Sự phát triển của một vùng đất muôn đời nay vẫn dựa vào con người. Đà Lạt 40 năm sau ngày giải phóng cũng vậy, thành phố đã có những bước chuyển mình đáng kể. Bước chuyển mình ấy được tạo nên bởi những con người được sinh ra nơi đây và cả những người từ những miền quê khác đến và chọn nơi này làm nơi lập nghiệp...
Sự phát triển của một vùng đất muôn đời nay vẫn dựa vào con người. Đà Lạt 40 năm sau ngày giải phóng cũng vậy, thành phố đã có những bước chuyển mình đáng kể. Bước chuyển mình ấy được tạo nên bởi những con người được sinh ra nơi đây và cả những người từ những miền quê khác đến và chọn nơi này làm nơi lập nghiệp. Dù được sinh ra những năm cuối chiến tranh, hay những công dân trong buổi đầu hòa bình, tất cả họ đang cùng một điểm chung - cùng một tình yêu cho Đà Lạt.
Anh Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào
Sinh năm 1973 tại Đà Lạt, 18 tuổi anh theo học Trường Đại học Kinh tế tại TP Hồ Chí Minh. Cầm tấm bằng cử nhân kinh tế trong tay, nhiều cơ hội mở ra ở thành phố lớn nhưng anh lại muốn về khởi nghiệp ở quê hương. Đầu những năm 2000, nền nông nghiệp của Đà Lạt vẫn còn rất khó khăn. Tự tin vào những kiến thức ở trường đại học đủ giúp anh biết cách để tạo ra mối liên kết và tiêu thụ bền vững cho sản phẩm nông nghiệp. Năm 2001, từ nguồn rau của gia đình, anh bắt đầu bán rau cho các chợ đầu mối ở địa phương. Càng ngày quy mô kinh doanh càng mở rộng, việc thành lập một hợp tác xã (HTX) để có tư cách pháp nhân kinh doanh đã đưa anh đi đến quyết định kêu gọi thêm các chủ vườn cùng hợp tác và thành lập HTX.
Năm 2003, HTX Anh Đào ra đời với 7 thành viên, mỗi người góp 1 triệu đồng vốn điều lệ. Sau 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của HTX đã lên đến 19 tỷ đồng và kết nạp thêm 22 thành viên có đất trồng rau. Hơn 10 năm qua, anh Thừa chịu trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh của HTX. Đến nay, HTX có 270 ha đất trồng rau, 16 xe vận tải, nguồn vốn lưu động hàng chục tỷ đồng. Hiện tại, rau của Anh Đào không chỉ bán tại các siêu thị mà còn xuất khẩu với số lượng lớn. Hiện nay, Anh Đào được xem là HTX thành công nhất với mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại Đà Lạt.
“Đà Lạt hiện nay đã đổi thay rất nhiều về KT - XH, đó là điều khiến tôi - người con của mảnh đất này tự hào và hạnh phúc. Riêng đối với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách động viên, giúp đỡ tạo điều kiện cho hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn có cơ hội phát triển. Và tôi nghĩ đó cũng chính là thành quả mà chúng tôi được hưởng từ nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Anh Đào sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần đưa thương hiệu đi xa hơn nữa”, anh Nguyễn Công Thừa tâm sự.
Anh Phan Thanh Sang (Chủ Trại hoa lan Sang Còi, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt)
Sinh năm 1984, tốt nghiệp ngành kỹ sư nông nghiệp, Phan Thanh Sang lựa chọn con đường làm giàu bằng chính thế mạnh của Đà Lạt - xứ sở ngàn hoa quê hương của anh. Từ quỹ đất của gia đình, anh tổ chức xây dựng Trang trại hoa lan Ysaorchid (16/1 Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt). Ngoài việc tự mình mở rộng quy mô sản xuất hoa lan, anh Sang còn chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu Lan Sang Còi, sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ và các điểm bán hoa cảnh ở Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột, Hà Nội,… Vườn lan Sang còi còn bao tiêu sản phẩm của hơn 10 vườn lan, hộ gia đình khác, tạo việc làm cho gần 20 thanh niên người dân tộc thiểu số.
Là một người con của Đà Lạt, người đại biểu HĐND của thành phố, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đã từng được lãnh đạo thành phố tạo điều kiện đi học hỏi kinh nghiệm về mô hình du lịch vườn tại Malaysia, Nhật Bản theo chương trình của tổ chức JICA, anh Sang vẫn luôn trăn trở làm sao để “những kiến thức học hỏi từ các nước bạn có thể áp dụng vào phát triển mô hình kinh doanh của mình, đồng thời dựa vào điều kiện thực tế của thành phố Đà Lạt xây dựng mô hình du lịch vườn theo hình thức cộng đồng, có sự tham gia của nhiều hộ dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương, đồng thời tạo dấu ấn mới cho thành phố du lịch Đà Lạt”.
Anh Lê Đình Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đức
“Chào đời vào tháng 9/1975, trên quê lúa Thái Bình, may mắn khi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, Bắc Nam thống nhất một dải. Và cũng nhờ vậy tôi mới có cơ hội được vào Đà Lạt lập nghiệp năm 18 tuổi” - anh Mỹ kể.
Khởi đầu từ nghề làm thợ hàn rồi đến thợ xây để tự kiếm sống khi vào Đà Lạt. Sau khi tích lũy được vốn, anh Mỹ ghi danh theo học Đại học Bách khoa Đà Nẵng hệ vừa học vừa làm ngành kỹ sư xây dựng. Từ công nhân làm thuê, đến tổ trưởng một tổ công nhân chuyên nhận thi công các công trình, năm 2007, anh lập Công ty TNHH Tiến Đức, chuyên thi công các công trình xây dựng, đặt trụ sở tại 54B đường Hùng Vương, thành phố Đà Lạt. Sau 7 năm hình thành và phát triển, Công ty Tiến Đức đã có mặt ở nhiều công trình lớn nhỏ trên mảnh đất cao nguyên này. “Chưa phải là một công ty lớn, nhưng tôi tự hào bởi nhiều vỉa hè, đường phố, nhiều công trình ở thành phố ngàn hoa này có sự đóng góp xây dựng của Tiến Đức. Tôi vui bởi dù không phải là người sinh ra ở đây nhưng khi sinh sống ở Đà Lạt tôi đã góp sức làm đẹp thêm cho xứ sở này” - anh Mỹ tự hào nói.
NGỌC NGÀ