Từ chính suy nghĩ "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đạ Huoai đã chủ động thành lập "Ngân hàng máu sống" (NHMS) với sự tham gia của hơn 30 cán bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Từ khi thành lập đến nay, NHMS tại đây luôn hoạt động hiệu quả trên tinh thần tự nguyện.
Từ chính suy nghĩ “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đạ Huoai đã chủ động thành lập “Ngân hàng máu sống” (NHMS) với sự tham gia của hơn 30 cán bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Từ khi thành lập đến nay, NHMS tại đây luôn hoạt động hiệu quả trên tinh thần tự nguyện.
Hiện, TTYT huyện Đạ Huoai có khoảng 130 cán bộ y, bác sỹ và nhân viên y tế. Sau khi sàng lọc, kiểm tra, Trung tâm đã chọn ra được 32 người tham gia vào NHMS để thường xuyên cho máu cấp cứu bệnh nhân. Trong đó, 11 người thuộc nhóm máu O. Những người còn lại thuộc các nhóm máu A, B và AB. Trung bình, mỗi năm các tình nguyện viên trong NHMS đã hiến từ 10 - 12 đơn vị máu để cứu sống những mảnh đời không may gặp tai nạn. Ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người, những giọt máu mà họ đang hiến tặng cho bệnh nhân còn thể hiện một nghĩa cử hết sức cao đẹp.
|
Các y, bác sỹ TTYT Đạ Huoai tham gia hiến máu |
Bác sĩ Lưu Hướng Quân, Giám đốc TTYT huyện Đạ Huoai, cho biết: “Là một bệnh viện tuyến huyện, nên hàng ngày đều có bệnh nhân đến Trung tâm cấp cứu, điều trị. Chính vì vậy, hàng năm có không ít bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng mất máu do nhiều nguyên nhân, như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay băng huyết sau khi sinh… Họ là những bệnh nhân cần phải truyền tiếp máu kịp thời. Trong khi đó, Trung tâm chưa có điều kiện lưu trữ máu, lại cách xa bệnh viện tuyến trên hàng chục km, nên công tác cứu chữa cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân cần máu khẩn cấp, nếu chuyển lên Bệnh viện II Lâm Đồng, thì ít nhất cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ, nên có thể dẫn đến tử vong. Trước nhu cầu cấp thiết đó, năm 2008, Ban Giám đốc Trung tâm đã vận động thành lập NHMS và giao trách nhiệm cho Chi hội Chữ thập đỏ của Trung tâm trực tiếp quản lý, vận động hiến máu cứu người”.
Điển hình là vào cuối năm 2013, bệnh nhân Trịnh Thị Yến (ngụ tại xã Mađaguôi) được đưa vào TTYT cấp cứu do bị băng huyết sau khi sinh. Lúc này, bệnh nhân Yến do không thể cầm máu, nên nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi nhận được tin báo từ Khoa sản, Chi hội Chữ thập đỏ TTYT đã huy động 15 y, bác sỹ sẵn sàng tới “trực chiến” để hiến máu cứu sống bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân Yến đã được cứu sống nhờ 10 đơn vị máu được hiến tại chỗ; trong đó, có 8 đơn vị máu do các y, bác sỹ trong TTYT hiến tặng.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Nội - Nhi - Nhiễm (người trực tiếp cho máu cứu sống bệnh nhân Yến), nhớ lại: “Ngay tại TTYT, tôi đã 3 lần hiến máu để cứu chữa các bệnh nhân. Đối với trường hợp của bệnh nhân Yến, tôi không nhớ nhập viện vào ngày nào. Nhưng, khi tôi nhận được tin có bệnh nhân cần tiếp máu là vào khoảng 11 giờ đêm. Vì bệnh nhân mất máu quá nhiều, nên khi bước chân vào Khoa Sản tôi thấy mọi người ai cũng gấp gáp và lo lắng. Song, tôi và các đồng nghiệp đã trấn an nhau cùng hiến máu để cứu sống bệnh nhân. Cuối cùng, chính những giọt máu của tôi và các đồng nghiệp đã góp phần để cứu sống bệnh nhân Yến. Chúng tôi, ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc khi những giọt máu của mình đã mang lại sự sống cho bệnh nhân”.
Cũng là một người đã 3 lần cho máu trực tiếp để cứu sống bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng TTYT Đạ Huoai, tâm sự: “Là một thầy thuốc, tôi nghĩ, nhiệm vụ cứu người không chỉ bằng chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải bằng cả giọt máu của mình”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ TTYT Đạ Huoai, cho hay: “Sau gần 7 năm thành lập, các thành viên trong NHMS của Trung tâm đã kịp thời cho máu và cứu sống được rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Huyện Đoàn cùng vận động thêm đoàn viên, thanh niên tham gia vào NHMS”.
KHÁNH PHÚC