Thách thức trong phòng chống bệnh lao

08:04, 20/04/2015

Người chết vì bệnh lao cao hơn nhiều so với số người chết vì tai nạn giao thông. Hàng năm, cả nước có 17.000 người chết vì bệnh lao và 10.000 ca tử vong do tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn giao thông gây chết người có thể đo được độ nóng của xã hội, còn chết vì bệnh lao diễn ra lặng lẽ, âm thầm hơn. 

Người chết vì bệnh lao cao hơn nhiều so với số người chết vì tai nạn giao thông. Hàng năm, cả nước có 17.000 người chết vì bệnh lao và 10.000 ca tử vong do tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn giao thông gây chết người có thể đo được độ nóng của xã hội, còn chết vì bệnh lao diễn ra lặng lẽ, âm thầm hơn. 
 
Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa, để toàn dân chung tay góp sức vào công tác phòng chống lao một cách tích cực. 
 
Năm 2030 - loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng
 
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao, chết do lao và giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao đa kháng thuốc để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
 
Đến hết năm 2015 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 43 người/vạn dân; số người chết vì bệnh lao dưới 1,5 người/vạn dân; tỉ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 2%  trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đến năm 2020 giảm số mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 30 người/vạn dân; số người chết vì bệnh lao dưới 1 người/vạn dân; khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc dưới 1% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030 loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, tiếp tục giảm số mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/vạn dân.
 DH
Phác đồ điều trị bệnh lao hiện nay áp dụng đa hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOST) với liệu trình 6 tháng (2 tháng điều trị tấn công và 4 tháng duy trì), người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Vấn đề bỏ trị hoặc điều trị không đúng cách khiến cho bệnh lao kháng thuốc càng khó chữa dứt căn bệnh và nguồn lây nhiễm lao trong cộng đồng khó cắt đứt. Chị Nguyễn Thị Thu - Phụ trách chương trình lao của Trạm Y tế Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) cho biết: Trạm đang quản lý điều trị 2 bệnh nhân lao, trong đó có trường hợp bệnh nhân 18 tuổi điều trị được 5 tháng và tuân thủ điều trị rất tốt. Ngoài ra, có 1 bệnh nhân điều trị được 21 ngày thì bỏ trị. Thuốc điều trị lao miễn phí nhưng tại sao người bệnh không tuân thủ điều trị?. Chúng tôi đến thăm gia đình bệnh nhân này ở tổ 3, thị trấn Lộc Thắng. Đó là một gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số, có người già và trẻ em cùng sống chung trong ngôi nhà gỗ nhỏ. Bệnh nhân cho rằng ngày nào cũng phải đến trạm y tế chích thuốc liên tục 2 tháng thì không có xe để đi nên mới 21 ngày chữa bệnh lao đã phải bỏ cuộc. Bs Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng đến tận nhà tìm hiểu nguyện vọng của người bệnh và quyết định chuyển phác đồ điều trị để nhân viên y tế cấp thuốc tại nhà cho bệnh nhân uống hàng ngày.   
 
Dự án phòng chống lao quốc gia ở Lâm Đồng năm 2014 tiếp tục đạt mục tiêu đề ra, phát hiện trên 70% số lượng bệnh nhân, điều trị khỏi trên 90% bệnh nhân. Toàn tỉnh có 567 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 296 trường hợp AFB (+) mới. Việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên, hoạt động cấp phát thuốc tại các xã được duy trì theo chiến lược điều trị có kiểm soát, thuận tiện cho bệnh nhân. Hầu hết, bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 6 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Đối với những trường hợp bệnh nhân lao kháng đa thuốc được quản lý chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị nhằm chống lây lan trong cộng đồng. 
 
Nếu trước năm 2010, Lâm Đồng chưa phát hiện có trường hợp lao kháng thuốc thì đến nay, toàn tỉnh đã có 20 ca, trong đó ngành Y tế chỉ quản lý điều trị được 10 ca. Riêng bệnh nhân nhiễm HIV đồng nhiễm lao là 18 trường hợp. Năm 2015, Sở Y tế đã chỉ đạo 2 bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai thành lập đơn vị điều trị lao kháng thuốc nhằm kiểm soát và cắt đứt nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng.
 
Ông Mai Ngọc Trung - Phó trưởng khoa Lao của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng cho biết: Việc phát hiện, xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh lao. Tuy nhiên, công tác phát hiện nguồn lây còn gặp khó khăn bởi nhiều lý do như: Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, nhân viên y tế thiếu và yếu chuyên môn ở tuyến xã - phường và y tế thôn bản. Điều đáng lo ngại là tuy số bệnh nhân lao được khám phát hiện giảm nhưng số người nhiễm AFB (+) lại tăng đáng kể, tỷ lệ người nhiễm HIV đồng nhiễm lao, lao kháng thuốc có xu hướng gia tăng, là mối đe dọa lớn với xã hội. 
 
Công tác phòng chống lao hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hạn chế về nguồn lực và kinh phí hoạt động. Mạng lưới làm công tác phòng chống lao toàn tỉnh tuy đã được kiện toàn và củng cố thường xuyên liên tục nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo quy định, một tổ chống lao tuyến huyện phải có 3 người, trong đó có 1 bác sĩ có chuyên khoa sơ bộ về bệnh lao và bệnh phổi; thế nhưng hiện nay mới chỉ có một y sĩ phụ trách chương trình chống lao và kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác, còn bộ phận xét nghiệm thì lồng ghép chung với khoa xét nghiệm, không có cán bộ chuyên trách riêng cho công tác xét nghiệm lao. Tại tuyến tỉnh, đội ngũ bác sĩ làm công tác phòng chống lao cũng rất hạn chế, còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Do tính chất công việc nguy hiểm, độc hại và thu nhập thấp nên số lượng bác sĩ chuyên ngành điều trị lao/HIV rất ít, số bác sĩ gắn bó với chuyên ngành đào tạo không nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống lao cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và thiếu kinh phí để triển khai truyền thông cộng đồng. Hiện nay, nguồn kinh phí cho hoạt động phụ thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm còn hạn chế. Công tác khám phát hiện bệnh còn thụ động, chủ yếu phụ thuộc vào người bệnh tìm đến y tế chữa trị.
 
AN NHIÊN