Phát huy truyền thống, thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc của cấp ủy

09:05, 18/05/2015

Văn phòng cấp ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực cấp ủy. Nhân dịp Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Văn Hòa - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Văn phòng cấp ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực cấp ủy. Nhân dịp Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Văn Hòa - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
 
Phóng viên: Thưa đồng chí Chánh Văn phòng, xin đồng chí cho biết khái quát về quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Văn phòng cấp ủy?
 
Đ/c Trương Văn Hòa: Lịch sử ra đời và phát triển của văn phòng cấp ủy gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Đảng. Trong thời kỳ 1930 - 1945, khi các xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy được thành lập, mặc dù tổ chức văn phòng cấp ủy lúc đó chưa chính thức được thành lập, nhưng công tác của văn phòng cấp ủy đã bắt đầu được hình thành, với các công việc chủ yếu: Bảo đảm việc in ấn, phát hành, vận chuyển công văn, tài liệu, truyền đơn của Ðảng, giao thông liên lạc, đưa đón cán bộ, bảo vệ cán bộ, gây dựng tài chính Đảng, xây dựng cơ sở, căn cứ cách mạng, phục vụ tổ chức các hội nghị của cấp ủy và của các đồng chí chủ chốt cấp ủy; giữ vững mối liên hệ, sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương.
 
Sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ sau tháng 5 năm 1947, khi Văn phòng Trung ương Ðảng được thành lập, nhiều văn phòng xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy cũng chính thức được ra đời. Lúc bấy giờ, hệ thống văn phòng cấp ủy không chỉ đảm nhiệm những công việc in ấn, phát hành, vận chuyển công văn, tài liệu, đưa đón, bảo vệ, bảo đảm các điều kiện ăn ở, làm việc cho cán bộ, giữ vững liên lạc giữa Trung ương với địa phương... mà còn tham mưu, giúp cấp ủy trong việc soạn thảo các văn kiện, tài liệu; theo dõi, tổng hợp tình hình; kiến nghị, đề xuất với cấp ủy trong tổ chức điều hành công việc lãnh đạo của Ðảng tại địa phương. Từ đó đến nay, qua mỗi thời kỳ cách mạng: kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954); xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1954 - 1975); cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986) và thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1986 đến nay), văn phòng cấp ủy ngày càng được củng cố và phát triển cả về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức.
 
Phóng viên: Cùng với sự phát triển chung của Văn phòng cấp ủy, hệ thống Văn phòng cấp ủy tỉnh Lâm Đồng đã có bước trưởng thành như thế nào, thưa đồng chí?
 
Đ/c Trương Văn Hòa: Ở Lâm Đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác văn phòng cấp ủy cũng phát triển theo mỗi bước tiến của sự nghiệp cách mạng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các bộ phận chuyên môn phục vụ cấp ủy đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, thử thách và đã trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 
 
Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1975, Ban Bí thư Trung ương quyết định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng ngày nay; cùng với sự ra đời các ban, ngành chức năng của tỉnh, hệ thống văn phòng cấp ủy tỉnh Lâm Đồng cũng được thành lập. Trải qua các thời kỳ, dù mỗi thời kỳ gắn với một trọng tâm công tác, nhiệm vụ chủ yếu và tổ chức bộ máy khác nhau, nhưng có thể khẳng định rằng, hệ thống Văn phòng cấp ủy trong tỉnh đã phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc”, vượt qua khó khăn, hoàn thành khối lượng công tác lớn, đạt chất lượng cao trong công tác tham mưu, phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng tại địa phương.
 
Phóng viên: Đối với Văn phòng Tỉnh ủy, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong việc tham mưu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy?
 
Đ/c Trương Văn Hòa: Trong 5 năm qua (2010 - 2015), Văn phòng Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, chương trình làm việc toàn khóa và hàng năm của cấp ủy. Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, Chương trình công tác toàn khóa và Chương trình công tác hàng năm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Văn phòng Tỉnh ủy đã tham mưu cụ thể hóa thành các chương trình làm việc quý, chương trình làm việc tháng và chương trình làm việc tuần, giúp cấp ủy cụ thể hóa các nội dung công việc, trình tự thời gian, phân công người thực hiện… đảm bảo trên 90% hoạt động của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy trực thuộc đúng theo chương trình, kế hoạch đề ra. Trong 5 năm, Văn phòng Tỉnh ủy đã tham mưu ban hành khoảng 19.337 văn bản, trong đó có 901 báo cáo, 157 chương trình, 52 chỉ thị, 22 nghị quyết, 814 kết luận, 9 quy chế, 41 quy định, 3.148 quyết định và tiếp nhận, phân loại, trình xử lý 43.297 văn bản đến. Ngoài ra, hàng năm Văn phòng Tỉnh ủy còn tham mưu tổ chức tổng kết thực hiện, xây dựng và trình cấp ủy ban hành nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh… Đặc biệt, Văn phòng Tỉnh ủy đã tập trung trí tuệ, công sức cùng các ban xây dựng Đảng; các sở, ban, ngành tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đảm bảo các chủ trương của Đảng được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả.
 
PV: Thưa đồng chí, năm 2015 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH giai đoạn 2010 - 2015 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, hệ thống Văn phòng cấp ủy tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra?
 
Đ/c Trương Văn Hòa: Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đặt ra khối lượng công việc lớn của cấp ủy các cấp, đồng thời cũng đòi hỏi hệ thống văn phòng cấp ủy phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, hệ thống văn phòng cấp ủy sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Thứ nhất, tiếp tục chủ động trong việc tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2015 và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, hiệu quả.
 
Thứ hai, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu ban thường vụ, thường trực cấp ủy chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
Thứ ba, sau đại hội, kịp thời tham mưu xây dựng quy chế, chương trình làm việc toàn khóa của cấp ủy và các văn bản liên quan để bảo đảm công tác tham mưu, phục vụ của văn phòng cấp ủy cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương; sớm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
 
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn phòng theo hướng chuyên nghiệp hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. 
 
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn giỏi, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong công tác để tham mưu cấp ủy ở tầm chủ trương, chính sách; giải quyết, xử lý đúng đắn, hợp lý các tình huống, sự vụ phát sinh và coi đây là một trong những nội dung của văn phòng cấp ủy trong cả tỉnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Thứ sáu, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và công chức về công tác thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
HỮU TÚC (thực hiện)