Những "bông hoa" trong "vườn hoa" hiếu học

08:04, 15/04/2015

Từ phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Di Linh đã góp phần hình thành một "vườn hoa" hiếu học với nhiều "bông hoa" tiêu biểu

Sáng ngày 27/12/2013, Hội Khuyến học huyện Di Linh đã tổ chức Lễ tuyên dương 197 gia đình hiếu học tiêu biểu trong toàn huyện; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho 9 cán bộ, giáo viên; trao bằng khen, giấy khen của Hội Khuyến học và UBMTTQ các cấp, giấy khen của UBND huyện cho những tổ chức Hội, những dòng họ, hội đồng hương… đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Đây là lần thứ 5 kể từ ngày thành lập, Hội Khuyến học huyện tổ chức tuyên dương. 
 
Từ phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Di Linh đã góp phần hình thành một “vườn hoa” hiếu học với nhiều “bông hoa” tiêu biểu: 
 
Gia đình anh Trần Trung Thực (thôn 18, xã Hòa Bắc): 
 
Quê gốc ở Thanh Hóa, sau khi xuất ngũ, năm 1994, gia đình anh Trần Trung Thực vào thôn 18 (xã Hòa Bắc) để lập nghiệp. Thời gian đầu trên quê mới quá nghèo và hơi đông con, nên không có sự lựa chọn nào khác, là vợ chồng anh quyết chí khai phá đồi hoang cỏ dại, vừa trồng các loại cây ngắn ngày để lo cái ăn trước mắt, vừa trồng cà phê để lo cuộc sống lâu dài. Với bản chất người lính Cụ Hồ, khó khăn không làm anh nản lòng, dần dần anh có được trong tay 4,5ha cà phê. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mua sắm các phương tiện cơ giới để sản xuất, thâm canh, nên hàng năm gia đình thu được bình quân 18 tấn cà phê/năm và trở thành một gia đình khá giả ở thôn 18.
 
 “Cho dù lúc ban đầu gặp khó khăn hay khi đã khá giả, lúc nào vợ chồng tôi cũng động viên, khuyên bảo các con phải cố gắng học tập. Và, chỉ có học thì mới nên người, mới thoát được cảnh nghèo” - Anh Thực nói với tôi như thế và qua lời anh kể, cả 4 đứa con của anh, đứa nào cũng chăm ngoan và học giỏi. Con gái đầu của anh (sinh năm 1985) hiện là thạc sĩ kinh tế, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Con trai thứ 2 đã học xong Học viện Quân y (7 năm), tốt nghiệp đạt loại giỏi. Con trai thứ 3 đang học năm cuối tại Học viện Quân y. Con trai út hiện đang học năm thứ 3 Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ phấn đấu tốt, 3 con đầu của anh đã được kết nạp vào Đảng CSVN. 
 
Gia đình anh Mo Ock Brai (thôn Di Linh Thượng 2, xã Gung Ré): 
 
 Đều sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tây Nguyên này, vợ chồng anh Mo Ock Brai rất am hiểu cuộc sống của đồng bào DTTS từ bao đời, nên cùng ý nguyện là chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt. Vợ chồng anh không giàu, chỉ ở mức sống trung bình với nguồn thu nhập dưới 100 triệu đồng/ năm từ 6 sào cà phê và làm thêm những công việc khác, nhưng rất quan tâm đến việc học hành của 2 con. Anh Mo Ock Brai cho tôi biết về kinh nghiệm của anh: “Muốn con mình học giỏi thì ngoài việc các con phải tự lo, bố mẹ cũng phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, nhắc nhở và định hướng cho chúng từ lúc còn nhỏ”. Điều mà vợ chồng anh khá toại nguyện, là đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học và con thứ 2 hiện đang học năm thứ 2 tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. 
 
Gia đình chị Tạ Thị Hằng (thôn 6, xã Hòa Trung):
 
Cuộc sống của gia đình chị Tạ Thị Hằng trở lại khó khăn và hiện thuộc hộ cận nghèo kể từ khi chồng bị tai nạn (gãy chân). Mọi gánh nặng chị phải lo toan thay chồng để trang trải cuộc sống hàng ngày lo cho 3 con ăn học. Ước mơ của vợ chồng chị là mọi giá cũng phải lo cho các con ăn học thành đạt, nhưng có những lúc chị tưởng chừng không thể làm được. Gia đình có 1ha cà phê và “gánh” thêm công việc Chi hội trưởng Nông dân, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 6, nhưng chị Hằng vẫn đảm đang, chu toàn việc nhà và việc thôn xóm, được xã Hòa Trung bình chọn là “Gia đình hiếu học”. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch gần 4 tấn cà phê nhân, là khoản thu nhập chủ yếu để lo các con ăn học. Điều mà chị cảm thấy hạnh phúc nhất là các con đều ngoan, chăm học. Hai con đầu của chị đã tốt nghiệp đại học, hiện đã có công ăn việc làm. Đứa con út của chị hiện đang học Trường THCS Hòa Trung. 
 
Gia đình anh Trịnh Tấn Vinh (thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc): 
 
Do cuộc sống quá khó khăn, năm 1983, gia đình anh Trịnh Tấn Vinh từ Quảng Ngãi chuyển vào thôn Tân Phú 2 làm ăn. Ban đầu chỉ với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh lam lũ, chịu khó vừa làm 1ha cà phê vừa kinh doanh buôn bán để lo cuộc sống gia đình và việc học hành của các con. Anh Vinh cho biết: “Vấn đề quan trọng là phải làm sao tạo được ý thức học tập cho các con ngay từ nhỏ. Muốn thế, thì vợ chồng tôi phải mẫu mực làm gương, từ việc làm ăn đến phong cách sinh hoạt hàng ngày. Vợ chồng không cờ bạc, không thuốc lá, không rượu chè say xỉn… thì mới dạy bảo được các con”. Vợ chồng anh Vinh có 4 đứa con, tất cả đều ngoan, học giỏi và đều tốt nghiệp đại học ra trường và đã có việc làm; trong đó, có 1 con là thạc sĩ.
 
Bùi Trưởng