Hơn 25 năm qua, tại xã nghèo Phước Lộc (huyện Đạ Huoai), có một cô giáo người Châu Mạ đã không quản ngại gian khổ, nhọc nhằn để "gieo" chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây. Đó là cô giáo Ka Bích (47 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu).
Hơn 25 năm qua, tại xã nghèo Phước Lộc (huyện Đạ Huoai), có một cô giáo người Châu Mạ đã không quản ngại gian khổ, nhọc nhằn để “gieo” chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây. Đó là cô giáo Ka Bích (47 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu).
|
Cô giáo Ka Bích |
Theo lời kể của cô Ka Bích, hơn 25 năm về trước, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thuộc địa bàn thôn 5, xã Hà Lâm. Khi đó, Trường chỉ là những phòng học được làm tạm bợ bằng tre nứa. Trường được tạo dựng để mang cái chữ đến với con em đồng bào DTTS đang sinh sống dưới chân núi Nupu. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo (hệ vừa học vừa làm) tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô giáo Ka Bích được phân công nhiệm vụ về dạy học tại ngôi Trường này. Lúc bấy giờ, khó khăn lớn nhất đối với Ka Bích và tập thể giáo viên trong Trường là phải tìm cách để vận động học sinh đến lớp. Ka Bích nhớ lại: “Ngày ấy, cuộc sống của bà con đồng bào DTTS nơi đây còn cơ cực lắm. Hầu hết con em của họ ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nói chi tới chuyện đến lớp học chữ. Cũng vì cái nghèo đeo đuổi, nên học sinh thường xuyên bỏ học lên rẫy, lên nương với bố mẹ. Nhiều hôm, nhìn cảnh trường lớp trống trơn, tôi ngậm ngùi, chua xót…”.
Từ đó, cô giáo Ka Bích cùng với đồng nghiệp đã đến từng gia đình để vận động phụ huynh đưa con em đến Trường. Nhưng, do nhận thức còn nhiều hạn chế, nên nhiều gia đình khi nghe tin có giáo viên đến là tìm cách lẩn trốn, không muốn tiếp xúc. Ka Bích tâm sự: “Thấy tôi đến, có phụ huynh nói: Học làm gì, để chúng nó lên nương, lên rẫy giúp gia đình mới có cái ăn!”.
Song, với lòng yêu nghề, mến trẻ và vì trách nhiệm với buôn làng, nên cô quyết tâm không từ bỏ công việc của mình. Cô hiểu rằng, đó là do nhận thức của bà con còn hạn chế và cần phải có biện pháp để “khai thông” giúp họ. Theo lời kể của cô giáo Ka Bích, có nhiều trường hợp cô phải đến nhà vận động tới gần chục lần, họ mới đồng ý cho con đi học. Rất may cô là người Châu Mạ, nên việc vận động, thuyết phục bà con cho con em đi học có phần thuận lợi. Thời gian trôi qua, cô kiên trì góp sức vận động và dần dần bà con thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho con em đến lớp. Đến nay, nhiều thế hệ học sinh của cô đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Đáng mừng hơn, nhiều học trò của cô đã trở thành đồng nghiệp, cùng “gieo” con chữ cho học sinh ngay trên mảnh đất Phước Lộc. Cô giáo Ka Huyền, giáo viên Trường THCS Phước Lộc (học trò cũ của cô giáo Ka Bích), chia sẻ: “Tôi là một trong nhiều học trò của cô Ka Bích đã lớn khôn và thành đạt, có công ăn, việc làm ổn định. Ngày xưa, nếu không có bàn tay của cô dìu dắt thì chúng tôi sao có được như ngày hôm nay. Giờ đây là đồng nghiệp của cô, tôi mới thấy được tâm huyết và tấm lòng yêu trẻ của cô Ka Bích”.
Trải qua 25 năm, giờ đây, cô giáo Ka Bích vẫn “bám” trường, “bám” lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”. Cô rất vinh dự đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
KHÁNH PHÚC