Sức lan tỏa từ cuộc thi tìm hiểu lịch sử

07:05, 06/05/2015

4.000 bài viết dự thi, 345 lượt kể và hàng nghìn người nghe kể - đó là con số mà Huyện ủy Đơn Dương nhận được sau một năm phát động cuộc thi tìm hiểu "Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Đơn Dương giai đoạn 1930 - 2013". 

4.000 bài viết dự thi, 345 lượt kể và hàng nghìn người nghe kể - đó là con số mà Huyện ủy Đơn Dương nhận được sau một năm phát động cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Đơn Dương giai đoạn 1930 - 2013”. Cuộc thi đã minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời nhắc nhớ, khơi gợi tình yêu quê hương trong lòng người dân ở địa phương cửa ngõ Đông Nam Lâm Đồng.
 
Những câu chuyện kể được các đơn vị đầu tư công phu, kỹ lưỡng
Những câu chuyện kể được các đơn vị đầu tư công phu, kỹ lưỡng

Cuộc thi được Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương tổ chức, nhằm tuyên truyền sâu rộng lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương đến mọi tầng lớp nhân dân trong huyện. Nhận thức tầm quan trọng của cuộc thi, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương ban hành kế hoạch thành lập Ban Tổ chức và xây dựng thể lệ cuộc thi dưới hai hình thức thi viết và kể chuyện. Cuộc thi được tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện đến tất cả các đơn vị, tổ chức trong huyện.
 
Nhiều đơn vị đã rất linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai cuộc thi, nhằm phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị song vẫn mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, tại các chi bộ thôn, nếu không có điều kiện tiến hành thi kể chuyện, thì thường xuyên tổ chức giới thiệu bài thi viết của đảng viên trong các kỳ họp chi bộ, sau đó tập hợp bài lên đảng bộ xã - thị trấn. Tại các trường và các cơ quan, đơn vị, tổ chức thi kể chuyện ngay trong buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần. Mỗi tuần từ một đến hai câu chuyện kể được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc. Tại các tập thể còn sử dụng các hình thức diễn kịch, hát nói; chuẩn bị các đạo cụ biểu diễn mang tính trực quan sinh động cao... để diễn tả câu chuyện sống động đã mang lại hiệu ứng tuyên truyền rất lớn. Ngoài ra, hình thức này còn nâng cao tầm quan trọng của cuộc thi, đồng thời góp phần làm phong phú thêm hình thức sinh hoạt tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, đồng thời rèn luyện kỹ năng tuyên truyền miệng cho cán bộ, đảng viên và học sinh.
 
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng - cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Đơn Dương, giải nhất phần thi viết, tâm sự: “Lịch sử là nội dung rất quan trọng, nhưng lâu nay vẫn được đánh giá là khá khô khan, nên nhiều người “ngại học, ngại tìm hiểu”, nhưng khi được tổ chức thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng như vậy, mọi người đều ý thức được trách nhiệm của mình để tham gia nhiệt tình. Việc nắm rõ kiến thức về lịch sử sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công việc của chúng ta. Hơn nữa, cuộc sống bộn bề, nhiều khi người ta không để tâm nhiều đến lịch sử quê hương, nhưng thông qua cuộc thi này, chúng tôi hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương để yêu và cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất này ngày càng giàu đẹp”.
 
Đồng chí Phan Thị Hoài Thanh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đơn Dương cho rằng: “Phần lớn các bài dự thi viết, thi kể chuyện thể hiện được sự hiểu biết nhất định của bản thân đối với các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong giai đoạn 1930 - 2013. Nhiều bài dự thi đã có sự đầu tư công phu, sáng tạo, nội dung đúng, đầy đủ, chịu khó sưu tầm thêm nhiều tư liệu và hình ảnh, có sự mở rộng, liên hệ hay, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự đam mê tìm hiểu lịch sử Đảng nói chung, lịch sử Đảng bộ và truyền thống đấu tranh cách mạng của quân, dân huyện Đơn Dương nói riêng. Nhiều bài dự thi đã truyền tải từ những sự kiện, số liệu lịch sử khô khan thành những cảm nhận sâu sắc, phản ánh tính chân thật của sự kiện, giúp người đọc cảm nhận được tính nhân văn cao cả, sự trưởng thành lớn lao của Đảng bộ trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 
 
Mỗi bài thi như cả tấm lòng, là trái tim đầy nhiệt huyết của mỗi người dân với quê hương và với những chiến công hào hùng của cha ông trong lịch sử. 
 
Cuộc thi “tìm hiểu “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Đơn Dương giai đoạn 1930 - 2013” đã khép lại, với 19 cá nhân có bài viết chất lượng, 1 tập thể có nhiều bài thi viết chất lượng cao. 3 bài thi kể chuyện xuất sắc nhất đã được công diễn tại Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Đơn Dương vừa qua (2/4/1975 - 2/4/2015). Những tiết mục kể chuyện đã tái hiện sống động những trang sử hào hùng của địa phương, gây xúc động cho nhiều người dân tham dự buổi lễ.
 
Sau khi kết thúc cuộc thi Ban tổ chức đã nhận định: Đây là một đợt sinh hoạt chính trị lớn, thu hút nhiều sự hưởng ứng tham gia, đồng tình của các thành phần, lứa tuổi, tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Cuộc thi đã góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự lan tỏa của cuộc thi này sẽ có hiệu quả lâu dài, là động lực cho mỗi người nhân lên những nét đẹp truyền thống, đoàn kết cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang của Đơn Dương trong giai đoạn mới.
 
Ngọc Ngà