội, bởi ai cũng mong ngày cả nước rợp cờ chiến thắng. Ngày 26/4/1975, khi các binh đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chuẩn bị tiến công tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn để tiến công vào sào huyệt của địch, công nhân Nha địa dư cũng như “chạy đua” với thời gian để có hàng ngàn tờ bản đồ tỷ lệ 1/25.000, hàng chục nghìn tấm ảnh Bác và cờ giải phóng với nhiều tỷ lệ để kịp chuyển đến tay cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Sài Gòn, tất cả sẵn sàng cho ngày chiến thắng. 
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng ngày 30/4/1975. Trong thắng lợi vỹ đại đó, cán bộ, công nhân viên Nha địa dư có thể tự hào bởi mặc dù mới làm công dân tự do chưa đầy một tháng, nhưng công nhân viên Nha địa dư đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thử thách, chung lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất bản đồ và các sản phẩm văn hóa khác phục vụ kịp thời cho lực lượng vũ trang chiến đấu, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. 
 
Phát huy truyền thống vốn có, Nha địa dư nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt đang ngày càng phát triển và trưởng thành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn mới.
 
Ngọc Ngà