Rừng Phi Tô bị xâm hại nghiêm trọng

03:04, 17/04/2015

(LĐ online) - Hàng trăm cây thông chết đứng vì bị ken, đốt, đổ thuốc độc vào gốc, nhiều cây bị đốn hạ bằng cưa máy vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường… 

(LĐ online) - Hàng trăm cây thông chết đứng vì bị ken, đốt, đổ thuốc độc vào gốc, nhiều cây bị đốn hạ bằng cưa máy vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường… 
 
Vụ tàn sát thông nói trên xảy ra tại cánh rừng nằm sau thuôn Buôn Chuối (xã Mê Linh, Lâm Hà), thuộc địa bàn tiểu khu 262A (lâm phần nằm trên địa bàn xã Phi Tô, Lâm Hà), do Trạm Kiểm lâm Phi Tô - Nam Hà (Ban QLRPH Nam Ban), quản lý, giao khoán bảo vệ. 
 
Hiện trường rừng tiểu khu 262A bị tàn phá trái phép
Hiện trường rừng tiểu khu 262A bị tàn phá trái phép

Có mặt tại hiện trường chiều 16/4, chúng tôi chứng kiến cả cánh rừng thông xinh đẹp, rộng khoảng hơn 8ha chạy dọc từ trên đồi xuống triền thung đã bị “lâm tặc” xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, tại khu vực lô a, khoảnh 3, tiểu khu 262A, nhiều vạt rừng, với hàng trăm cây thông trên 10 năm tuổi xanh tốt giờ đang chết đứng vì bị ken, đốt gốc. Cạnh đó, hàng chục cây thông khác có đường kính gốc từ 30-50cm cũng bị ai đó triệt hạ ngang thân bằng cưa máy, dấu cưa còn tươi mới, thân cây vẫn còn bỏ nằm ở hiện trường.  
 
Đi sâu vào bên trong cánh rừng, chúng tôi còn phát hiện nhiều súc gỗ thông chưa kịp đưa ra khỏi rừng, các vết cắt đang tứa nhựa nằm ngổn ngang trên các lối mòn. Quan sát xung quanh, hầu hết các khoảnh rừng ở đây đều bị cây cà phê của người dân lấn dần lên đến lưng chừng đồi. 
 
Mang hình ảnh rừng thông bị triệt hạ trái phép đến làm việc với lãnh đạo Ban QLRPH Nam Ban vào chiều cùng ngày, và được Trưởng ban Lê Hồng Nhân, cho biết: “Tình trạng ken thông, lấn rừng lấy đất sản xuất, cưa xẻ cây lấy gỗ làm nhà tại khu vực trên diễn ra âm ỉ từ nhiều năm qua, nhưng kể từ đầu tháng 4/2015 đến nay, khu vực trên lại trở thành “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, do có nhiều hộ dân thôn Buôn Chuối đang làm nhà, lén lút cưa hạ trái phép để lấy gỗ”. 
 
Cũng theo ông Nhân, khu rừng trên là rừng trồng từ năm 1997, có vị trí địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, đường đi lại thuận lợi, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Xung quanh rừng đều là nương rẫy của các hộ đồng bào DTTS thôn Buôn Chuối nên công tác quản lý bảo vệ diễn ra hết sức khó khăn. Mặt dù Ban đã chỉ đạo Trạm QLBVR Phi Tô - Nam Hà phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn vi phạm; tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ & phát triển rừng đến từng hộ gia đình có đất sản xuất cũng như sống quanh rừng… Tuy nhiên, các đối tượng thường thực hiện vào ban đêm rất khó để ngăn chặn. Không chỉ vậy, tình trạng phá rừng cũng ngày càng diễn ra hết sức tinh vi, không chỉ diễn ra ở tiểu khu 262A, 262B (xã Mê Linh), mà cả ở tiểu khu 259 (xã Đạ Đờn), tiểu khu 274A (xã Gia Lâm), ngoài việc ken, đốt, lấp gốc, các đối tượng còn sử dụng cả thuốc hóa học chích vào thân cây để cây chết dần, chỉ đến khi cây chết thì mới phát hiện được. 
 

Liên quan đến vụ việc, một cán bộ của Ban QLRPH Nam Ban, cho biết: Tổng diện tích rừng ở tiểu khu 262A bị ken chết khô, chặt phá là khoảng 6.800m 2, trong đó diện tích bị ken chết đứng là 3.500m 2, diện tích bị ken chết và chặt hạ trắng là 3.300m 2. Toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại trên không tập trung mà phân bố trên toàn lô, chủ yếu tại khu vực giáp ranh với vườn cà phê của các hộ đồng bào DTTS thôn Buôn Chuối. 
 
Cũng theo cán bộ này, vụ việc đã được báo cáo với UBND huyện Lâm Hà. Trong báo cáo, Ban cũng đề nghị UBND huyện chỉ đạo cho chính quyền các xã Phi Tô, Mê Linh thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương có nương rẫy gần khu vực không được tiếp tục ken cây, lấn chiếm đất rừng, đẽo ngo, lấy gỗ làm nhà; đồng thời đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện hỗ trợ lực lượng để phối hợp tuần tra, truy quét và điều tra truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý.
 
Nhưng, những đề xuất, kiến nghị trên, trong những năm qua chính quyền các xã Phi Tô, Mê Linh và cả Ban QLRPH Nam Ban cũng đã triển khai mà rừng ở đây vẫn bị đục khoét từng ngày.
 
Thụy Trang