Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí trong việc làm nhà để định canh định cư đồng bào dân tộc thiểu số ở hai điểm quy hoạch dân cư nông thôn xã Đạ Nhim và xã Đạ Chais, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách tiến hành tận thu cây rừng để giúp bà con. Tuy nhiên, chỉ mới qua giai đoạn 1 của một trong hai dự án, một số vấn đề đã nảy sinh rất đáng quan tâm.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí trong việc làm nhà để định canh định cư đồng bào dân tộc thiểu số ở hai điểm quy hoạch dân cư nông thôn xã Đạ Nhim và xã Đạ Chais, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách tiến hành tận thu cây rừng để giúp bà con. Tuy nhiên, chỉ mới qua giai đoạn 1 của một trong hai dự án, một số vấn đề đã nảy sinh rất đáng quan tâm.
Chủ trương đúng
Cả hai điểm quy hoạch dân cư nông thôn Đạ Chais và Đạ Nhim của huyện Lạc Dương đều nhằm mục đích di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, khỏi vùng lõi của rừng đặc dụng, rừng quốc gia, vùng chỉnh trang quy hoạch... Trong đó, dự án khu quy hoạch dân cư nông thôn Đưng Ksị thuộc xã Đạ Chais hiện đã được phê duyệt quy hoạch và đang triển khai giai đoạn một với quy mô di dời và định cư 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên diện tích 5ha. Theo thiết kế, căn nhà định canh định cư mới cho bà con là nhà gỗ, sàn bê tông có diện tích 45m
2/căn, kinh phí xây dựng mỗi căn khoảng 75 triệu đồng (chưa tính kinh phí cho công trình vệ sinh). Theo tính toán, từ tất cả các nguồn vốn mà huyện Lạc Dương hiện có hiện nay (nguồn hỗ trợ của Chính phủ, vốn môi trường nông thôn; các nguồn hỗ trợ của MTTQ tỉnh, của Huyện Đoàn, của doanh nghiệp...) vẫn không đủ để đáp ứng được con số tối thiểu 75 triệu đồng/căn. Bởi vậy, trước đề nghị hợp lý về việc tận thu gỗ giúp bà con của UBND huyện, Huyện ủy Lạc Dương đã nhanh chóng đồng ý về chủ trương.
Vài tháng qua, thực hiện chủ trương hỗ trợ gỗ cho bà con dân tộc thiểu số khu quy hoạch dân cư nông thôn Đưng Ksị làm nhà ở, cơ quan hữu trách huyện Lạc Dương đã tiến hành thu gom 7 đợt gỗ ngã đổ trong mùa mưa bão vừa qua được hơn 263m
3 gỗ tròn (trong đó có 249m
3 gỗ tròn thông ba lá, còn lại là gỗ tạp). Sau khi chế biến, Lạc Dương tận thu được gần 162m
3 gỗ xẻ thông ba lá và gần 9m
3 gỗ xẻ tạp. Đến lúc này, Công ty Vân Nhi - đơn vị nhận chế biến và thi công nhà cho dân - đã xuất xưởng hơn 134m
3; số lượng còn tồn kho là 36m
3 (số còn lại sẽ được tiếp tục sử dụng một cách hợp lý).
Sai sót cần khắc phục
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dư luận xì xào rằng trong vụ việc này có hay không việc lợi dụng tận thu gỗ làm nhà cho dân để khai thác ra ngoài hiện trường rồi sau đó bán gỗ ra ngoài?
Trước dư luận này, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại mọi khâu và đã có văn bản khẳng định: “Việc thực hiện của các ngành và của UBND xã Đạ Chais là nghiêm túc theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện; không có việc lợi dụng để khai thác ngoài hiện trường để bán gỗ ra ngoài”. Tuy vậy, việc khai thác tận thu nhằm giải quyết khó khăn về gỗ làm nhà tại khu quy hoạch dân cư Đưng Ksị vẫn còn những tồn tại, những sai sót. Cũng theo UBND huyện Lạc Dương, trong vụ việc này, cơ quan chức năng “Chưa thực hiện việc khai thác tận thu, tận dụng lâm sản theo đúng quy định của Thông tư 35/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Cụ thể, tại hiện trường khai thác thuộc tiểu khu 98, cán bộ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, nghiệm thu và đóng búa kiểm lâm đã có sai sót ngay từ khâu lập biên bản xác minh nên đã “để lọt” 10 cây gỗ bị gãy ngọn và 2 cây bị bật gốc ra ngoài hồ sơ (cây được thu gom nhưng không được ghi trong hồ sơ). Trong khi đó, tại tiểu khu 75, cán bộ hữu trách lại không kiểm tra một cách cụ thể hiện trường thu hồi lâm sản nên dẫn đến hậu quả là số lượng lâm sản thu gom không đủ khối lượng. Thêm vào đó, cán bộ theo dõi nhập và xuất lâm sản của Công ty Vân Nhi đã không thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo quy định; đồng thời, chưa giám sát chặt việc bàn giao gỗ đến tận tay người dân... Trước những sai sót, cơ quan chức năng cho biết: “UBND huyện Lạc Dương đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh nghiêm khắc và yêu cầu khắc phục những sai sót nêu trên...”.
Có thể nói, chương trình định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương tại hai khu quy hoạch dân cư nông thôn nói trên chỉ mới trải qua chặng đầu (giai đoạn 1 của một trong 2 dự án) nên phía trước mắt, chính quyền và cơ quan hữu trách huyện Lạc Dương vẫn còn rất nhiều công việc phải giải quyết, trong đó không loại trừ những công việc liên quan đến vấn đề tận thu gỗ rừng. Ở giai đoạn đầu của quá trình triển khai thực hiện dự án tuy phần việc chưa thật sự nhiều, chưa thực sự “ngổn ngang” nhưng nói gì thì nói, vẫn thẳng thắn mà thừa nhận rằng việc triển khai thực hiện đã bộc lộ những thiếu sót trong tận thu và sử dụng lâm sản - vấn đề xưa nay luôn được xem là “tế nhị và nhạy cảm” - là vấn đề rất đáng được lưu ý. Liên quan đến giai đoạn 2 của dự án khu dân cư Đưng Ksị và cả dự án khu dân cư Đa Nhim, lãnh đạo huyện Lạc Dương cho biết, rút kinh nghiệm trong triển khai giai đoạn 1 của dự án Đưng Ksị, UBND huyện mới đây đã báo cáo với Huyện ủy và lập tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh với nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề tận thu lâm sản, để việc triển khai thực hiện trong thời gian đến được chặt chẽ hơn và đúng với quy định của pháp luật.
Khắc Dũng