(LĐ online) - Ngày 25/5, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, vừa chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
(LĐ online) - Ngày 25/5, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, vừa chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Trung tâm y tế dự phòng Lâm Đồng, tính đến ngày 10/5 tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng là 221 trường hợp, giảm 72% so với cùng kỳ (801 ca). Tuy nhiên, tình hình bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp. Tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà vào ngày 19/5 vừa qua đã xảy ra một ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các Trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm y tế các huyện, thành phố phải tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng tại gia đình và cộng đồng. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Thực hiện điều tra đánh giá, xác định các đối tượng nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp tay chân miệng có biến chứng, lưu ý đối với bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đối với bệnh nhân chẩn đoán tay chân miệng độ I điều trị ngoại trú phải hẹn bệnh nhân tái khám mỗi 1 - 2 ngày trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh; trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt trong vòng 48 giờ; cần tư vấn bệnh nhân phải tái khám ngay khi có dấu hiệu chuyển độ IIA trở lên. Thực hiện tốt công tác phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị.
Văn Báu