Tăng cường phát triển thể chất cho trẻ vùng sâu

08:05, 29/05/2015

Bằng việc tạo dựng khu vui chơi ngoài trời với các trò chơi từ những vật dụng sẵn có, trong năm học 2014 - 2015, Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (huyện Di Linh) đã thực hiện tốt chuyên đề "Phát triển vận động cho trẻ" với các hoạt động giáo dục thể chất nhằm rèn luyện phát triển thể lực, tăng cường khả năng vận động ở trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Bằng việc tạo dựng khu vui chơi ngoài trời với các trò chơi từ những vật dụng sẵn có, trong năm học 2014 - 2015, Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (huyện Di Linh) đã thực hiện tốt chuyên đề “Phát triển vận động cho trẻ” với các hoạt động giáo dục thể chất nhằm rèn luyện phát triển thể lực, tăng cường khả năng vận động ở trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.
 
Các hoạt động múa hát của cô và trò Trường Mẫu giáo Bảo Thuận giúp phát triển thể chất cho trẻ
Các hoạt động múa hát của cô và trò Trường Mẫu giáo Bảo Thuận giúp phát triển thể chất cho trẻ
 
“Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” là chuyên đề được triển khai ở các trường mẫu giáo, mầm non trong năm học 2014 - 2015. Nội dung của chuyên đề chủ yếu tập trung vào việc tăng cường thời lượng vận động cho trẻ, tăng cường hệ thống bài tập vận động giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, khéo léo và khỏe mạnh; đồng thời, tăng tính độc lập, tự chủ cho trẻ. Việc tổ chức thực hiện chuyên đề phải đảm bảo tạo dựng được cơ sở vật chất, trang bị đồ chơi, thiết bị cho trẻ phát triển vận động phù hợp như phòng giáo dục thể chất, sân chơi, thiết bị đồ chơi ngoài trời, thiết bị đồ chơi trong nhóm… Bên cạnh đó, phải xây dựng được môi trường thân thiện và đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục vận động kích thích trẻ tích cực, hứng thú với các hoạt động. 
 
Nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), cơ sở vật chất của Trường Mẫu giáo Bảo Thuận còn nhiều thiếu thốn. Do vậy, nhà trường đã tận dụng môi trường bên ngoài và những đồ chơi tự làm để thực hiện chuyên đề này. Bên cạnh đó, nhà trường đã vận động giáo viên và phụ huynh cùng tạo dựng khu vui chơi ngoài trời từ nguyên liệu thiên nhiên như mẩu gỗ, cành tre, sỏi, cát, đá… hay tận dụng những phế liệu an toàn như lốp xe, vỏ hộp cát tông… Tuy nhiên, với trên 90% là trẻ đồng bào DTTS, việc tuyên truyền để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển thể chất, thể lực cho trẻ lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhà trường đã dùng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” để phụ huynh được “mắt thấy, tai nghe”, chứng kiến con em mình lớn - khỏe mỗi ngày nên nhiều phụ huynh bắt đầu hưởng ứng. Và sau vài tháng, một khu vui chơi ngoài trời được hình thành trong khuôn viên nhà trường với sự đóng góp hàng chục ngày công của phụ huynh. Đó là khu vui chơi với nhiều trò chơi vận động như nhảy bao bố, nhảy theo ô vẽ sẵn, đi theo đường dích dắc, kéo co, đi cà kheo… Tất cả các ngày học trong tuần, nhà trường đều thực hiện 30 phút cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, trong đó, 15 phút chơi các trò chơi vận động và 15 phút chơi tự do. Hoạt động này không những khơi dậy sự khám phá của trẻ mà còn tăng cường vận động để trẻ khỏe mạnh. 
 
Bên cạnh việc tăng cường cho trẻ chơi các trò chơi vận động, hoạt động thể dục thể thao cũng được nhà trường tổ chức theo hình thức vừa tập luyện vừa vui chơi. Vì vậy, trong dịp tham gia giải bóng đá giao lưu các trường mầm non trên địa bàn huyện, Trường Mẫu giáo Bảo Thuận đã đoạt giải nhất. Cùng với sự nỗ lực trong công tác dạy học, các hoạt động rèn luyện thể lực, thể chất cho trẻ của trường đã mang lại hiệu quả, đó là đến cuối năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 12% xuống còn 5% so với đầu năm; tỷ lệ bé chăm đạt 95%; bé khỏe ngoan đạt 88%; duy trì sĩ số đạt 100%...  
 
“Việc thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” trong năm học này và cả những năm tiếp theo sẽ là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho trẻ, góp phần giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ cho trẻ ngay từ bậc học đầu tiên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai chuyên đề sẽ góp phần cải thiện, tăng cường hoạt động giáo dục, phát triển vận động về môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong tổ chức các trường mầm non. Mặt khác, nâng cao nhận thức, thay đổi và huy động sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng cùng quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho những “mầm xanh” tương lai”, cô Phan Thị Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bảo Thuận chia sẻ.
 
TUẤN HƯƠNG