Trong tháng, tôi vào xã Đạ Long, huyện Đam Rông đến 2 lần. Lần nào đi cũng mệt. Xa quá. Từ Đà Lạt, phải quặt qua 3 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, mấy giờ ô tô mới thấu. Có một đường rất ngắn, nhưng chưa đi được vì còn khoảng 20km từ xã Đưng K'Nớ (Lạc Dương) qua chưa làm, Đạ Long còn "gần nhà xa ngõ".
Trong tháng, tôi vào xã Đạ Long, huyện Đam Rông đến 2 lần. Lần nào đi cũng mệt. Xa quá. Từ Đà Lạt, phải quặt qua 3 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, mấy giờ ô tô mới thấu. Có một đường rất ngắn, nhưng chưa đi được vì còn khoảng 20km từ xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương) qua chưa làm, Đạ Long còn “gần nhà xa ngõ”.
Vùng Đầm Ròn nói chung, xã Đạ Long nói riêng thời chưa tách huyện gian nan lắm. Đường chưa ra đường. Tôi trầy trật vượt suối, vật lộn trong bùn lầy, ướt át cả ngày mới vào nổi. Giờ, nông thôn mới, mỗi ngày thêm mới. Suối ngã ba Bằng Lăng đã có cầu lớn kiên cố. Cư dân các dân tộc, dù di cư tự do từ phía bắc vào như người Mông, hay là người gốc Tây Nguyên như K’Ho, M’Nông không còn chịu cảnh ốc đảo nữa. Đường dân sinh tới tận cửa nhà. Mùa này, dọc trục đường nhựa chạy qua 4 xã, chúng tôi được chứng kiến công nhân hối hả thi công thêm mấy chiếc cầu lớn vượt suối sâu…
Chủ tịch UBND xã Đạ Long Lơ Mu Ha Póh cho biết: Thời điểm cuối năm 2014, toàn xã có 610 hộ với 3.056 nhân khẩu; trong đó, hơn 90% đồng bào dân tộc K’Ho, nhánh Cill. GDP của xã đạt 32,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%, tăng 2% so với 2013. Cơ cấu kinh tế của Đạ Long chiếm 51% nông nghiệp. Năm 2014, toàn xã có hơn 943ha diện tích gieo trồng, tăng 10,8% so 2013. Tổng sản lượng lương thực so năm 2013 vượt 14%, nhưng 2014 cũng mới đạt hơn 1.546 tấn; bình quân hơn 42kg/người/tháng. Là địa bàn có diện tích rừng lớn, nhờ đó người dân thu nhập từ lâm nghiệp tới 12% giá trị tổng GDP (3,8 tỉ đồng). Trong đó, 531 hộ được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với 13.753ha. Rừng phòng hộ 231 hộ, 4.753ha; Vườn Biduop-Núi Bà 100 hộ, 3.000ha và Vườn Yang Sin 200 hộ, 6.000ha. Năm qua, Đạ Long trồng được 49,8ha rừng, 77,5ha rừng nông lâm kết hợp.
|
Con đường này thông qua xã Đưng K'Nớ là niềm mong ước của người dân Đạ Long |
Năm 2014, xã Đạ Long thu ngân sách được 868 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người vẫn rất thấp, dù tăng thêm 1,1 triệu so năm trước, nhưng mới đạt 10,5 triệu đồng/người/năm. Xã còn 106 hộ nghèo, chiếm 17,3%; giảm 8,2% so năm 2013 và 146 hộ cận nghèo, chiếm 23,9%. Tới đây, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, Đạ Long còn không ít thử thách mới.
Còn phải giải nhiều bài toán khó về kinh tế - xã hội. Sản xuất nông nghiệp năm 2014, xã Đạ Long cơ bản tăng, cả diện tích cây trồng và số lượng vật nuôi so 2013, nhưng thu nhập mới đạt 875 ngàn đồng/người/tháng. Theo Lơ Mu Ha Póh, “Kinh tế phát triển còn chậm, tính ổn định chưa cao, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được chú trọng quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Một số bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn tính trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang là mối đặc biệt quan tâm của các cấp, các ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S có 2 buổi tiếp xúc trực tiếp người dân Đạ Long. Ông phân tích nhiều chủ trương của Nhà nước và đồng thời đưa ra những quyết sách mạnh tay về chính sách hỗ trợ để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống. “An cư” mới “lạc nghiệp” là rõ rồi, làm sao dân chấp thuận? Cả hệ thống chính trị các cấp cùng nhiều ngành cần quyết liệt để nhanh chóng ổn định được đời sống cho một bộ phận người dân. Nhiều đại diện hộ dân: Mơ Bon Ha Roong, Kră Jăp Ha Húy, Liêng Hót Ha Ôn, Kơ Đơng Ha Ben, Đơng Gur Ha Jăch… đều bày tỏ cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều đến đời sống của dân. Nhưng chưa đủ, quan trọng hơn là chính họ phải tuân thủ nghiêm các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về ổn định cuộc sống của cộng đồng mới vươn tới được hiện thực no ấm và hạnh phúc.
Là xã của huyện nghèo, mấy năm nay Đạ Long được thụ hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ. Riêng năm 2014, xã được đầu tư xây dựng các hạng mục như kênh mương thủy lợi Đắk Mê với kinh phí 1 tỉ đồng; giao thông đi Liêng Trang gần 1,2 tỉ đồng… Đầu năm 2015, tỉnh phê duyệt 6,9 tỉ đồng để bê tông hóa đường từ tiểu khu 72 vào khu sản xuất 105. Chương trình hỗ trợ sản xuất do xã và Trung tâm nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư có tổng kinh phí hàng tỉ đồng, từ nhiều nguồn vốn khác nhau đến với hàng trăm hộ dân. Nào phân bón; các giống lúa, cà phê, sầu siêng, bơ, bắp lai, bò đực lai sind, bò sinh sản; máy tưới nước… Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lơ Mu Ha Póh: “Nhu cầu về vốn đầu tư đối với xã Đạ Long lớn nhưng nguồn vốn hạn hẹp nên bố trí thiếu tập trung”. Ông cho biết, xã đã đề nghị cấp trên bố trí vốn nâng cấp, kiên cố hóa thủy lợi Đạ Liêng, các tuyến đường liên thôn; toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt tự chảy vì tuổi thọ sử dụng đã lâu, mặc dù năm 2013 được phân bổ 500 triệu đồng, nhưng “đó chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt”. Muốn xóa nghèo nhanh và bền vững, đồng thời cần cả 2 yếu tố: ngoại lực và nội lực; 2 yêu cầu: thực chất và hiệu quả!
Năm 2015, Đạ Long đặt nhiều chỉ tiêu phấn đấu. GDP bình quân đầu người 11 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực 1.600 tấn; lương thực bình quân đầu người quy thóc 43kg/người/tháng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn dưới 18% (năm 2014 là 19,7%). Sinh nhiều con đang là một trong những trở lực làm chậm cải thiện mức sống. Năm 2014, tỉ lệ sinh con thứ 3 lên tới 21%, tăng 5,8% so với 2013, do đó Đạ Long đang quyết giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn 15‰ vào năm này...
Ngày 6/3, tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn Đà Lạt đến xã Đưng K’Nớ đã thông xe kỹ thuật. Ô tô chạy vù vù, nhưng còn gần 20km sang Đạ Long vẫn chỉ là lối mòn như gần 20 năm trước. Phát biểu với các đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri Đưng K’Nớ, Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ và nhiều người dân tha thiết nguyện vọng sớm có con đường vào thôn Đưng Trang (giáp xã Đạ Long). Rất thiết thực. Một tuyến du lịch Đà Lạt - Đắk Lắc theo đường Trường Sơn Đông, có điểm du lịch văn hóa bản địa đặc sắc về dệt thổ cẩm, làm rượu cần nguyên gốc truyền thống còn sót lại hiếm hoi ở Đưng K’Nớ. Tuyến du lịch còn có các sản phẩm ở Đạ Long, vùng đất lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa địa phương như dân ca, dân vũ, nơi từng có 150 chiếc chiêng được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng câu lạc bộ cồng chiêng. Đặc biệt, du khách sẽ có điểm dừng chân lý tưởng độc nhất vô nhị: suối nước nóng thiên nhiên… Cả vùng đất Đầm Ròn nói chung khi thông đường với Đà Lạt sẽ hết cảnh mua đắt bán rẻ. Đạ Long từ một xã cuối huyện, trở thành trung tâm huyết mạch với bức tranh khởi sắc.
MINH ĐẠO