Những hoài niệm của người anh hùng đầu tiên trên dãy Trường Sơn

08:04, 29/04/2015

"Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45 - 50kg. Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km, tương đương một vòng trái đất". Đó là những con số mà tác giả người Mỹ James G.Zumwalk đã từng viết trong cuốn "Chân trần chí thép" về đường Hồ Chí Minh xuất bản tháng 4/2010.

“Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45 - 50kg. Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km, tương đương một vòng trái đất”. Đó là những con số mà tác giả người Mỹ James G.Zumwalk đã từng viết trong cuốn “Chân trần chí thép” về đường Hồ Chí Minh xuất bản tháng 4/2010.
 
"Kiện tướng” gùi hàng…
 
Anh hùng Nguyễn Viết Sinh với cuộc sống bình dị lúc tuổi già
Anh hùng Nguyễn Viết Sinh với cuộc sống bình dị lúc tuổi già
Đại tá Nguyễn Viết Sinh (sinh năm 1940) đang sống tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. “21 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bữa cơm chiến trường đầu tiên là ở “lực lượng đặc biệt” của Đoàn 559, đóng chân ở Tây Quảng Bình. Vào những năm đó, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường bởi vậy các phương tiện vận tải cơ giới không có. Lúc này, để việc vận chuyển súng đạn, thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ bằng cách gùi thồ bằng sức người”, vị đại tá già kể lại.
 
 Cùng 600 thanh niên Nghệ Tĩnh được tuyển vào cùng một đơn vị giao liên, đại tá Sinh vẫn nhớ như in những ngày khói lửa: “Từ Lệ Thủy, tiểu đội của tôi hành quân sát biên giới Việt - Lào, gùi hàng qua đèo 800, đèo 01 - những con đèo dốc đá dựng đứng để giao hàng cho một đơn vị khác đã chờ sẵn. Mỗi ngày, cả đi lẫn về phải “cuốc bộ” quãng đường hơn 40km trong điều kiện địa hình phức tạp, rừng núi âm u, đường sá lầy lội và đủ loại côn trùng rình rập. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng mỗi ngày, bình quân mỗi người trong đơn vị đều gùi được gần 30kg hàng, riêng bản thân tôi mỗi ngày gùi được từ 40 - 50kg, thời điểm nhiều nhất là cõng 75kg hàng trên lưng, hơn cả trọng lượng của cơ thể”.
 
 Những năm 1965, ông đã gùi đến 70 - 80kg với quãng đường dài 20km trên những con đường rừng hiểm trở. Không biết bao nhiêu đôi dép cao su đã hỏng, sờn rách bao nhiêu chiếc áo lính, thế nhưng suốt những năm tháng khốc liệt đó, chưa một buổi thồ hàng nào thiếu bóng Nguyễn Viết Sinh. 
 
Năm 1966-1967, đơn vị ông đóng tại Mường Pìn (Lào). Mùa khô ở đây gần như không có mưa, việc tắm giặt, ăn uống rất khó khăn, nhưng anh em vẫn phát động phong trào thi đua “kiện tướng” bốc vác. Nguyễn Viết Sinh luôn giành danh hiệu cao quý ấy, khi kể lại, ông cười hiền: “Điều này là hết sức bình thường đối với cả một thế hệ như chúng tôi.
 
Năm 1962 ông gùi được 13.553kg hàng và 296 cáng thương trên đoạn đường 10.196km. Năm 1963 gùi được 9.365kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài. Năm 1964 mang vác 11.445kg, thồ với tổng số 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh, trong tổng thời gian 323 ngày trên đoạn đường 10.982km. Với thành tích đó, ngày 1/1/1967, Nguyễn Viết Sinh được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, với quân hàm trung sỹ. Ông cũng là người anh hùng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ. Ngày 21/4/2012, đại diện Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ trao Bằng kỷ lục Việt Nam cho Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh - “Người chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất”. 
 
… Và những hoài niệm
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng về một thời khói lửa vẫn chưa phút giây nào phai mờ trong tâm trí anh hùng Nguyễn Viết Sinh. 
 
Đầu xuân 1968, đơn vị của ông phục vụ cấp hàng hóa và gạo ở Tà Ôi (Quảng Trị). Chiến tranh ác liệt, hy sinh và trọng thương là điều không thể tránh khỏi. Đôi mắt người anh hùng ngấn lệ khi nhớ: “Có những đêm chiếc xe cứu thương chở đầy 3, 4 chục thương binh. Họ nằm dài trên xe, trải mình trên lá khô, chịu những cú xóc đau đớn suốt tuyến đường ra tìm sự sống. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi hình ảnh  Bắc Nam sum họp trong tim đang rực sáng”. Đến tận bây giờ, nỗi đau về cái chết của đồng đội vẫn luôn thường trực và nhói đau trong tim ông mỗi lần nhớ lại. Để rồi hàng năm, ông vẫn cùng đồng đội, tổ chức những cuộc viếng thăm về Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa trang Việt Lào, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Quyết Thắng,...
 
Suốt những năm tháng gắn bó với rừng núi Trường Sơn và nước bạn Lào, vô vàn kỷ niệm trong ông cứ sống dậy mỗi lần hoài niệm. Đói rét, nhịn ăn là chuyện thường tình, nhưng không hề làm các anh nao núng. Có lúc các anh phải ăn măng rừng trừ bữa, cả tháng không biết đến vị mặn của muối là gì. Năm 1962, đơn vị ông đóng ở bên kia đường 9, do lụt lội, thức ăn tiếp tế cạn kiệt, tất cả anh em phải nhịn đói suốt một thời gian dài. Đến ngày thứ 10, Phó Đoàn trưởng Đoàn 559 mang đến cho anh em một lọ nhỏ khoảng 200gam muối trắng. Mọi người mừng mừng, tủi tủi chia nhau từng hạt. 
 
Trong khó khăn, vất vả mới thấy rõ tình người. Đó không chỉ là tình cảm anh em gia đình, tình đồng hương, đồng chí, mà còn cả những tình cảm vượt qua ngoài biên giới. Trong những ngày đánh Mỹ ác liệt ấy, đồng bào dân tộc Lào luôn hết lòng động viên anh em bộ đội, họ bí mật treo đậu, gạo, dưa ở dọc các đoạn đường bộ đội mình thường xuyên đi qua. Ông Nguyễn Viết Sinh xúc động: “Từ lúc lọt lòng, đến khi trưởng thành gia nhập quân đội, chúng tôi đều từ tay Người Mẹ Việt Nam nuôi nấng, lúc vào chiến trường, trong khi đói khổ lại có thêm Người Mẹ Lào. Cả hai Người Mẹ ấy đều sống mãi trong ký ức những ai đã từng mang áo lính”.
 
Những kỷ niệm vẫn tươi xanh như cây rừng trên dãy Trường Sơn. Và những người anh hùng trong chiến tranh càng không thể nào đếm xuể. Họ kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, nhưng thả súng xuống, trong họ là cả một trời yêu thương, hiền hòa. Anh hùng Nguyễn Viết Sinh cũng vậy, nghỉ hưu từ những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày của ông là những giây phút vui vầy bên cháu con, sống một cuộc đời bình dị vẫn cống hiến sức mình làm đẹp thêm cho làng xóm quê hương.
 
N. NGÀ - TH. BÌNH