Xác định là một thành phố (TP) công nghiệp - dịch vụ, Bảo Lộc có nhu cầu rất lớn trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề. Bởi lẽ hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp (DN) đang còn thiếu lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo.
Xác định là một thành phố (TP) công nghiệp - dịch vụ, Bảo Lộc có nhu cầu rất lớn trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề. Bởi lẽ hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp (DN) đang còn thiếu lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo.
Khái quát một thực trạng
Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện có trên 1.100 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi chung là DN) đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, qua khảo sát gần đây cho thấy, khá nhiều DN đã tạm ngưng hoặc đã ngưng, không hoạt động; hiện còn trên 850 DN đang hoạt động. Hầu hết các DN có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, khai thác, chế biến, may mặc, thương mại, dịch vụ, tài chính…
Theo UBND TP Bảo Lộc, nhiều DN tuy sản xuất kinh doanh có hiệu quả và giữ được mức tăng trưởng, nhưng trong quá trình hoạt động, các DN còn gặp phải những khó khăn nhất định. Nhiều DN do công nghệ chưa hiện đại, máy móc thiết bị chưa đồng bộ; trình độ tự động hóa còn thấp, cần sử dụng nhiều lao động. Trong khi đó, lao động không ổn định; vào thời vụ sản xuất nông nghiệp (nhất là vào mùa thu hái cà phê), các DN còn bị phụ thuộc vì thiếu lao động. Những DN cần nhiều lao động thì hầu như không đáp ứng đủ. Chẳng hạn, Chi nhánh Tổng Công ty may Nhà Bè (tại Khu công nghiệp Lộc Phát) chỉ tuyển dụng được 400 - 450 lao động (trong khi nhu cầu cần trên 1.000 lao động); Chi nhánh Công ty Scavi chỉ tuyển dụng được 830 - 870 lao động (trong khi nhu cầu cần trên 1.000 lao động)… Đó là chưa nói đến lao động đã qua đào tạo, thì việc tuyển dụng đúng theo ngành, nghề lại càng khó khăn hơn.
|
Tại một phiên giao dịch việc làm ở TP Bảo Lộc |
Trước nhu cầu đào tạo nghề
Sau khi giao cho các ngành chuyên môn tham mưu, UBND TP Bảo Lộc đã ban hành Kế hoạch số 68/KH - UBND về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, để triển khai Nghị quyết 07 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”, TP đã tiến hành quy hoạch mạng lưới dạy nghề, mạng lưới đào tạo các ngành nghề phù hợp với sự phát triển các ngành kinh tế “mũi nhọn” là dịch vụ - công nghiệp. Trên cơ sở đó, UBND TP đã chỉ đạo các ngành, các trung tâm đào tạo nghề phối hợp với các xã, phường khảo sát nhu cầu học nghề; hướng dẫn người lao động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề để cung ứng cho thị trường lao động. Đồng thời, hàng năm, TP đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề để tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp theo nhu cầu, nguyện vọng của học viên. Trong đó, chủ yếu là đào tạo nghề cho công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn TP Bảo Lộc có 2 trường trung cấp nghề (Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc và Trường Trung cấp nghề tư thục Tân Tiến), 5 trung tâm đào tạo nghề (Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề tư thục Trường Sơn, Trung tâm Dạy nghề Thiên Việt, Trung tâm Dạy nghề QDC) và 2 cơ sở dạy nghề (Cơ sở Dạy nghề Hải Yến, Cơ sở Dạy nghề Thiên Ngân Hà). Đội ngũ cán bộ giảng dạy có 183 giáo viên và nghệ nhân; trong đó, có 36 giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn. Các ngành nghề đào tạo bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa động cơ (máy nông nghiệp, xe máy…), tiện, phay, bào, đan móc len, thêu, may công nghiệp…
Ngoài các trường, trung tâm và cơ sở dạy nghề nói trên, TP Bảo Lộc còn vận động “xã hội hóa” trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo con số tổng hợp chưa đầy đủ, hiện nay TP Bảo Lộc đã có các DN tự tổ chức đào tạo nghề và hướng dẫn nghề (vừa làm vừa học nghề), như Công ty Scavi, Công ty Vietsilk, HTX Tiểu thủ công nghiệp Hữu Hòa…
Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề và các DN trên địa bàn TP có khả năng đào tạo khoảng 4.000 học viên/năm, nhưng thực tế (theo đánh giá của UBND TP Bảo Lộc) năm nào cao nhất cũng chỉ đào tạo được khoảng 2.000 học viên. Các ngành nghề đào tạo phần lớn là phi nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương, theo hướng tăng tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Riêng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ 2011 đến nay, TP đã mở được 65 lớp, đào tạo 1.755 lao động, với kinh phí TP hỗ trợ cho đào tạo trên 2 tỷ đồng.
Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề ở TP Bảo Lộc còn thấp. Để thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề, TP sẽ tiếp tục thực hiện mô hình liên kết đào tạo nghề với các DN, cơ sở dạy nghề và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với việc sử dụng lao động, giải quyết việc làm; chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; khuyến khích các DN dạy nghề tại cơ sở.
XUÂN LONG