Bác Hồ căn dặn: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"

08:05, 20/05/2015

Bác Hồ để lại cho dân tộc và nhân loại một hệ thống tư tưởng rất phong phú, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Trước lúc đi xa, Người để lại bản "Di chúc" lịch sử mang nặng giá trị tư tưởng, nhân văn và ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Bác Hồ để lại cho dân tộc và nhân loại một hệ thống tư tưởng rất phong phú, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Trước lúc đi xa, Người để lại bản “Di chúc” lịch sử mang nặng giá trị tư tưởng, nhân văn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tháng 5/1965, Bác Hồ viết bản “Di chúc” đầu tiên. Đến tháng 5/1966, Người viết tay bổ sung thêm chín chữ: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Câu này được giữ nguyên cho đến bản “Di chúc” công bố năm 1969 và trở thành điều đặc biệt đối với Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng.
 
Không phải ngẫu nhiên Bác viết thêm câu này! Hoàn cảnh lịch sử lúc đó đang rất khó khăn, nhạy cảm bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung cao độ để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến ấy. Điều gì làm cho Bác viết thêm câu này trong thời điểm như vậy? Thực ra, nếu không có câu viết này thì phần nói về Đảng trong “Di chúc” cũng đã đầy đủ cả về giá trị tư tưởng và thực tiễn. Chắc chắn phải có đắn đo, suy tư lớn của Bác, khiến Người viết ra điều này và được giữ nguyên đến bản công bố cuối cùng.
 
Có thể nhiều người có chung nhận thức rằng muốn đoàn kết trong Đảng, ngoài những quy định của điều lệ, thì “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, nhưng trong thực tế, để làm được điều đó thì hoàn toàn không phải dễ dàng. Để có sự đoàn kết thực sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Khi chúng ta nói thực hành dân chủ rộng rãi, là thường xuyên lấy tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, thì “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” phải là số một, là trước hết. Nếu không sẽ rất khó thực hiện việc tự phê bình và phê bình. Dường như, Bác chúng ta đã thấy rõ căn nguyên điều này, nhất là khi nước ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của tàn dư phong kiến từ lâu đời để lại. Nhìn vấn đề này, hiện nay Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ và thử thách lớn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã trở thành cấp bách cần tập trung giải quyết. Lợi ích nhóm đang tác động lớn đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đang là nguy cơ chia rẽ nội bộ. Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đang trở nên quan trọng và cấp thiết. Điều đó càng thấy rõ những giá trị tư tưởng vượt trước đó của Bác thể hiện ở câu ngắn ngọn ấy. Đây chính là tư tưởng chủ đạo của Bác về cách thức giữ gìn sự đoàn kết.
 
Trong các tác phẩm của mình, Bác có tới hơn 400 bài nói và viết về đoàn kết. Càng ngẫm nghĩ, chúng ta mới thấy, sẽ rất thiếu nếu không có lời căn dặn của Người trong bản “Di chúc” cuối cùng để lại cho Đảng, cho dân tộc. Bởi Người thấy rõ, nếu thiếu “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ không bao giờ tiến hành được đoàn kết, dân chủ trong Đảng. Từ rất sớm, Người đã cảnh báo các chứng bệnh của cán bộ ta, mà “mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”.
 
Ngay từ những năm đầu vận động thành lập Đảng, Bác đã đề ra 23 tiêu chuẩn quy tụ trong các mối quan hệ cơ bản của người cách mạng, trong đó có những tiêu chuẩn quan trọng thể hiện tình đồng chí thương yêu lẫn nhau không thể thiếu. Đó là đối với mình, phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất…; đối với người: Với từng người thì khoan thứ. Có lòng bày vẽ cho người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể. Từ đó, xuyên suốt cả quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn nhắc nhở Đảng ta: “Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”, phải “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó khẳng định “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” chính là cơ sở để nuôi dưỡng, nhân lên tư cách người cách mạng. Học tập tư tưởng của Bác về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết phải xuất phát từ tình yêu thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, bền vững nhất giữa những người cộng sản vì đối với Đảng và nhân dân, cán bộ, đảng viên có một nghĩa vụ vẻ vang là suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân.
 
Với Bác, tinh thần yêu thương lẫn nhau có tầm quan trọng sâu sắc, là vì trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, “Đảng phải yêu thương cán bộ. Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm… là luôn luôn chú ý đến công tác của họ”. Có thể nói, trong câu viết của Bác thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa ba yếu tố: thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, là tiền đề rất quan trọng bảo đảm cho sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Nếu trong Đảng còn có biểu hiện mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, không dám đấu tranh thì không có sự đoàn kết thống nhất. Việc tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao khi nó được tiến hành với động cơ trong sáng. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là rất cần thiết. Thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình cũng rất cần thiết. Song, sẽ là không đầy đủ nếu không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau phải mang tính chi phối, bao trùm lên tất cả. Nói cách khác, không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì trong Đảng không thực hành dân chủ rộng rãi, cũng không thể thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình được… Và đương nhiên sẽ không có đoàn kết thực sự.
 
Quả thực, những gì trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tế công tác của cán bộ nhiều năm qua chúng ta đang gặp, hoặc đã và đang mắc phải, lại được Bác Hồ cảnh báo, chỉ ra từ rất sớm, nhất là được nhấn mạnh trong di huấn thiêng liêng của Người viết từ gần nửa thế kỷ trước. Những thói hư, tật xấu, những khuyết điểm yếu kém kéo dài chậm được khắc phục, suy cho cùng đều có nguyên nhân thiếu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị soi đường dẫn lối cho Đảng và dân tộc thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG