Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay, nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ, trong đó có mái nhà tranh dưới lũy tre xanh từ lâu đã in sâu vào tâm thức người Việt. Để có được mái tranh như thuở Bác Hồ còn sống ở nơi này là kết quả của tình yêu và tâm huyết của người đàn ông đã ngoài tuổi lục tuần: ông Nguyễn Văn Hùng.
Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay, nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ, trong đó có mái nhà tranh dưới lũy tre xanh từ lâu đã in sâu vào tâm thức người Việt. Để có được mái tranh như thuở Bác Hồ còn sống ở nơi này là kết quả của tình yêu và tâm huyết của người đàn ông đã ngoài tuổi lục tuần: ông Nguyễn Văn Hùng.
|
Ông Nguyễn Văn Hùng miệt mài với công việc đan tranh |
Sinh ra trên mảnh đất Kim Liên (Nam Đàn) giàu truyền thống yêu nước, tháng 2/1975, ông Nguyễn Văn Hùng cùng bao thanh niên xã nhà lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại, năm 1979, ông trở về quê hương làm công an viên, canh từng bữa ăn giấc ngủ cho bà con quê nhà. Bố ông là cụ Nguyễn Văn Điều, bảo vệ nhà Bác Hồ từ năm 1968. Mỗi năm cụ Điều cùng một vài người thợ khác thay tranh lợp mái nhà Bác. “Ngày ấy, cả làng đều ở nhà lợp tranh, phên đất, nên ai cũng biết đan mái. Năm lên 10 tuổi, tôi đã theo bố đi đan mái tranh thuê từ làng này qua xã khác. Công việc đan mái nhà Bác Hồ sau này tôi đều cùng bố mình đảm nhận”, ông Hùng kể lại.
Cứ hai năm, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên lại tiến hành thay mái tranh một lần. Mái tranh được làm từ tre và lá mía. Người thợ đan tranh sau mỗi đợt lợp mái xong, chỉ nghỉ ngơi khoảng nửa tháng, rồi lại tất bật với công việc thu mua lá mía và tích trữ những cây tre thẳng, dẻo lóng, dễ chẻ, không có đốt sâu, đem ngâm nước một thời gian mới vớt lên chẻ thành từng nan sao cho phù hợp. Để có được những mái nhà tranh mà hàng ngày du khách mọi miền được ghé thăm như vậy, trước tiên người thợ đo kích thước cần dùng cho mỗi mái và chẻ tre ra làm từng thanh nhỏ, đem hong qua lửa rồi phơi khô, sau đó mới ngâm khoảng 15 ngày thì vớt lên và tiến hành đánh theo thứ tự. Lá mía sau khi đã phơi khô sẽ đem ra phơi sương qua nhiều đêm để lá nở ra, có độ dai. Tiếp theo, khi nguyên liệu đã đầy đủ và chất lượng mới đem đan theo hai hàng thẳng tắp. Sau khi đan đủ số lượng cần, người thợ sẽ nhằm ngày nắng đẹp mà lợp lên mái. Ngoài nhận việc lợp tranh ở quê nội và quê ngoại Bác Hồ, ông Hùng cũng là “nhạc trưởng” trong việc lợp mái tranh nhà cụ Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn.
“Tre sử dụng thường được chặt vào tháng 3 hàng năm. Đây là thời điểm cây tre già, không như tre tháng 8. Lá mía phải là lá 1, lá 2, lá 3 còn từ lá thứ 4 trở đi thì không còn được to, rộng và bền lá nữa. Muốn có được lá mía ưng ý, phải đi hết nơi này đến nơi khác để lựa chọn cẩn thận”, ông Hùng tâm sự. Gần một đời theo nghề đan mái, theo ông Hùng, lá mía ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) là đẹp hơn cả; nếu không đủ số lượng, ông mới ngược lên huyện Nghĩa Đàn để mua thêm. Đã hơn 40 năm trôi qua, dù tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe cũng không được như thời tuổi trẻ nhưng ông vẫn tự mình lần tìm từng bẹ mía. Sau khi thu mua đủ, ông mới thuê xe chở về. Bởi với ông Hùng “Có như vậy, lúc mái tranh được lợp lên nhà Bác tôi mới yên tâm”.
Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: “Để tìm được một người đánh tranh kỹ thuật như ông Hùng hiện nay rất hiếm. Đối với bà con nơi này và cả Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, ông Hùng chẳng khác gì một “nghệ nhân lợp tranh”, người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ lại những nếp nhà xưa cũ - dấu ấn đặc trưng cho Khu di tích Kim Liên, nơi sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Cuộc đời ông Hùng đã có trên 40 năm lợp những mái tranh ở nhà Bác. Vất vả là thế, tỉ mỉ là thế, nhưng ông chưa một lần nghĩ về chuyện lỗ lời. Rời tay khỏi tấm tranh còn đan dở, ông Hùng quệt ngang những hàng mồ hôi, nói: “Còn có sức, còn được cán bộ Khu di tích tin tưởng giao nhiệm vụ là tôi còn tiếp tục làm. Mỗi lần lợp xong, nhìn lại những ngôi nhà như khoác thêm tấm áo mới, tôi lại trẻ ra tới mấy tuổi. Năm nay tròn 125 năm ngày sinh nhật Bác, bà con khắp nơi sẽ về tề tựu nơi này. Thấy cảnh người người về đứng dưới mái tranh nghe chuyện về Bác và tránh cái nắng rát mặt của xứ Nghệ, tôi lại thấy thật vui”.
Nhìn đôi bàn tay đã chai sần đủ để biết tình cảm người đàn ông này dành cho mỗi mái tranh. Khi tuổi đã về chiều, điều mong muốn, nỗi trăn trở của ông vẫn là mai này ai sẽ đan tiếp những mái tranh nhà Bác. Người thợ lặng thầm ấy vẫn băn khoăn, biết làm sao để mai kia bà con về vẫn có thể lặng mình nghe chuyện Bác Hồ dưới mái tranh xưa.
NGỌC NGÀ