Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha; trong đó, có 596.671ha trong quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Rừng Lâm Đồng có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ, điều tiết nguồn nước các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam bộ...
Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha; trong đó, có 596.671ha trong quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Rừng Lâm Đồng có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ, điều tiết nguồn nước các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU thay thế Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30/9/2008 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản”.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV & PTR). Hoạt động QL, BVR trên địa bàn có những chuyển biến tích cực; các vụ vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân tham gia QL, BV, PTR ngày càng được nâng cao. Đời sống người dân tham gia BV, PTR từng bước được cải thiện… Tuy đạt những kết quả quan trọng nhưng tình trạng phá rừng, hủy hoại cây rừng để lấn, chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển, mua, bán lâm sản, khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QL, BV, PTR, quản lý lâm sản; hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, tại Chỉ thị số 30-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy; các đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở xác định công tác QL, BV & PTR là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QL, BV & PTR; sử dụng tài nguyên rừng có hiệu quả. Thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BV & PTR bằng nhiều hình thức, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực trong việc thực hiện quy định của pháp luật về QL, BVR và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BV, PTR. Gắn trách nhiệm QL, BV & PTR với công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và bình xét danh hiệu tổ chức, gia đình văn hóa ở khu dân cư hằng năm. Địa phương nào để rừng, đất rừng bị thiệt hại do tác động trái phép thì người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cấp đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cấp trên; đồng thời người đứng đầu Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan liên quan ở địa phương đó cũng phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cấp huyện và cấp cơ sở; kịp thời quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Chính phủ trong công tác QL, BV & PTR. Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác QL, BV & PTR, quản lý lâm sản; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong QL, BV & PTR. Định kỳ 6 tháng, hằng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình QL, BV & PTR. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc vi phạm; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác QL, BV & PTR.
Chỉ thị số 30-CT/TU cũng đề ra một nội dung quan trọng nữa là yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo UBND tỉnh định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất trực tiếp kiểm tra tình hình QL, BV, PTR tại các địa phương và có chỉ đạo cụ thể. Duy trì họp định kỳ (hàng quý, 6 tháng, năm) đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác QL, BV & PTR.
LAN HỒ