Rừng Chính Phủ do bà con Kh'Mer ở sóc Tà Thiết đặt cho chiến khu cuối cùng của Chính phủ Cách mạng vào ngày 8/2/1973. Hiện nay thuộc ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây vừa là Tổng hành dinh của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, nơi Ban Liên hiệp quân sự 4 bên hội họp sau Hiệp định Paris năm 1973, và cũng là nơi công bố Công điện số 37TK của Bộ Chính trị mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Hiện nay gọi là Khu di tích Tà Thiết.
Rừng Chính Phủ do bà con Kh’Mer ở sóc Tà Thiết đặt cho chiến khu cuối cùng của Chính phủ Cách mạng vào ngày 8/2/1973. Hiện nay thuộc ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây vừa là Tổng hành dinh của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, nơi Ban Liên hiệp quân sự 4 bên hội họp sau Hiệp định Paris năm 1973, và cũng là nơi công bố Công điện số 37TK của Bộ Chính trị mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Hiện nay gọi là Khu di tích Tà Thiết.
|
Nhà làm việc Tướng Trà |
Sóc Tà Thiết nơi ấm tình người
Từ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 13 về Lộc Ninh. Con đường mang số 13 dài 140km, bắt đầu từ Tp.HCM qua Bình Dương và kết thúc tại cửa khẩu Hoa Lư (Việt Nam - Campuchia) thuộc Bình Phước. Trong tương lai quốc lộ 13 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch gồm cả đường sắt và đường bộ xuyên Á tạo thành hành lang kinh tế Đông Tây.
Anh Lâm Nghi dân tộc Kh’Mer là cư dân bản địa, dẫn chúng tôi từ ngã ba Đồng Tâm chạy theo con đường nhựa dài 12km đến Tà Thiết. Hai bên đường của sóc hiện nay, cả trăm căn nhà cấp 4 xây dựng cùng một thiết kế giống nhau, gần như nhà nào cũng có TV bắt chảo thu sóng từ vệ tinh, phía trước là vườn điều xanh tỏa bóng xum xuê, phía sau là ruộng hoặc rẫy trồng mì. Thật khó có thể tưởng tượng một làng ở vùng biên giới lại có cuộc sống yên bình như thế. Tại trung tâm khu dân cư có trạm y tế, trường học, sân bóng đá và cả hệ thống nước từ bồn công cộng dẫn đến từng nhà, mỗi tháng người dân trả một khối nước là 1.000 đồng. Số tiền này chủ yếu trả công cho người bơm nước và kiểm tra sửa chữa đường ống hàng ngày.
Sóc Tà Thiết có 62 hộ dân tộc Kh’Mer mang họ Lâm. Thuật ngữ Tà Thiết có nghĩa là ông Thiết, tên của một già làng xưa đã dẫn bộ tộc sang Việt Nam lập nghiệp và sinh sôi nẩy nở thành phum sóc. Già làng Lâm Um, Lâm Vé… trong kháng chiến đã vận động bà con hết lòng bảo vệ đùm bọc cán bộ cách mạng, đã tạo một vành đai vững chắc bằng mạng người để che chở cho Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền trong thời chiến tranh ác liệt. Bây giờ già làng Lâm Um đã về với đất, nhưng mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh vào năm 2000, già ôm chầm tướng Phan Trung Kiên khóc nghẹn ngào: “thằng Ba (tên thân mật của tướng Kiên) mày về đây thăm tao, tao mừng lắm, tao tưởng mày bỏ Tà Thiết đi luôn rồi. Bà con vẫn nhớ mày, biết mày làm to nhưng bà con không có tiền đi tìm. Đất nước đã hết bom đạn nhưng bà con bây giờ khổ lắm!”. Lúc ấy tướng Kiên cũng ôm già với đôi mắt đỏ hoe.
Sau chuyến về nguồn Tà Thiết, tướng Kiên, Tư lệnh Quân khu 7 đã đề nghị tỉnh Bình Phước cấp 240ha đất cho đồng bào Kh’Mer tại đây. Rồi ngày 24/5/2002, Quân khu động thổ xây dựng 62 căn nhà, mỗi căn trị giá 18 triệu đồng. Sau đó, tướng huy động Quân khu xây dựng điện, đường, trường, trạm cho sóc Tà Thiết khang trang như ngày hôm nay.
“Rừng Chính Phủ” một thời hoa và lửa
Lâm Vy dẫn chúng tôi vào Khu di tích của Chính phủ và Bộ Tư lệnh Miền. Anh chỉ cây xoài mút hơn cả trăm tuổi trước nhà làm việc của tướng Trần Văn Trà, cây xoài đứng uy nghi tỏa bóng mát rượi một vùng, bảo rằng: Lúc còn bé, vào mùa này các anh thường đi nhặt xoài rụng, ngồi mút “chụt chụt” cả ngày. Xoài mút là xoài rừng, cơm mỏng, hột lớn nhưng thơm và ngọt hơn xoài nhà, vì vậy mỗi lần ăn chỉ mút thôi nên gọi là xoài mút, tiếng Kh’Mer gọi là trái vú con gái.
Căn cứ Rừng Chính phủ rộng 1.200ha. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Nam, quân đội ta đã lập nhiều căn cứ cách mạng, nhưng tại Tà Thiết là cứ điểm cuối cùng ở chiến trường B2. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền ở Tây Ninh dời về khu này để rút ngắn khoảng cách lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến và tiếp nhận khí tài từ miền Bắc chi viện. Trong khu rừng có hệ thống hầm hào, trạm xưởng… Nơi đây là tổng kho dự trữ và cũng là điểm tập kết và cũng là nơi Bộ Tư lệnh Miền công bố Công điện 37TK của Bộ Chính trị cho phép cuộc tổng tấn công và nổi dậy được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 26/4/1975.
|
Nhà giao tế của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam |
Hiện nay, Khu di tích đã được tái tạo và khánh thành vào ngày 20/4/1995 gồm: Nhà trưng bày, nhà làm việc của Chính ủy Phạm Hùng, thượng tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Đức Anh và tướng Nguyễn Thị Định. Điều đáng ngạc nhiên là khu trung tâm chỉ huy ở sát nách sân bay Lộc Ninh của địch nhưng vẫn đảm bảo bí mật đến ngày 30/4/1975. Các ngôi nhà làm việc của các tướng chỉ huy được xây dựng theo kiểu bán âm có giao thông hào kiên cố. Riêng nhà tướng Trà ở chung với 10 hộ dân của sóc Tà Thiết được làm nhà sàn như cư dân bản địa. Chúng tôi vào thắp hương nhà tưởng niệm của cố thượng tướng Trần Văn Trà, cố thiếu tướng Nguyễn Thị Định, vào hội trường của Bộ Tư lệnh ngồi họp... Các mái nhà ở đây đều lợp bằng lá Trung Quân, một loại lá có hình thù giống như lá mít, nhưng luôn giữ được độ ẩm, không bị mục khi ướt và không bị cong khi khô. Để lợp một mái nhà nhỏ, phải cần tới hàng vạn chiếc lá. Nhà lợp bằng loại lá rừng đặc chủng này là cách ngụy trang tốt nhất. Từ trên máy bay nhìn xuống mái nhà lợp lá Trung Quân không khác gì một đám lá rụng. Ở đây có kho dự trữ xăng dầu chôn dưới lòng đất, được dẫn theo một đường ống bí mật chạy qua hàng ngàn cây số. Thật không thể tưởng tượng ngày xưa cha anh chúng ta đã làm đường ống ấy như thế nào, bảo mật ra sao? Sau ngày đất nước thống nhất, dân thị thành Nam Bộ biết đến đường Trường Sơn, rồi biết thêm đường mòn trên biển, nhưng chắc rất ít người biết đến một đường dẫn xăng dầu bí mật như thế. Trong kháng chiến, ngoài những người Kh’Mer ở Tà Thiết đã hết lòng bảo vệ Bộ Tư lệnh Miền còn có hồn thiêng rừng núi Lộc Ninh cũng đã ưu ái cho họ không phải là ít. Chuyện kể rằng khu rừng này dường như có điều gì bí ẩn. Vào đầu thập niên 60 đoàn quân khai thác gỗ của bà Trần Lệ Xuân khi đến rừng Tà Thiết nhiều xe bị chết máy, còn người bị ớn lạnh nên quá sợ hãi buộc phải quay về. Năm 1978 quân Kh’Me Đỏ vượt qua biên giới đến sóc Tà Thiết cũng phải rút lui. Có người kể lại ở khu rừng này hình như có bàn tay vô hình nào đó chụp xuống đầu mình.
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là nhà làm việc của tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Miền. Cả 4 anh em, chẳng ai bảo ai đều đốt nhang ngả mũ cúi đầu trước ảnh Cô Ba, một vị nữ tướng đã làm cho cả thế giới thán phục bởi một dân tộc mà ngay cả phụ nữ cũng cầm quân ra trận. Tôi nhìn vào di ảnh của Người, trong sâu thẳm toát lên một đôi mắt nhân hậu, với gương mặt thấm đẫm tình người. Thời con gái sau khi chít vành tang trắng vĩnh biệt người chồng, người đồng chí của mình, gởi con thơ để vào bưng biền kháng chiến. Sau ngày nước nhà thống nhất làm đến Phó Chủ tịch nước, đến lúc về hưu vẫn giữ tấm lòng nhân ái, rộng lượng, chan hòa với mọi người, không tham quyền cố vị, không dùng quyền lực để làm giàu… Trong khói hương nghi ngút lặng lẽ tỏa lên tôi nhìn thấy Cô Ba đang ngồi trên võng vá áo cho chiến sỹ hoặc tay đang cầm gậy, đầu đội nón lá dẫn đầu đoàn quân tóc dài hiên ngang lao về phía trước chiến đấu trực diện với quân thù.
Sau ngày Cô Ba mất được nhân dân Bến Tre đúc tượng, lập đền thờ tại quê nhà và ở tận vùng châu thổ Sông Hồng, nhân dân Hát Môn, Hà Tây đã rước bát hương của Cô về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng.
* * *
Rời khu “Rừng Chính Phủ” trong tiếng ve mùa hè rỉ rả, xe chúng tôi đã chạy về miền xuôi, nhưng trong tâm thức vẫn hướng về khu tưởng niệm - một địa chỉ đỏ, một chứng tích sống của thời hoa và lửa.
Ký sự: TRẦN ÐẠI