Bác sĩ bị bệnh hiểm nghèo hết lòng vì người bệnh

09:05, 22/05/2015

Trong số những người con bệnh nhân phong lớn lên và trưởng thành tại Khu điều trị phong Di Linh có bác sĩ chuyên khoa cấp I Đinh Quốc Quan. Anh vượt lên mặc cảm, kỳ thị khi sống chung với bệnh nhân phong để nuôi dưỡng khát vọng thành bác sĩ chữa bệnh cho những bệnh nhân bất hạnh. Thế nhưng, căn bệnh hiểm nghèo ập đến hành hạ BS Quan, mỗi ngày anh phải vượt lên nỗi đau chính mình để chăm sóc bệnh nhân.

Trong số những người con bệnh nhân phong lớn lên và trưởng thành tại Khu điều trị phong Di Linh có bác sĩ chuyên khoa cấp I Đinh Quốc Quan. Anh vượt lên mặc cảm, kỳ thị khi sống chung với bệnh nhân phong để nuôi dưỡng khát vọng thành bác sĩ chữa bệnh cho những bệnh nhân bất hạnh. Thế nhưng, căn bệnh hiểm nghèo ập đến hành hạ BS Quan, mỗi ngày anh phải vượt lên nỗi đau chính mình để chăm sóc bệnh nhân.
 
BS Đinh Quốc Quan, 44 tuổi, sinh ra và lớn lên tại trại phong, nay là Khu điều trị phong Di Linh. Anh cho biết con đường đến với nghề y của mình: “Ngay từ bé, tôi cũng như các anh em đồng nghiệp tại Khu điều trị phong Di Linh đã chứng kiến những đau khổ do bệnh phong gây nên cho ông bà, cha mẹ nên muốn làm điều gì đó để giảm bớt những nỗi đau này; và một động lực nữa là tấm gương của Cha Jean Cassaigne đã hy sinh cả cuộc đời mình cho người bệnh phong ở vùng rừng núi Di Linh. Vì thế, tôi quyết tâm học bác sĩ để trở về phục vụ tại Khu điều trị phong Di Linh”.
 
BSCKI Đinh Quốc Quan đang thăm khám cho bệnh nhân
BSCKI Đinh Quốc Quan đang thăm khám cho bệnh nhân

BS Quan có bố là người Kinh mắc bệnh phong đang được chăm sóc ở Khu điều trị phong Di Linh, mẹ là người K’ho làm hộ lý ở trại phong đã qua đời cách đây 5 năm. BS Quan đã vượt qua tất cả trở ngại, trong đó có sự kỳ thị là con của người bệnh phong để học thành bác sĩ về phục vụ tại nơi mình được sinh ra và nuôi dưỡng nên người. Anh chia sẻ rằng nỗi mặc cảm về con bệnh nhân phong có từ lúc bé, nhất là thời gian đi học. Ở trong trại phong suốt 10 tuổi mới ra ngoài đi học, các bạn không hiểu và chính bản thân anh lúc bấy giờ cũng không hiểu được để vượt qua sự kỳ thị là con của bệnh nhân phong. “Sau này, khi tôi học xong đại học cũng vậy, cũng nặng nề, đấu tranh tư tưởng; rồi đi làm, trải qua nhiều thời gian cho đến ngày hôm nay mới càng ngày càng ngộ ra sự mặc cảm bệnh phong không là gì, mình phải vượt lên tất cả”, BS Quan nói. 
 
Năm 1999, anh Quan tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Huế. Anh chọn con đường trở về phục vụ cộng đồng bệnh nhân phong, trong đó có những thân nhân ruột thịt của mình, vận dụng kiến thức y học để phục vụ tại nơi đặc thù về chuyên môn là phòng chống tàn tật do bệnh phong và điều trị bệnh phong. Anh đã được hỗ trợ của các bác sĩ chỉ đạo tuyến về kỹ thuật phẫu thuật và điều trị lỗ đáo, phòng chống tàn tật cho bệnh nhân phong. Khả năng chuyên môn của bác sĩ Quan được nâng cao khi anh tham gia lớp phẫu thuật lỗ đáo cho bệnh nhân phong do tổ chức Handicap International tài trợ, dưới sự hướng dẫn của các thầy tại Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Da Liễu Tp.HCM. 
 
Với ý chí vươn lên, không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, năm 2005, BS Quan tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I (chuyên khoa Da Liễu) tại Trường Đại học Y Dược Tp.HCM. Nhờ đó, anh có khả năng chuyên môn tốt để phục vụ không những cho người bị ảnh hưởng phong và con em của họ mà còn cho những bệnh nhân ở vùng lân cận và các địa phương khác đến chữa bệnh tại Khu điều trị phong Di Linh. Qua đó, BS Quan cùng đồng nghiệp đã phát hiện thêm những trường hợp phong mới, phẫu thuật chữa lành vết thương cho bệnh nhân lỗ đáo, hướng dẫn họ cách chăm sóc tàn tật để chống tàn phế và đặc biệt là nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị với bệnh nhân phong để góp phần cho việc loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng. 
 
Mặc dù có vợ và 2 con nhỏ hiện đang sinh sống ở Tp.HCM nhưng BS Quan vẫn lựa chọn con đường phục vụ bệnh nhân tại Khu điều trị phong Di Linh. “Tôi lựa chọn ở đây để chăm sóc bệnh nhân phong dù tôi có nhiều cơ hội để rời bỏ nơi này”. Năm 2013, BS Quan phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp, sau đó anh được phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM. Anh cho biết: Đã trải qua 6 đợt xạ trị. Bị ung thư tuyến giáp cũng vất vả, mỗi đợt xạ trị nhờ bảo hiểm y tế chi trả nhưng các chi phí phát sinh mình phải trả tiền trọ, tiền thuốc hết 6 triệu đồng. Tháng 6 này, anh đi tái khám, liên tục 2 năm qua cứ 3 tháng anh đi xạ trị tại Khoa Y học hạt nhân - Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM. “Qua biến cố này, tôi nghiệm ra rằng thời gian và sức khỏe vô cùng quý giá nên tôi quyết đem tất cả những gì còn lại để phục vụ người bệnh tốt hơn”, BS Quan nói.
 
BSCKII Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, phát biểu: “Khu điều trị phong Di Linh từ trước đến nay chưa có một cán bộ y tế nào xin chuyển công tác. Trong đó, có tấm gương gắn bó với trại phong của BS Quan. Anh đã khắc phục khó khăn từng ngày, hết lòng phục vụ người bệnh”.
 
AN NHIÊN