Chuyện ở thôn Tứ Quí

09:05, 04/05/2015

Tứ Quí là thôn xa nhất của xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), nhưng lại là thôn luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của xã. Đây cũng là thôn điển hình của Lộc An trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Tứ Quí là thôn xa nhất của xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), nhưng lại là thôn luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của xã. Đây cũng là thôn điển hình của Lộc An trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). 
 
Rẽ vào con đường nhỏ cạnh Nhà máy Chè King Lộ (thuộc địa phận Hòa Ninh, Di Linh), đi qua đoạn đường khá dài ngang thôn 6 và thôn 9 (xã Lộc An), khi nào đến đoạn đường bê-tông xi măng thẳng tắp là đến thôn Tứ Quí” - ông Vũ Viết Ngân - Bí thư Chi bộ thôn Tứ Quí, chỉ đường cho tôi như thế, qua điện thoại. Ấy vậy, ông ra tận đầu thôn đón, rồi dẫn tôi chạy dài theo con đường thôn, cốt là: “Để phóng viên xem bộ mặt của thôn cho tận tường”. 
 
Con đường bê-tông xi măng dài 1.200m là thành quả đóng góp của toàn thôn
Con đường bê-tông xi măng dài 1.200m là thành quả đóng góp của toàn thôn

Con đường thôn khá dài, khang trang và sạch sẽ là niềm tự hào của người dân thôn Tứ Quí. Ông Ngân kể: “Năm 2012, sau khi xã phát động phong trào xây dựng NTM, dân thôn đã đồng lòng góp tiền và ngày công để làm nên con đường này. Con đường bê-tông xi măng dài 1.200m, nhưng chỉ thi công trong 3 ngày, với 600 công lao động, đều là người dân thôn”. Kể về những ngày làm đường, chị Tạ Thị Nhàn - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tứ Quí, phấn khởi: “Từ thợ xây, thợ đào, thợ ủi cho đến người đào mương... đều là người Tứ Quí, không phải thuê mướn đâu cả. Làm đường đến đâu, nhà dân 2 bên đường lo thức ăn, nước uống và góp công đến đó. Thậm chí dân ở xóm khác, dù không sống dọc theo đường, cũng ra góp công góp của để làm đường. Tổng trị giá con đường lên đến gần 1 tỷ đồng, thì 1/3 kinh phí và ngày công là do dân thôn đóng góp”. 
 
Chuyện làm đường ở thôn Tứ Quí không chỉ có vậy. Thôn có 7 xóm, nằm rải rác và tạo nên nhiều khu dân cư khá tách biệt nên việc vận động làm đường thôn không hề thuận lợi. Trưởng thôn Mai Xuân Định cho hay: “Có những khu dân cư rải rác chỉ 5 - 7 căn nhà, nhưng khi Ban nhân dân thôn đến vận động, bà con đã không ngại đóng góp, dù khoản đóng góp khá khiêm tốn. Chúng tôi trân trọng mọi đóng góp của dân, từ tiền của đến công sức và ý kiến trao đổi về việc làm đường thôn. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 2 năm, thôn đã “cứng hóa” toàn bộ 6km đường thôn. Trong đó, hơn 4km là đường ngõ xóm và nội đồng. Hiện, dân vẫn đang tiếp tục đóng góp để làm đường nhựa dẫn qua thôn Tân Lạc”. 
 
Hơn 180 hộ dân ở Tứ Quí đều sống bằng nghề trồng chè và cà phê. Nhờ áp dụng hiệu quả những tiến bộ của KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi hàng loạt diện tích cây trồng sang giống mới, những năm gần đây, đời sống người dân thôn khá ổn định. Thu nhập bình quân năm 2014 là 29 triệu đồng/người/năm. Cá biệt có những hộ giàu, thu nhập chục tấn cà phê mỗi năm trên diện tích hơn 1,5 ha, như hộ Đỗ Văn Thức (xóm 5), hộ Bùi Văn Hòa (xóm 6), hộ Nguyễn Thành Ơn (xóm 3)… “Mỗi khi thôn thông báo về những lớp tập huấn hoặc hội thảo ứng dụng KHKT là toàn thôn đều tham gia. Nhà này học nhà kia về cách ghép, lai tạo giống mới; về chuyển đổi cây, con và ý thức rất cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường toàn thôn” - ông Định cho biết. Ngoài những khoản đóng góp làm đường thôn và nguồn quĩ của các đoàn thể, dân thôn hàng năm còn duy trì một nguồn quĩ chung, gọi là Quỹ thôn. Mỗi hộ, tùy khả năng, hàng tháng đều đóng góp vào nguồn quĩ này. Đến nay, Quỹ thôn được hơn 120 triệu đồng, đã quay vòng hàng năm cho gần chục hộ nghèo vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể qua từng năm. Thôn hiện chỉ còn 1 hộ nghèo.
 
Chi bộ thôn Tứ Quí từ sau khi chia tách đến nay, 14 năm liền, đều đạt TSVM. Bản thân ông Vũ Viết Ngân - Bí thư Chi bộ thôn, nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông cho biết: “Chi bộ hiện có 11 đảng viên, phân bổ đều ở 7 xóm và đều là những hạt nhân nòng cốt trong mọi phong trào. Hàng năm, Tứ Quí là thôn dẫn đầu xã về việc hoàn thành sớm nhất các loại thuế và quĩ. Ông cũng là người tích cực vận động xây dựng NTM, kêu gọi người dân chăm lo lao động, nâng cao kinh tế hộ, xây dựng các mô hình sản xuất giỏi. Ông còn làm gương trong việc đóng góp xây dựng hội trường thôn. Bất cứ việc lớn, nhỏ trong thôn, trước khi triển khai làm, ông đều hỏi qua ý kiến người dân. Mỗi năm 3 lần, ông đưa các nghị quyết về các xóm để dân đóng góp, trao đổi, bàn bạc, bổ sung. Cộng sự của ông, từ trưởng, phó thôn cho đến trưởng các đoàn thể, đều đoàn kết, say việc và quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bà Trịnh Thị Vân - Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, ghi nhận: “Cùng với thôn 5, thôn Tứ Quí là thôn có hệ thống chính trị vững mạnh nhất ở xã và điển hình trong mọi phong trào. Khi giao cho thôn bất cứ việc gì, Đảng ủy xã đều rất yên tâm”.
 
HẢI UYÊN