Trăn trở Thông tư 30

04:04, 10/04/2015

Sau hơn một học kỳ triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, bên cạnh những thay đổi tích cực trong cách dạy - học, cách nhìn nhận của gia đình, xã hội về bậc học này thì còn không ít những băn khoăn, trăn trở.

Sau hơn một học kỳ triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, bên cạnh những thay đổi tích cực trong cách dạy - học, cách nhìn nhận của gia đình, xã hội về bậc học này thì còn không ít những băn khoăn, trăn trở.
 
Trò nhàm, cô vất vả, phụ huynh lơ là
 
Thông tư 30 được áp dụng từ ngày 15/10 năm học 2014 - 2015. Trước đó, Sở GD & ĐT đã tổ chức tập huấn cho 580 cán bộ quản lý giáo dục tiểu học và 6.098 giáo viên dạy tiểu học về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Bước đầu, nhiều giáo viên khá lúng túng trong cách nhận xét. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhiều giáo viên khi áp dụng Thông tư 30 là việc có quá nhiều sổ sách nên việc ghi chép khá vất vả. Cùng với đó là việc phải thay đổi lời nhận xét liên tục để tránh sự nhàm chán cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hiên - giáo viên lớp 3A2, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Di Linh) chia sẻ: “Khi áp dụng Thông tư 30, chúng tôi được cung cấp tài liệu và được tập huấn, Ban giám hiệu nhà trường cũng hướng dẫn, tư vấn nên chúng tôi bớt lo lắng. Ban đầu, học sinh rất hứng thú với cách đánh giá mới này. Nhưng sau một thời gian, các em bắt đầu nhàm chán khi đoán được lời nhận xét của giáo viên. Thật sự chúng tôi luôn phải suy nghĩ để tìm ra lời nhận xét mới, nhưng thú thật rất khó vì một lớp có đến mấy chục học sinh, và thường xuyên phải nhận xét nên việc lời lẽ bị trùng lặp là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là việc số lượng sổ sách quá nhiều, nào là sổ ghi chép hàng tháng, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm... Không những vậy, nhiều thông tin trùng lắp cũng khiến chúng tôi mất nhiều thời gian, ví như sổ chủ nhiệm có đến ba lần phải ghi tên học sinh trong khi tôi nghĩ chỉ cần ghi một lần”. 
 
Còn đối với Trường Tiểu học Trưng Vương (Đà Lạt) - một ngôi trường mà chất lượng dạy học đã được khẳng định qua nhiều năm, nằm ở trung tâm thành phố nhưng nhiều giáo viên cũng trăn trở với cách đổi mới này. “Thay chấm điểm bằng lời nhận xét thì sẽ giúp giáo viên theo sát học sinh hơn để đánh giá chính xác từng em. Nhưng nhiều sổ sách và việc nhận xét mất quá nhiều thời gian, nếu không muốn lấn vào giờ dạy thì bắt buộc chúng tôi phải đưa sổ sách về nhà làm vào buổi đêm hay ngày cuối tuần”, cô Phạm Thanh Hằng - giáo viên lớp 4A tâm sự. 
 
Tạo hứng thú trong học tập cho học sinh tiểu học là một trong những giải pháp để thực hiện tốt Thông tư 30. (Ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Di Linh) trong giờ học Toán với những bông hoa giáo viên tự cắt để tặng những học sinh có tiến bộ)
Tạo hứng thú trong học tập cho học sinh tiểu học là một trong những giải pháp để thực hiện tốt
Thông tư 30. (Ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Di Linh) trong giờ học Toán với những bông hoa giáo viên tự cắt để tặng những học sinh có tiến bộ)

Không chấm điểm sẽ làm giảm áp lực cho học sinh và cả phụ huynh trong việc học tập của các em. Dùng lời nhận xét sẽ giúp nhiều học sinh yếu cố gắng vươn lên. Nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ sớm tạo ra sự nhàm chán cho các em khi lời nhận xét không có gì mới. “Tôi e rằng từ sự nhàm chán này sẽ làm giảm động lực học tập của học sinh. Các em sẽ không còn cố gắng với các cuộc thi đua giành “hoa điểm 10” hay “Sao chiến công”. Việc phụ huynh quan tâm kiểm tra vở của các em cũng sẽ hạn chế, lơ là, dẫn đến có em sẽ chểnh mảng trong học tập khiến chất lượng dạy, học giảm sút”, cô Hà Thị Kim Mộng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi băn khoăn. 
 
Nỗ lực tìm giải pháp
 
Trong khi vấn đề sổ sách vẫn đang là khó khăn chưa có cách giải quyết thì câu hỏi “Làm thế nào để học sinh hứng thú trong việc học tập?” đang được các trường đi tìm câu trả lời. Bên cạnh nội dung động viên giáo viên nỗ lực hơn trong việc tìm ra lời nhận xét mới, phù hợp thì công tác kiểm tra giáo viên thực hiện nghiêm túc việc đổi mới cũng được tăng cường “Những giải pháp được Ban giám hiệu và các giáo viên đưa ra lúc này là thay đổi phương pháp dạy học bằng cách vận dụng thực hành nhiều hơn, như hoạt động ứng dụng ở nhà vừa để học sinh và phụ huynh cùng phối hợp, vừa để việc học là hoạt động bình thường không có gì căng thẳng, giúp học sinh nhẹ nhàng, thích đến trường để tìm tòi, khám phá và việc học không chỉ gói gọn trong các trang sách. Để làm được điều này, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa khuyến khích học sinh tham gia. Cùng với đó là kết hợp nhiều cách bên cạnh lời nhận xét như tặng 1 bông hoa các cô tự cắt hay dán tên lên bảng tuyên dương, biểu dương trước lớp… để tạo hứng thú cho học sinh. Tất nhiên việc này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất nhiều và lại càng vất vả hơn, do đó, rất cần sự cố gắng của mỗi thầy, cô giáo”, cô Kim Mộng chia sẻ thêm. 
 
Còn đối với ngành chức năng mà cụ thể là ngành Giáo dục, ông Nguyễn Kim Long - Trưởng phòng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD &ĐT cho biết: “Đúng là Thông tư 30 sẽ làm mất nhiều thời gian của giáo viên hơn, nhưng đó cũng là cách để đội ngũ giáo viên nỗ lực tự giác nâng cao trình độ chuyên môn của mình, từ đó, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian tới, Sở GD & ĐT sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Thông tư 30, qua đó, sẽ đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Trước hết, giáo viên phải linh động trong nhận xét, nhà trường cũng phải tìm ra giải pháp khuyến khích học sinh tham gia học tập. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh để làm sao cho phụ huynh hiểu, chia sẻ với giáo viên, đó cũng là cách để nâng cao mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, giữa nhà trường với gia đình để họ đồng lòng động viên, khuyến khích con em mình cố gắng học tập, vì sự tiến bộ của học sinh”.
 
Việt Hùng