Tất cả các xã và thị trấn tại Đức Trọng đều có ban chỉ đạo thực hiện qui chế dân chủ, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng; hầu hết các ban này đều làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Tất cả các xã và thị trấn tại Đức Trọng đều có ban chỉ đạo thực hiện qui chế dân chủ, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng; hầu hết các ban này đều làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Người dân có quyền biết và giám sát
Đưa tôi đi trên con đường bê tông rộng rãi vừa mới hoàn tất trong đầu tháng 4 vừa rồi, ông Lê Công Quyết - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Trưởng ban Thanh tra nhân dân (TTND) của xã Liên Hiệp (Đức Trọng) không giấu nổi niềm vui: “Anh nhìn này, hồi trước con đường đất chỉ rộng 4 mét, người dân đã đồng ý mở rộng 2 bên, mỗi bên thêm 1 mét nên đường rộng rãi như bây giờ, có mương thoát nước, có cả đèn đường, đêm sáng như đường phố. Toàn bộ được người dân trong vùng giám sát nên chất lượng rất đảm bảo”.
Nằm dọc Quốc lộ 27, cách trung tâm huyện Đức Trọng chừng 3km trên đường vào Lâm Hà, Liên Hiệp có 7 thôn, 2.650 hộ, trên 12.600 nhân khẩu, người dân nơi đây chủ yếu trồng cà phê, lập trang trại chăn nuôi lớn. Đây là một xã đã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới với mức thu nhập bình quân đầu người vào loại khá của huyện Đức Trọng: gần 47 triệu đồng/người/năm. “Mỗi năm, chúng tôi thực hiện giám sát rất nhiều các công trình xây dựng cơ sở của xã, giám sát nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cũng như lập tổ hòa giải các xích mích mâu thuẫn của người dân” - ông Quyết cho biết. Một điển hình, Ban TTND của xã năm ngoái, theo ông, đã thực hiện rất tốt việc giám sát hỗ trợ cho 22 hộ nghèo tại thôn Gần Reo trong xã với tổng số tiền hỗ trợ 330 triệu đồng. “Chúng tôi tham gia họp bàn cùng các hộ, nghe ý kiến của họ. Tổng cộng có 19 hộ chọn hỗ trợ phân, 3 hộ còn lại chọn hỗ trợ heo giống để nuôi và chúng tôi giám sát chính quyền đã cấp đúng, cấp đủ theo qui định hay chưa” - ông Quyết cho biết. Năm 2015 này, Ban TTND xã cũng chuẩn bị giám sát việc hỗ trợ 26 hộ nghèo với tổng mức hỗ trợ 390 triệu đồng, gồm 16 hộ mua phân bón, 10 hộ nuôi bò. “Bò mua về cấp cho dân phải đảm bảo trọng lượng từ 105 ký - 120 ký, phải trông khỏe mạnh, phải được “bảo hành” ít nhất 3 tháng, lỡ dịch bệnh chết phải cấp lại con mới” - ông Quyết nói.
|
Một con đường giao thông nông thôn tại Liên Hiệp - Đức Trọng vừa được hoàn thành với sự giám sát của người dân trong cộng đồng |
Trong giám sát xây dựng cơ sở vật chất, Ban TTND cùng cộng đồng dân cư đã tham gia giám sát thi công nhiều con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xã như tuyến đường tại tổ 20 thôn An Tĩnh, tổ 2,3 và tổ 8 thôn An Ninh, tổ 7 thôn An Hiệp; giám sát các công trình công cộng như xây Trung tâm văn hóa xã, xây nhà văn hóa thôn… Tổng cộng trong năm 2014 người dân trong xã Liên Hiệp đã đóng góp trên 1,8 tỷ đồng tiền đối ứng với nhà nước để làm các con đường giao thông trong xã. “Vận động người dân đóng góp tiền nên người dân có quyền biết và xem thử số tiền đó có sử dụng đúng mục đích không, công trình có đạt chất lượng hay không. Là người thụ hưởng, dân đòi hỏi công trình phải có chất lượng thì mới chấp nhận” - ông Quyết cho biết thêm. Ngoài ra, Ban TTND còn tham gia giám sát công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường vì Liên Hiệp lâu nay là một “trọng điểm”. Tại xã có khoảng 200 hộ nuôi heo qui mô hộ gia đình, mỗi hộ chừng 100 con trở lên. “Chúng tôi nhắc nhở các hộ xử lý nguồn phân bằng hầm Bioga, xử lý nước thải, xử lý mùi hôi chuồng trại… Chưa đảm bảo 100% nhưng nạn ô nhiễm đã phần nào giảm bớt hẳn so với trước đây” - ông Quyết nói.
Theo kinh nghiệm của mình, để công tác giám sát ở cơ sở có hiệu quả, theo ông Quyết, những công việc có liên quan đến dân cần phải tổ chức họp dân, công khai để mọi người dân bàn, chẳng hạn như trong các công trình giao thông nông thôn, để người dân tự chọn nhà thầu, chọn thời điểm phù hợp để khởi công, không nên áp đặt cho dân.
Phát huy vai trò các ban thanh tra nhân dân
Theo ông Dương Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đức Trọng, MTTQ huyện thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thành viên, các cơ quan, đơn vị nhằm phát huy vai trò giám sát, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các xã, thị trấn. Hằng năm, MTTQ huyện tổ chức các đợt tập huấn cho các ban TTND, ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn trong huyện, đồng thời tiến hành kiểm tra việc thực hiện dân chủ cơ sở ở các xã, thị trấn. Ngay từ đầu năm, MTTQ huyện yêu cầu các ban TTND lên kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định, chủ động đề xuất với cấp ủy, UBND các xã, thị trấn phê duyệt để tiến hành công việc.
Cho đến nay, theo ông Hải, hầu hết các ban TTND, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, thị trấn trong huyện đã phát huy được vai trò của mình, thực hiện tốt việc gám sát các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi cũng như việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật, đền bù giải tỏa, các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, thủ tục cải cách hành chính… Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, các ban TTND, giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn tại Đức Trọng đã tham gia hòa giải 137 vụ trong cộng đồng dân cư, chủ yếu là các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp đất đai, phối hợp giám sát 92 công trình, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”. Khi kiểm tra, giám sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các ban TTND đã báo lên chính quyền để xử lý, khắc phục kip thời. Cùng đó, các ban TTND, ban giám sát đầu tư cộng đồng cùng MTTQ vận động người dân phát huy tinh thần dân chủ, tham gia đóng góp sức người, sức của trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Bên cạnh Liên Hiệp, Đức Trọng còn có các xã Ninh Gia, Bình Thạnh, Ninh Loan với các ban TTND đang làm rất tốt công việc của mình. “Trong thời gian đến, MTTQ huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hơn nữa những thế mạnh lâu nay đã có, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo qui chế dân chủ ở cơ sở, ban TTND cũng như ban giám sát đầu tư cộng đồng” - ông Hải nhấn mạnh.
Viết Trọng