Trong nhiều năm liền, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đạ Tẻh đã thực hiện rất tốt công tác bồi dưỡng chính trị cho cán bộ các cấp ở cơ sở.
Trong nhiều năm liền, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đạ Tẻh đã thực hiện rất tốt công tác bồi dưỡng chính trị cho cán bộ các cấp ở cơ sở.
Hướng đến tính hiệu quả
Nằm ngay trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (BD CT) Đạ Tẻh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với dãy phòng học 2 tầng cùng chỗ ở cho học viên phía sau. Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu gồm 2 lãnh đạo và 2 giảng viên, Trung tâm còn mời thêm 6 giảng viên kiêm chức cùng gần 20 báo cáo viên của huyện tham gia giảng dạy.
|
Một lớp tập huấn tổ chức cho Hội Nông dân huyện tại Trung tâm |
Hằng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị trong huyện để mở các lớp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã, cán bộ hội viên các đoàn thể đơn vị trong huyện. Trong năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 95 lớp với trên 9.000 học viên tham gia, từ các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng; lớp Đảng viên mới; các lớp bồi dưỡng chính trị cho các đơn vị, cho ngành giáo dục; bồi dưỡng công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn thể các cấp trong huyện như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; tổ chức các lớp chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo Ban Giám đốc, Trung tâm luôn tuân thủ nghiêm túc chương trình, kế hoạch do huyện phê duyệt trong năm; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc lên kế hoạch, thống nhất nội dung chương trình, thực hiện nghiêm việc quản lý giờ giấc, nội quy học tập của học viên khi lớp học diễn ra. Chính vì vậy, chất lượng dạy và học của Trung tâm đã liên tục được nâng lên những năm gần đây. Kết quả kiểm tra cuối khóa cho thấy trong nhiều lớp học, tỷ lệ học viên đạt yêu cầu trên 98%, học viên đạt loại giỏi chiếm từ 20 đến 25%.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, Trung tâm thường xuyên dự giờ; kiểm tra, thẩm định đề cương soạn giảng của các báo cáo viên, giảng viên trước khi lên lớp; tiến hành sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức; khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; khuyến khích đổi mới cách kiểm tra (phần kiểm tra nghiệp vụ thường được Trung tâm tổ chức theo hình thức hội thi). Trung tâm cũng phát phiếu thăm dò học viên để đóng góp ý kiến đối với từng cán bộ tham gia giảng dạy.
Đặc biệt, trong năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tiến hành chỉnh sửa, bổ sung tài liệu tập huấn công tác dân vận cho các cấp ở cơ sở, đồng thời tổ chức 10 lớp bồi dưỡng công tác dân vận cho hơn 800 học viên trong đó có những người đang trực tiếp vận động dân ở cơ sở thôn xã. Lớp học đã tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong công tác vận động nhân dân hiện nay tại cấp cơ sở, cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn để tạo sự đồng thuận của nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới ở Đạ Tẻh.
Trong các lớp học Trung tâm cũng tìm cách gắn kết các vấn đề lớn của đất nước vào chương trình giảng dạy, hướng học viên đến với các vấn đề thời sự cấp thiết, định hướng của Đảng và Nhà nước cho các vấn đề này. Mục tiêu như Ban Giám đốc Trung tâm cho biết, các lớp học phải đạt được “chất lượng và hiệu quả”, phải nâng cao được trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở; hiểu và biết cách vận dụng vào công việc cụ thể để thực sự tạo được chuyển biến tích cực trong công việc thường nhật.
Trung tâm trong nhiều năm nay cũng phối hợp với một số trường trong nước như Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bảo Lộc liên kết cùng Đại học Nông Lâm TP HCM mở các lớp tại chức Luật Kinh tế, Nông học… tại đây cho cán bộ công chức, người dân theo học. Những lớp học này đã tạo điều kiện không nhỏ cho nhiều người ở vùng sâu như Đạ Tẻh có cơ hội học tập, nâng cao trình độ tại chỗ, giảm bớt chi phí tốn kém nếu so với đi học ở xa.
Những khó khăn
Trong năm 2015, theo kế hoạch đã duyệt, Trung tâm sẽ tổ chức trên 140 lớp học với trên 10 nghìn học viên, trọng tâm là các lớp học nhận thức về Đảng; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng; bồi dưỡng Đảng viên mới; học tập lịch sử Đảng bộ Lâm Đồng; bồi dưỡng chính trị cho các ban ngành, đoàn thể của huyện.
Theo Ban Giám đốc, vẫn còn những khó khăn nhất định trong công tác bồi dưỡng chính trị cho cán bộ cấp cơ sở tại địa phương. Chẳng hạn, mức chi bồi dưỡng cho học viên theo qui định khá thấp, chỉ 25 nghìn đồng/người/ngày trong khi đó đa số cán bộ các hội đoàn thể ở cơ sở là lao động chính trong gia đình, đi học 3 đến 4 ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc nhà nên nhiều người xin phép...vắng mặt. Cùng đó, do chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở vì chậm được cập nhật, tài liệu ban hành 1 lần, dùng suốt trong cả nhiệm kỳ, trong khi thực tế ở cơ sở có người tham gia cùng lúc vài hội đoàn thể, nên nội dung học tập bồi dưỡng trùng lắp, có người 1 năm phải học 3 lần cũng cùng một nội dung nên rất ngại tham dự.
Về phía người dạy, do giảng viên, báo cáo viên được mời đa số là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị nên rất bận rộn, việc đầu tư cho giảng dạy còn hạn chế, bài giảng dàn trải, thiếu liên hệ thực tiễn, chưa đổi mới phương pháp nên chưa hấp dẫn được học viên.
Chính vì vậy, theo Ban Giám đốc Trung tâm, hằng năm tỉnh và huyện nếu được nên có chương trình cho đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận chính trị các cấp cơ sở tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số địa phương đang làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị. Cùng đó, nên định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về công tác giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cấp huyện, khuyến khích áp dụng những cách dạy mới để hấp dẫn người học hơn.
GIA KHÁNH - HỒNG LẠC