Phòng chống sốt rét rừng

09:05, 18/05/2015

Sốt rét gia tăng gấp đôi số ca mắc so với cùng kỳ - Ngành Y tế bàn biện pháp tích cực phòng chống. Nổi cộm là vấn đề sốt rét rừng ở các đối tượng đi rừng, làm rẫy, săn thú, đánh cá, bắt chim. Công tác quản lý điều trị trong rừng như thế nào để tránh nguy cơ sốt rét ác tính và tử vong?

Sốt rét gia tăng gấp đôi số ca mắc so với cùng kỳ - Ngành Y tế bàn biện pháp tích cực phòng chống. Nổi cộm là vấn đề sốt rét rừng ở các đối tượng đi rừng, làm rẫy, săn thú, đánh cá, bắt chim. Công tác quản lý điều trị trong rừng như thế nào để tránh nguy cơ sốt rét ác tính và tử vong?
 
Theo Dự án Phòng chống sốt rét tỉnh Lâm Đồng, trong quý 1/2015, tổng số bệnh nhân mắc sốt rét là 109 trường hợp (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014), không có trường hợp mắc sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. Mạng lưới phòng chống sốt rét đã thực hiện 33.934 lam xét nghiệm, phát hiện 106 ký sinh trùng sốt rét (tăng 40 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014). Tình hình sốt rét biến động ở 9 xã thuộc 5 huyện: Đưng K’Nớ (Lạc Dương); Đà Loan, Tà Năng, Đạ Quyn, Ninh Loan (Đức Trọng); Proh (Đơn Dương); Bảo Thuận, Gung Ré (Di Linh); Đồng Nai Thượng (Cát Tiên). Ngành Y tế đã tổ chức giám sát côn trùng, dịch tễ tại các xã có tình hình sốt rét biến động, thực hiện lấy lam xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho 100% bệnh nhân có sốt đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh. Truyền thông phòng chống sốt rét cho người dân thông qua việc tổ chức nói chuyện, thảo luận nhóm tại cộng đồng với 230 lần cho 242.000 lượt người.
 
BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nhận xét: Mỗi năm sốt rét biến đổi mỗi khác, hệ thống giám sát sốt rét từ tỉnh đến huyện nhanh nhạy, có phản ứng kịp thời. “Tôi dự hội thảo định hướng phòng chống sốt rét quốc gia 2015 -2020 bàn rất nhiều về sốt rét rừng. Cái khó phòng chống ở đây là người dân biết nhưng không làm (áp dụng các biện pháp phòng bệnh - PV), do yếu tố kinh tế - xã hội, vấn đề cuộc sống nên họ vẫn đi vào rừng. Chúng tôi đã làm việc với UBND xã, huyện, kiểm lâm, vào cả chốt kiểm lâm ở bìa rừng để yêu cầu phối hợp kiểm soát đối tượng đi rừng ngăn chặn sốt rét nhưng lực lượng mỏng, khó tiếp cận và còn nhiều vấn đề nữa”, BS Phúc nói.
 
BS Cao Văn Lực - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Đức Trọng cho biết: Theo phân vùng dịch tễ sốt rét, huyện Đức Trọng nằm trong vùng sốt rét lưu hành từ vùng 2 đến vùng 4. Số bệnh nhân sốt rét tăng cao tập trung ở 5 xã vùng Loan do dân di biến động lớn đi khai thác lâm sản ở vùng rừng giáp ranh tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận mắc sốt rét về làm cho tình hình sốt rét ở địa phương tăng cao. Trong quý 1/2015, toàn huyện có 32 ca mắc sốt rét (tăng 9 ca so với cùng kỳ), đặc biệt là ở Đà Loan phát hiện 14 ca - trong khi cùng kỳ năm trước không có ca sốt rét nào. Có 3 trường hợp tái nhiễm tại 3 xã Đạ Quyn, Đà Loan, Ninh Loan. 
 
Giám sát điều trị tiệt căn
 
Thạc sĩ - bác sỹ Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Đối với những ca bệnh sốt rét, khó khăn nhất trong theo dõi điều trị là cho uống thuốc tiệt căn. Tiệt căn đối với chủng P.Vivax là 14 ngày, nếu không cho uống thuốc tiệt căn tốt thì con P.Vivax ở trong máu đến 50 năm khi nào có điều kiện nó bung ra gây bệnh. Cho nên vấn đề giám sát điều trị sau tiệt căn như thế nào cho tốt, nhất là đối tượng bệnh nhân đi rừng.       DH
Cán bộ Y tế Đức Trọng đã điều tra đối tượng dân đi rừng ở 5 xã vùng Loan có 800 người và giám sát những người đi làm từ rừng trở về, cấp 51 túi thuốc cá nhân cho đối tượng đi rừng. Tổ chức lấy lam phát hiện thụ động tại trạm y tế và lấy lam chủ động tại cộng đồng xét nghiệm 2.224 lam. Cung cấp đầy đủ thuốc sốt rét, 10.000 lam kính, 2.800 test chẩn đoán nhanh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt rét tại xã và bệnh viện huyện. Qua điều tra côn trùng, chưa phát hiện bệnh sốt rét lây lan ra cộng đồng dân cư. 
 
Bài học kinh nghiệm rút ra từ việc khống chế sốt rét vùng Đạ Quyn năm 2014 là tập trung điều trị nhóm đối tượng đích. Đó là thời điểm quý 1/2014 xã Đạ Quyn có đến 450 người dân đi rừng, phát hiện 13 ca sốt rét rừng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nhờ Trung ương hỗ trợ nguồn lực, thuốc men vào cấp phát cho đối tượng đi rừng lên đến gần nửa tỷ đồng mới ổn định tình hình. Đó là giải pháp giảm nguy tức thời, vấn đề dân số Lâm Đồng nằm trong vùng dịch tễ sốt rét lưu hành, với độ che phủ rừng lớn, người dân sống dựa vào rừng không ít, vì vậy phải tăng cường công tác giáo dục ý thức người dân phòng bệnh thì mới giảm bớt sốt rét. Bởi người đi rừng khai thác gỗ đóng chốt trong rừng rất dài ngày, nếu có kiến thức phòng bệnh, nằm mùng chống muỗi và theo dõi khi có triệu chứng cơn sốt sẽ lập tức trở về nhà, đến trạm y tế xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét và điều trị kịp thời không để tử vong.
 
Cùng với triển khai các biện pháp chuyên môn, Trung tâm Y tế Cát Tiên đã thông qua cha đạo ở nhà thờ để tuyên truyền phòng chống sốt rét. Nhờ vậy, đã sớm khống chế ổ dịch nhỏ tại xã Đồng Nai Thượng. Theo ghi nhận của cơ quan y tế địa phương, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2015, toàn huyện Cát Tiên đã phát hiện 17 ca sốt rét, trong đó có 14 ca ở Đồng Nai Thượng, 2 ca ở xã Phước Cát I và 1 ca ở xã Tiên Hoàng. Số mắc sốt rét tăng 15 ca so với cùng kỳ và số ký sinh trùng sốt rét tăng 15 ca. Đối tượng mắc bệnh là dân đi rừng làm rẫy ở vùng rừng Bình Phước, Đắc Lắc nhiễm bệnh về địa phương điều trị. 
 
Điểm nóng sốt rét ở xã Đồng Nai Thượng tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Thôn Bi Nao 13 ca và thôn Bù Gia Rá 1 ca.
 
Thôn Bi Nao cách trạm y tế hơn 50km, cán bộ y tế phải đi bộ vào vì phương tiện cơ giới không vào được. Khi phát hiện nhiều ca bệnh ở thôn Bi Nao, lực lượng y tế địa phương đã nhờ Trung tâm Y tế Dự phòng hỗ trợ và cắm chốt cán bộ chống dịch ngay tại chỗ, giám sát điều tra côn trùng tại thôn Bi Nao và bờ sông Đồng Nai. Tăng cường lấy lam xét nghiệm chủ động với 796 lam, test xét nghiệm, phát hiện 14 ca sốt rét, trong đó có 6 ca do đội sốt rét lưu động phát hiện trong cộng đồng. Cấp 19 liều thuốc cho các đối tượng đi rừng. Điều tra dịch tễ xác định có 8 loài muỗi Anopheles ở thôn Bi Nao và 5 loài muỗi Anopheles ở khu vực sông Đồng Nai. Tổ chức phun hóa chất phòng chống sốt rét tại xã Đồng Nai Thượng trên 403 nóc nhà với 1.840 dân số bảo vệ bằng phun hóa chất diệt muỗi. 
 
Sau mỗi chuyến đi rừng kết hợp vừa đánh cá vừa săn thú từ 3 - 4 ngày trở về, thường là vào dịp cuối tuần bà con đi lễ nhà thờ. Lực lượng y tế đã vận động phối hợp với nhà thờ để Cha đạo nói cho các tín đồ nghe về phòng chống sốt rét bảo vệ sức khỏe và tổ chức lấy lam xét nghiệm tại chỗ để phát hiện kịp thời ca bệnh. Sau khi triển khai các biện pháp tích cực phòng chống sốt rét, tình hình sốt rét ở xã Đồng Nai Thượng đã tạm ổn.
 
TS Trần Mạnh Hạ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sốt rét, như Cát Tiên áp dụng vào nhà thờ rất tốt nên các huyện có sốt rét tăng như: Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh, Đức Trọng cần nghiên cứu mô hình truyền thông vào thứ bảy, chủ nhật ở nhà thờ tổ chức tuyên truyền kết hợp lấy lam xét nghiệm.
 
AN NHIÊN