Kỳ họp thứ 27 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (ICC) của UNESCO (Tổ chức Giáo dục - khoa học - văn hóa của Liên hợp quốc) dự kiến sẽ được tổ chức tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp) trong những ngày sắp tới.
Kỳ họp thứ 27 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (ICC) của UNESCO (Tổ chức Giáo dục - khoa học - văn hóa của Liên hợp quốc) dự kiến sẽ được tổ chức tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp) trong những ngày sắp tới. Dự kiến, Lâm Đồng sẽ cử hai đại diện cùng với đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp này là ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và ông Lê Văn Hương, GĐ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
Ông Lê Văn Hương cho biết: “Kỳ họp này của ICC là dịp để Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và UBND tỉnh Lâm Đồng cùng với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Con người và sinh quyển Việt Nam tiếp tục bảo vệ hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang của Lâm Đồng - Việt Nam”.
|
Cán bộ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà kiểm tra sự phát triển của cây thông đỏ. Ảnh: V.Báu |
Được biết, hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển Langbiang của Lâm Đồng đã được hoàn thành và trình lên UNESCO xem xét để công nhận. Đến nay, theo thông tin từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đã được Ủy ban Tư vấn quốc tế (IAC) của Ban Thư ký Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (MAB/UNESCO) đưa ra khuyến nghị thuận, tiến hành chương trình học hỏi kinh nghiệm quản lý khu dự trữ sinh quyển của các quốc gia thành viên UNESCO và xây dựng mạng lưới hợp tác với các chuyên gia của MAB/UNESCO nhằm phục vụ chương trình quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển quốc tế Langbiang trong thời gian tới. Cũng theo ông Lê Văn Hương, hiện tại, Lâm Đồng đang cùng với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Con người và sinh quyển Việt Nam đang chuẩn bị các nội dung lập luận giải trình hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang một cách đầy đủ nhất để tham gia Kỳ họp 27 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO.
Theo hồ sơ đã xây dựng, Khu dự trữ sinh quyển Langbiang tỉnh Lâm Đồng rộng gần 260.000ha; bao gồm vùng lõi là VQG Bidoup Núi Bà hiện nay gần 70.000ha cùng với 85.000ha vùng đệm và gần 117.700ha vùng chuyển tiếp. Hầu hết diện tích này đều nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thuộc các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương và TP Đà Lạt. Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang Việt Nam, về cơ bản, Khu dự trữ sinh quyển Langbiang đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mà Ủy ban Con người và sinh quyển UNESCO đặt ra. Thêm vào đó, đến lúc này, với nội dung lập luận giải trình hồ sơ cũng đã được chuẩn bị khá đầy đủ. Dự kiến, tại kỳ họp sắp đến của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO, đoàn Việt Nam sẽ có những tác động tích cực để UNESCO sớm công nhận Khu dự trữ sinh quyển Langbiang của Lâm Đồng - Việt Nam là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ban Chỉ đạo Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ Sinh quyển Langbiang cho biết thêm, với khu vực cao nguyên Langbiang (vùng lõi là VQG Bidoup Núi Bà) tuy đã hội đủ các điều kiện theo quy định để được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới nhưng Việt Nam vẫn phải tiếp tục chuẩn bị đầy đủ hơn những nội dung phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Langbiang trong thời gian tới sau khi được UNESCO công nhận. “Hiện chúng ta đang tiến đến rất gần việc công nhận của UNESCO đối với khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Vấn đề lúc này là làm thế nào để 7 điều kiện mà UNESCO đặt ra cho một khu sinh quyển thế giới của Langbiang phải đảm bảo, phải không bị tổn thương. Vấn đề này phụ thuộc không nhỏ vào ý thức của người dân trong vùng” - ông Lê Văn Hương nói. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một kết quả tốt đẹp mà đoàn Việt Nam sẽ mang lại sau khi tham dự Kỳ họp thứ 27 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO sắp đến!
Khắc Dũng