Phát triển dược liệu Lâm Đồng

08:05, 28/05/2015

Công tác điều tra sưu tầm dược liệu tại Lâm Đồng đã tiến hành nhiều đợt và đã xây dựng được Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng với tổng số 1.664 cây thuốc, 165 động vật thuốc và 21 loại kháng vật làm thuốc.

Công tác điều tra sưu tầm dược liệu tại Lâm Đồng đã tiến hành nhiều đợt và đã xây dựng được Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng với tổng số 1.664 cây thuốc, 165 động vật thuốc và 21 loại kháng vật làm thuốc.
 
Lâm Đồng có hệ thực vật, động vật phong phú, đa dạng, có nhiều loài cây thích nghi với điều kiện khí hậu cao từng vùng, đặc biệt vùng từ 1.800m trở lên vành đai ôn đới nên nhiều loài cây ôn đới xuất hiện, trong đó có nhiều loài làm thuốc hơn so với các tỉnh khác. Diện tích rừng Lâm Đồng khá lớn, trong đó có nhiều loài làm thuốc mọc trong rừng xen với các loài thực vật khác. Các loại đất trong tỉnh phần lớn có độ dày canh tác, độ phì nhiêu cao; mặt khác khí hậu, địa hình, độ cao thuận lợi cho việc thuần hóa một số cây mọc hoang dại hoặc di thực trồng các cây thuốc quý. Thực vật làm thuốc ở Lâm Đồng có số lượng nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt. Các cây thuốc được di thực trồng tại Lâm Đồng phát triển tốt nhưng do lợi ích kinh tế không cạnh tranh được với trồng rau hoa trên cùng diện tích nên nhân dân ít trồng vì trồng các loại rau, hoa có lãi nhiều hơn. Tình hình phá rừng, khai hoang, khai thác lâm sản, dược liệu diễn ra phức tạp nên lớp tái sinh thực vật có nhiều loại cây thuốc không được bảo vệ, nhiều cây làm thuốc bị hủy diệt đến mức không thể phát triển được. Các động vật làm thuốc đa số sống tự nhiên trong rừng và có tên trong sách đỏ nên không sử dụng làm thuốc; khoáng sản chưa được khai thác công nghiệp nên việc chế biến khoáng vật để làm thuốc chưa được triển khai. 
 
Qua điều tra cho thấy: những cây thuốc đặc trưng tại Lâm Đồng có 16 loài, những cây thuốc có trữ lượng lớn 20 loài, những cây thuốc di thực đã được trồng tại Lâm Đồng 23 loài, những cây thuốc có tinh dầu 23 loài, những cây thuốc có tên trong sách đỏ Việt Nam 51 loài, những cây thuốc có chất độc 26 loài; những cây thuốc cần bảo tồn, tái sinh 80 loài. Phân loại cây thuốc theo công dụng chữa 22 loại bệnh, những cây thuốc chữa bệnh nhiễm khuẩn đã được ứng dụng lâm sàng 52 loài, những cây thuốc chống ung thư đang nghiên cứu 46 loài, những cây thuốc ngăn chặn HIV/AIDS đang nghiên cứu 13 loài.
 
Công tác nuôi trồng dược liệu tại Lâm Đồng hiện nay, về trồng trọt: Cây atisô được trồng tại Đà Lạt khoảng 50ha, cây diệp hạ châu đã trồng được 23ha tại Cát Tiên; cây mác mác trồng được 400ha tại Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh; cây mắc ca trồng ở Đơn Dương và một vài huyện khác; cây phúc bồn tử được trồng ở Lạc Dương, Đức Trọng. Cây đảng sâm trồng được 10ha ở huyện Lạc Dương đã có sản phẩm bán ra thị trường. Cây dó bầu, đã trồng được 90ha cây dó bầu năm thứ 6 để gây trầm hương ở vùng Đam Rông, Lâm Hà, Bảo Lâm. Cây chè dây trồng dưới tán cây dó bầu đã thu hoạch sản xuất thành phẩm bán ra thị trường. Tại Đà Lạt, Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang tiếp tục phát triển cây giống và trồng cây sâm Ngọc Linh. Cây phật thủ đã trồng được 3 ha tại Đức Trọng; cây dưa lưới được trồng ở Đơn Dương. 
 
Về chăn nuôi các loài làm thuốc hiện nay có nuôi hươu ở Đà Lạt, Đam Rông; nuôi kỳ đà, ong (Bảo Lộc), nuôi tắc kè (Bảo Lâm), nuôi dế (Lâm Hà), nuôi nhím (Đạ Huoai), tiếp tục nghiên cứu và nuôi cấy phát triển đông trùng hạ thảo (Đà Lạt, Bảo Lộc). Nhìn chung, việc nuôi trồng cây con làm thuốc do các công ty hoặc nhân dân tự phát theo nhu cầu thị trường đang có xu hướng phát triển mở rộng những năm gần đây. Nhiều cây thuốc được trồng tại các trạm y tế; các cây thuốc như: actiso, diệp hạ châu, đương quy, xuyên khung, đảng sâm, phúc bồn tử, sa nhân, sả, gấc, sâm Ngọc Linh, các loài nấm dược liệu, các động vật như hươu, tắc kè, nhím, đông trùng hạ thảo… được các cơ sở trong tỉnh nuôi trồng để cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. Công tác thu hái dược liệu, kinh doanh dược liệu được phát triển nhằm cung cấp cho các bệnh viện, phòng chẩn trị để phục vụ công tác phòng chữa bệnh. 
 
Công tác nghiên cứu dược liệu Lâm Đồng được nhiều đơn vị Trung ương và địa phương quan tâm. Trong danh mục nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2014 tại Lâm Đồng có 13 nhiệm vụ thì có 3 nhiệm vụ liên quan đến công tác dược liệu đã được triển khai. Đó là: Xây dựng mô hình cây chè dây do Công ty CP Dó bầu hương Quảng Nam chủ trì; hoàn thiện quy trình sản xuất rượu vang từ quả phúc bồn tử do cơ sở sản xuất Huỳnh Trung Quân và Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng chủ trì; chuyển giao công nghệ sấy sản phẩm diệp hạ châu sau thu hoạch do Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật HQ chủ trì.
 
Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt tiếp tục thực hiện đề tài “Bảo tồn nghiên cứu gen và giống cây thuốc” hiện chăm sóc 260 loài, trong đó có 48 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đề tài “Trồng cây thông đỏ” đang chuẩn bị trồng tiếp 10ha, những cây trồng trước đây đã thu hoạch cành để bán. Mở rộng diện tích trồng cây actisô và trồng khảo nghiệm; sản xuất giống các cây như: hồng hoa, hoàng kỳ, khổ sâm, cam thảo bắc, cát cánh, hoàng liên, câu kỷ tử, hoàng tinh hoa đỏ, bảy lá một hoa, thanh thiên quỳ…
 
Theo Ds Nguyễn Thọ Biên - Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng, để đẩy mạnh và phát triển công tác dược liệu tỉnh Lâm Đồng cần có một tổ chức quản lý, kinh doanh và phải có một trung tâm nghiên cứu trồng trọt, chế biến dược liệu. Phải có một chính sách ưu đãi đối với các cá nhân, cơ sở trồng dược liệu như cho vay vốn, thuê đất, miễn giảm thuế; tiếp tục khảo sát, điều tra, sưu tầm phát hiện cây thuốc có trong tỉnh, điều tra về trữ lượng những cây thuốc có giá trị kinh tế và chữa bệnh để phát triển. Cần có kế hoạch bảo vệ, tái sinh, khai thác, trồng trọt cây thuốc. Đối với động vật quý hiếm cần có kế hoạch bảo vệ phát triển và khoanh nuôi bảo vệ một số khu vực có cây thuốc mọc tập trung. Có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu điều tra các bài thuốc, cây thuốc theo kinh nghiệm nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc và đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức sử dụng khai thác, bảo tồn, trồng trọt dược liệu cho nhân dân.
 
AN NHIÊN