Ở độ cao 1.600m so với mặt biển, ngôi làng nằm lọt thỏm giữa dãy núi cao sừng sững và gần như tách biệt hoàn toàn với "thế giới văn minh". Người dân trong làng mấy chục năm nay thắp đèn dầu, dùng nước từ khe núi và ăn những thứ cây, quả tự tay mình trồng được.
Ở độ cao 1.600m so với mặt biển, ngôi làng nằm lọt thỏm giữa dãy núi cao sừng sững và gần như tách biệt hoàn toàn với “thế giới văn minh”. Người dân trong làng mấy chục năm nay thắp đèn dầu, dùng nước từ khe núi và ăn những thứ cây, quả tự tay mình trồng được.
Gần 6 giờ lội bộ qua dải đường mòn 16km vắt lưng chừng núi, luồn lách dưới tán rừng nguyên sinh đầy vắt và ruồi vàng chúng tôi đặt chân lên ngôi làng “kỳ lạ” này. Trong rừng sâu, mới 18 giờ chiều trời đã nhá nhem mặt người, côn trùng bắt đầu cất tiếng rả rích. Lối vào đầu làng Dơng Iar Jiêng (ngôi làng duy nhất nằm giữa lõi rừng quốc gia Bidoup Núi Bà, huyện Lạc Dương) băng qua con suối mát lạnh lổn nhổn đá cuội, chảy men đồi thông xanh vi vu gió chiều đầy thơ mộng.
|
Một góc cánh đồng lúa trĩu hạt ở làng Dơng Iar Jiêng |
Giữa mùa heo rừng
Phải nhờ tới Ha Quyll (31 tuổi) - một thanh niên trong làng dẫn đường, chúng tôi mới nhận ra phía trước là một thung lũng bằng phẳng trồng toàn ngô và lúa đã ngả màu vàng. Khi các vị khách dò dẫm giữa nương ngô ngập đầu người bỗng tiếng “pang cạp, pang cạp” lạ lẫm vang lên. Ha Quyll ngoái đầu lại giải thích: “Đó là chim Pang hót vào lúc chiều tối báo mùa lúa, ngô vào vụ. Nếu là chim Tơyong kêu “hoét hoét” là mùa mưa sắp về”.
Sẽ hướng Dơng Iar Jiêng làm du lịch sinh thái
Theo ông Lê Văn Hương - GĐ rừng quốc gia Bidoup Núi Bà, Dơng Iar Jiêng là ngôi làng còn nguyên nét hoang sơ, rất ít người biết đến do nằm trong lõi rừng quốc gia, cách bìa rừng khoảng 25km. Ngôi làng hiếm hoi này chỉ vỏn vẹn 29 hộ với hơn 200 nhân khẩu là tộc người K’Ho Cil (một trong 5 nhánh người đồng bào K’Ho) sinh sống. Theo ông Hương, năm 2011 Ban GĐ vườn quốc gia đã có chủ trương lập dự án di dời toàn bộ làng ra khỏi rừng và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án với số vốn 17 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành thảo luận với các nhà khoa học, các tổ chức, đặc biệt là việc người dân trong làng không đồng thuận với dự án trên nên dự án di dời đã hủy bỏ. Ông Hương khẳng định, tương lai Dơng Iar Jiêng sẽ được giữ lại ổn định nguyên trạng. Ban quản lý rừng quốc gia được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn từ UBND tỉnh sẽ tăng cường giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, trông coi rừng để các hộ dân thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống. Đồng thời Vườn QG Bidoup Núi Bà đang từng bước có lộ trình trong dự án đào tạo, hỗ trợ người dân Dơng Iar Jiêng làm du lịch sinh thái vào năm 2015. .
|
Lát sau, từ phía bờ suối vang tiếng “hú hú…” từng chặp, đôi lúc đồng thanh cất lên xen lẫn tiếng lục lạc bằng tre kêu “kong kong”, tiếng xoong nồi loảng xoảng nghe rất vui tai. Già làng Ha Clas (67 tuổi) - một trong 7 người già cao niên của làng cùng con cháu ba thế hệ của mình, đôi mắt tròn xoe khi thấy những vị khách hiếm hoi xuất hiện. Sau câu chuyện làm quen, già Clas chỉ tay về phía nương ngô giải thích: “Bắt đầu mùa lợn rừng về rồi đấy. Cứ đêm xuống chúng từ rừng chui ra ăn ngô, phá rẫy nên cả làng thức thâu đêm đuổi heo rừng vui lắm!”.
Mùa heo rừng về làng, người dân đều dựng cho nhà mình một hàng rào bằng tre cao khoảng 50cm khá kỳ công bao quanh rẫy để ngăn heo chui vào. Già Clas hăng hái dẫn chúng tôi “thị sát” một nương ngô liền thửa kéo dài tới chân cánh rừng thông bao bọc làng. Cứ đi hết thửa ngô, chúng tôi lại thấy có vài cục đá to bằng quả bí được cắm sâu xuống đất. Già Clas bảo: “Hòn đá đặt giữa vườn là cách phân định ranh giới nương rẫy mỗi nhà của người Cil. Luật lệ vậy rồi, ai dám dỡ đá lấn vườn thì bị thần linh bắt ốm đau cả năm”. Tiếp tục đi hết thửa bắp, chúng tôi gặp một hai thanh niên cầm bó ngo (phần gỗ thông chứa tinh dầu) cháy phừng phực đi kiểm tra đường rào tre được phát quang đãng. Cách một quả đồi là tới nhà ông Ha Sar thì thấy dấu chân heo rừng in chi chít dưới nền đất. “Xui quá, một đàn 4-5 con heo rừng mới về xong. Chỗ này làm hàng rào chưa tốt nên bị chúng ủi nát” - già Ha Sar (63 tuổi) chủ rẫy bắp nói với mọi người.
Rào lại chỗ hàng rào bị heo chui lọt ông kể, heo rừng ngày nào cũng về cả chục con mỗi đêm nên phải cắt cử người canh chúng tới sáng. Có điều lạ là người trong làng không đánh bẫy heo rừng. Cách đuổi thủ công hiệu quả và đơn giản là tiếng hú bằng miệng, khi mỏi thì chuyển qua dùng chiêng, xoong, lục lạc… Cứ khoảng 1g thì làm như vậy một lần. Nếu hú lên ba tiếng thì đó là cách báo tín hiệu có heo rừng chui lọt hàng rào. Lý giải thắc mắc của chúng tôi, ông Ha Sar cười hồn hậu, nói: “Giờ mình đủ cái ăn nên không bẫy thú, chỉ đuổi chúng thôi. Nếu mình bẫy hại thú vật thì cây lúa, cây ngô sẽ không được mùa như mong đợi”.
Ở rừng để bảo vệ rừng
Bên bếp lửa ấm cúng tiếp đãi những vị khách lạ, trong câu chuyện hồi tưởng lại quá khứ ông cha truyền lại, những người già trong làng không giấu niềm tự hào về tổ tiên người Cil đã khai phá, gìn giữ làng qua nhiều thế hệ. Già Ha Joan bảo, trong tiếng K’Ho, Dơng Iar Jiêng có nghĩa là vùng đồng bằng có nhiều gà rừng, nơi có suối, đất tốt và bằng phẳng. Nhưng để kiếm tìm một nơi có đất đai màu mỡ như vậy, tổ tiên người K’Ho Cil đã phải chống chọi với cái lạnh cắt da nơi rừng sâu với bốn bề thú dữ gầm gừ. Về đêm, những năm 1980, nhiệt độ có khi xuống dưới 0C đã cướp đi mạng sống của nhiều người.
Trong trí nhớ chắp nối qua lời kể của tổ tiên, các già cho rằng, tổ tiên người K’Ho những năm 1960 đã lập được 9 ngôi làng trong vùng rừng Núi Bà, gồm: Bon Rum, Đạ Tý, Đạ Mur, Đơn Balang, Cha Rông, B’Tang, Kon Ơlang, Lin Ka và Dơng Iar Jiêng. Lịch sử của làng thêm dấu mốc vào năm 1961, khi chính quyền ngụy lập “ấp chiến lược” thì tất cả làng đều bị đốt phá, người Cil bị buộc phải dồn lại Dơng Iar Jiêng với hơn 1.000 người bị giam lỏng trong làng. Già Ha Joan kể, ông cùng thế hệ mình sinh ra tại làng trong cuộc sống ngột ngạt vì đói, bệnh tật và dịch sốt rét hoành hành. Đến khi đất nước giải phóng năm 1975, cả làng nhanh chóng được chính quyền đưa ra khỏi rừng sinh sống ở nhiều nơi như xã Đạ Nhim, Đạ Hoa, Đạ Chais và các vùng lân cận giáp Đà Lạt...
Nhớ lại ngày quay lại làng sinh sống, già Ha Joan coi đó là quyết định hệ trọng của cuộc đời mình. “Sống ngoài bìa rừng có nhiều điều kiện, con cháu được đi học, có đường, có điện nhưng mình thấy nhớ rừng quá. Ở đây mình sống vùng đất của ông cha, gần thiên nhiên cây cỏ, tự làm ra cái ăn, cái mặc mình lại cảm thấy hạnh phúc hơn”- ông trải lòng mình. Với suy nghĩ thuần túy như vậy, ông cùng nhiều người Cil rời bỏ cuộc sống ngoài bìa rừng để quyết định quay lại Dơng Iar Jiêng vào năm 1980. Ban đầu là nhóm hơn 10 hộ do già Ha Joan, già Sơ Ao Ha Klas, Ha Clas, già Kơ Sá Ha Thanh, già Ka Huệ… rồi sau đó gần 20 hộ khác theo về lại làng sinh sống tới bây giờ.
Nhiều năm qua, làng có thêm thu nhập chính từ việc nhận bảo vệ rừng do Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà giao khoán. Những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta bao quanh làng, cách bìa rừng 25km được người dân am hiểu về rừng, sống giữa lõi rừng bảo vệ trước sự xâm hại từ lâm tặc đang trở nên hiệu quả. Một lý lẽ đơn giản nhưng thực tế được các già làng lý giải: “Ở rừng mới có thể bảo vệ rừng tốt nhất. Khi không còn đói khổ thì người dân sẽ không vào rừng chặt cây làm rẫy, bẫy thú để ăn nữa”- già Clas bộc bạch. Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua 29 hộ dân với 200 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trung niên đã ở hẳn trong lõi rừng quốc gia sinh sống, và bảo vệ rừng, đồng thời tạo nên ngôi làng người Cil đặc biệt giữa cánh rừng nguyên sinh.
|
Người Cil tự chế bếp quay bằng bánh xe đạp cũ nấu cơm ngay giữa gian nhà chính |
Ngày mới ở Dơng Iar Jiêng
Buổi sớm không khí trong làng thật lý tưởng, nắng vàng, suối chảy êm ả, chim hót véo von. Người Cil gọi nhau lên nương khi hơi sương còn lạnh buốt. Hôm nay nhà già Ha Klas (70 tuổi) gồm con cháu 14 người đều ra đồng. Đám trẻ nhỏ được ông giao ngồi trong chòi lá giật dây đuổi chim ở thửa ruộng chưa thu hoạch, phụ nữ thì xúm vào gặt lúa. Trên bờ, những thanh niên to khỏe ôm lúa lên đập trên chiếc chòi lá được dựng ngay bên đồng. Khoảng chục con trâu, ngựa được người làng thả rông kiếm ăn thơ thẩn trong rừng.
Bữa ăn ngoài đồng của gia đình ông Ha Klas và nhiều người trong làng diễn ra khá muộn. Cơm trưa được đựng trong quả bầu già rỗng ruột, rau nhíp hái từ rừng, canh bầu cùng dăm con cá suối kho đạm bạc. Già Ha Klas tâm sự, mấy chục năm nay bà con sống giữa vùng rừng núi độc đạo nên tự cung tự cấp gần như hoàn toàn. Cái gì thiếu thì mỗi tháng một lần người Cil lại mang những sản vật từ rừng ra đổi ở bìa rừng lấy những thứ thiết yếu nhất như dầu, muối, lưới bắt cá. “Ở đây đất tốt không cần bỏ phân nên mình trồng ngô, lúa đủ ăn cả năm. Nhà nào thiếu cái gì thì đổi qua lại cho nhau chứ không mua bán như cuộc sống ở ngoài bìa rừng náo nhiệt”- già nói.
Gần nhà già Ha Klas là ngôi nhà bé nhỏ nằm đầu làng của già Ka Huệ (70 tuổi) được coi là người phụ nữ lớn tuổi nhất làng. Tay chân còn khỏe mạnh, bà vẫn đủ sức quẩy gùi trèo đồi núi đi hái rau nhíp, chè đắng và đào củ sâm đỏ, lá thuốc hằng ngày. Khi chúng tôi tới, bên vòi nước chảy ồ ồ được dẫn từ khe núi về trước ngôi nhà tranh, bà nhịp nhàng vung chày giã ngô làm bữa cơm cho gia đình. Nhiều năm nay không gặp người lạ, bà nhìn chúng tôi bẽn lẽn cười. Sinh ra ở làng từ nhỏ, có khi cả năm không ra ngoài nên bà nói tiếng Việt có câu được câu mất. Câu chuyện bà hào hứng kể nhất là việc người phụ nữ trong làng có thể làm đẹp bằng nhiều loại cây rừng. Ở Dơng Iar Jiêng, cây trang điểm và củ son môi, củ sâm đỏ người dân có thể tìm thấy nhiều trong tự nhiên. “Đến ngày lễ cúng mùa lúa, ngày cưới phụ nữ mình hái củ son môi quệt cho môi đỏ, giã lá cây trang điểm thay phấn cho má trắng hồng, sâm đỏ cho da dẻ hồng hào. Cha ông mình dạy như vậy và mình vẫn duy trì cho đến bây giờ” - già Huệ vui vẻ chia sẻ.
HOÀI THANH